Ngày 30/01/2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kí ban hành Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT về hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa mới.
Thông tư đưa ra hai tiêu chí để lựa chọn sách giáo khoa, đó là phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Các địa phương hoàn toàn có thể chọn sách giáo khoa theo từng môn học, căn cứ vào điều kiện của địa phương và các tiêu chí do các tỉnh tự ban hành.
Có tới 24/32 sách giáo khoa mới thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Như vậy, các trường lựa chọn bộ sách nào thì đa số cũng thuộc về quyền lợi của nhà xuất bản này. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Có ý kiến cho rằng việc giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chọn sách cũng cần được quy định rõ ràng về thời gian sử dụng của bộ sách là bao nhiêu năm, nếu không quy định rõ ràng thì việc mỗi năm tỉnh chọn một bộ sách sẽ khiến người dân phải chi rất nhiều tiền để mua sách mới, trong khi sách cũ lại không sử dụng được.
Không có một bộ sách giáo khoa nào hội tụ đủ được những cái tốt và phù hợp với nhiều học sinh vì mỗi em có hướng phát triển và tư duy khác nhau, điều này chỉ có giáo viên là hiểu rõ nhất.
Chính vì vậy phương án tốt nhất là các nhà trường cần có thư viện sách giáo khoa gồm nhiều bộ sách để phù hợp với nhiều trình độ của học sinh, số sách này cho học sinh thuê hàng năm sẽ rẻ hơn nhiều so với mua mới, mặt khác nhà trường có cùng một lúc nhiều bộ sách giáo khoa sẽ giúp cho học sinh và giáo viên có nhiều lựa chọn để giảng dạy và học tập.
Bên cạnh đó tính minh bạch trong việc chọn sách cũng phải đặt lên hàng đầu, việc giao các tỉnh chọn sách giáo khoa rất dễ dẫn đến việc tạo ra cơ chế tiêu cực để chọn bộ sách này và bỏ bộ sách kia.
Còn một điều nữa tưởng như vô tình nhưng trong năm đầu tiên thực hiện đổi mới sách giáo khoa, nhà trường sẽ được quyền chủ động lựa chọn sách giáo khoa lớp 1.
Dư luận có quyền đặt dấu hỏi rằng ở đây có yếu tố độc quyền về sách giáo khoa hay không? Bộ Giáo dục và Đào tạo có thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 88/2014/ QH13 của Quốc hội về xã hội hóa hay không để dẫn đến việc có quá ít đơn vị tham gia biên soạn sách giáo khoa mới?
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là đơn vị phụ trách chương trình chuẩn về sách giáo khoa nói trên, mà Bộ chỉ là nơi thực hiện chính sách của Đảng và Chính phủ.
Mỗi địa phương được tự chọn sách giáo khoa là những người điều hành không có kiến thức về phát triển xã hội, không có nghề sư phạm, họ làm cho xong và coi đó như thủ tục hành chính, và dễ bị “cơ chế” chi phối”.
Với 1 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới như hiện nay thì phụ huynh học sinh phải chi ra khoảng 300 nghìn đồng, nhưng chắc chắn đây chưa phải là số tiền cuối cùng, bởi rất nhiều địa phương còn cố tình tạo ra các loại sách tham khảo khác như vở luyện chữ, sách nâng cao… mà những sách này gần như bắt buộc phải mua nhưng thực tế là cả năm không dùng đến.
Điều đáng lo nữa năm học 2020-2021 sách giáo khoa lớp 1 mới là do các trường tổ chức lựa chọn. Nhưng qua năm học sau khi Luật Giáo dục có hiệu lực thì Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ có quyền chọn sách.
Chắc chắn là sẽ có sự thay đổi về sách giáo khoa những năm tiếp theo với từng bộ sách, điều đó dẫn đến việc những bộ sách giáo khoa năm học 2020 - 2021 còn mới nhưng sẽ bị bỏ đi, thay vào đó là dùng bộ sách khác do Ủy ban nhân dân tỉnh lựa chọn.
Sách giáo khoa là mặt hàng có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Giá sách giáo khoa tăng cao bất hợp lý
Đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình - Ủy viên Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “ Cần phải xem xét lại, bộ sách giáo khoa lớp 1 hiện tại đang sử dụng giá 54.000 đồng có những cái gì, còn bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có gì mà giá lại cao hơn tới gấp 4 lần?
Ông bình cho rằng lý giải của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về nguyên nhân khiến bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có giá cao là hình thành từ các yếu tố như chi phí tổ chức bản thảo, vật tư, công in, lưu thông, quảng cáo…là không thuyết phục.
Bởi khung giá theo quy định của Nhà nước cho hoạt động biên soạn sách giáo khoa đã được đưa ra, đã tính cho tất cả các chi phí mà nhà xuất bản chi trả trong quá trình biên soạn”.
Sách giáo khoa không phải mặt hàng muốn bán giá nào cũng được |
Theo ông Bình: “Trách nhiệm chính trong vấn đề này thuộc về Bộ Tài chính.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có ý kiến tới các nhà xuất bản về việc giá bộ sách giáo khoa mới có sự biến đổi so với đề xuất trước đó mà Bộ này gửi tới Chính phủ.
Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyền kiểm tra độc lập về giá bộ sách giáo khoa mới mà các nhà xuất bản đưa ra.
Hai kết quả kiểm tra của 2 Bộ này nếu khớp nhau thì mới có cơ sở để xác định giá sách giáo khoa mới, còn không thì cần phải xem xét lại”. (1)
Theo quy định thì mặt hàng sách giáo khoa không thuộc danh mục nhà nước định giá, nhưng lại thuộc danh mục kê khai giá tại Bộ Tài chính, hơn nữa đây là mặt hàng có tác động lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn.
Vậy nên muốn tăng giá sách giáo khoa thì cần phải có đánh giá tác động đến đời sống kinh tế xã hội, và cần có lộ trình tăng giá cụ thể, không thể cứ nói tăng giá là tăng ngay được.
Tài liệu tham khảo:
(1) http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/sgk-moi-gia-cao-gap-4-lan-vi-sao-lai-the-3399355/