"Sạn" ở cuốn HĐTN, hướng nghiệp lớp 11 bộ Chân trời sáng tạo, Chủ biên nói gì?

10/01/2023 06:32
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chủ biên cuốn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 11 bộ Chân trời sáng tạo đã lên tiếng trước phản ánh "sạn" có trong nội dung bản mẫu. 

Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài biết: "Chuyên gia nêu sai nghiêm trọng ở cuốn HĐTN, hướng nghiệp bộ Chân trời sáng tạo". Bài viết nêu ý kiến chuyên gia về nhầm lẫn tại bản 2 của cuốn sách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bộ Chân trời sáng tạo lớp 11 của nhóm biên soạn do Đinh Thị Kim Thoa - Nguyễn Thị Bích Liên (đồng chủ biên) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Bìa bản 2 cuốn sách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 11 bộ Chân trời sáng tạo. (Ảnh: Chân trời sáng tạo).Bìa bản 2 cuốn sách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 11 bộ Chân trời sáng tạo. (Ảnh: Chân trời sáng tạo).

Liên quan đến nội dung này, ngày 8/1, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên lạc với Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa - Chủ biên cuốn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bộ Chân trời sáng tạo lớp 11. Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa còn là Tổng chủ biên chương trình Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (Chương trình Giáo dục phổ thông 2018).

Theo Phó Giáo sư Thoa, một số chuyên gia có khái niệm đào tạo nghề chỉ dành cho hệ trung cấp và cao đẳng, đối với đại học và học viện là đào tạo ngành. Quan niệm này được nêu từ văn bản pháp lý của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, Phó Giáo sư Thoa cho rằng, sinh viên học bất kỳ ngành đào tạo đại học nào, khi tốt nghiệp họ đều sẽ làm một nghề nào đó, bởi vì trong ngành có nhiều nghề khác nhau. Với học sinh chỉ cần làm một nghề nào đó trong tương lai.

"Chúng tôi cũng chỉ muốn mang đến cho học sinh cách hiểu đơn giản nhất, bởi vì nó là hoạt động, không phải duy danh định nghĩa để quá nặng nề về khái niệm. Các nhà nghiên cứu đang phân biệt hai khái niệm này", Phó Giáo sư Thoa giải thích.

Việc giới thiệu về các trường đào tạo nghề thuộc quản lý Nhà nước của Tổng cục Giáo dục - Nghề Nghiệp (Bộ Lao động) nhưng nhóm biên soạn lại đưa các trường đại học, học viện thuộc quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào chung là trường đào tạo nghề. (Ảnh: MĐ)

Việc giới thiệu về các trường đào tạo nghề thuộc quản lý Nhà nước của Tổng cục Giáo dục - Nghề Nghiệp (Bộ Lao động) nhưng nhóm biên soạn lại đưa các trường đại học, học viện thuộc quản lý Nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào chung là trường đào tạo nghề. (Ảnh: MĐ)

Trước quan điểm cho rằng việc giới thiệu sai ngành/nghề đào tạo sẽ ảnh hưởng đến định hướng của người học, Phó giáo sư Thoa khẳng định: "Tôi đảm bảo không có ảnh hưởng gì đến người học... bạn có học lên tiến sĩ hay học gì thì cũng làm cụ thể một nghề nào đó chứ".

Vị Tổng chủ biên cuốn sách cũng cho rằng, trong Thông tư 26 có đề danh mục ngành, nghề cấp IV dành cho đào tạo bậc trung cấp và cao đẳng. Điều này nghĩa là ngành vẫn dành cho bậc này, không phải dành riêng đào tạo đại học. Thật ra đây là một cách quy ước, còn bản chất của nó là tạo ra một cái nghề cho tương lai.

Về việc giới thiệu thông tin sai về các trường đại học, học viện trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhưng nội dung cuốn sách lại nêu đó là các trường đào tạo nghề trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa cho hay, trước đây các trường trung cấp và cao đẳng là do Bộ Giáo dục quản lý nhưng khi được Bộ Lao động quản lý có một số thuật ngữ phân định nhất định.

Tuy nhiên, trong quá trình dịch chuyển làm văn bản, đối với các cơ sở đào tạo nghề là trường nghề, còn giáo dục đại học không phải là trường nghề.

Nhưng quan niệm xã hội cho rằng, học đại học cũng chỉ để ra làm nghề. Việc chọn trường, suy ra cũng là để làm nghề trong tương lai. Ví như học ngành kế toán tốt nghiệp làm nghề kế toán, sinh viên học ngành sư phạm ra trường làm nghề giáo viên.

Đối với nội dung Định hướng học tập được phản ánh về việc các môn học chưa sát với các ngành/nghề được đào tạo, Phó giáo sư Thoa thừa nhận sai sót này cho hay, ở cuối nhóm môn học, nhóm biên soạn có để dấu cộng và ba chấm. Đây là phương án mở để học sinh lựa chọn tiếp các môn cho phù hợp.

"Tuy nhiên, tôi không hiểu sao trong việc chế bản lại cắt đi dấu cộng và ba chấm. Việc này là do lỗi kỹ thuật", Chủ biên cho hay.

Theo bà Thoa, nội dung cuốn sách trên là bản mẫu và vẫn đang được lấy ý kiến. Bản mẫu trên cũng đã được lấy ý kiến nhiều nơi. Tuy nhiên, Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa tỏ ra khó hiểu về việc tại sao giai đoạn đó các đơn vị không lên tiếng để chúng tôi chỉnh sửa theo ý kiến đó.

"Chúng tôi còn có vòng lấy ý kiến xã hội, theo đó nội dung sẽ được gửi về các Sở, Vụ, Viện, và họ có những nhóm đọc, cũng như góp ý cho các tác giả. Và chúng tôi sẽ chỉnh sửa ý kiến đó, tại sao ở giai đoạn đó các đơn vị không lên tiếng", Phó Giáo sư Thoa nói.

Về những lỗi đã được dư luận, chuyên gia phản ánh, nhóm tác giả xin tiếp thu mọi ý kiến đóng góp để bản mẫu có thể trở thành bản chính thức hoàn thiện hơn. Đơn vị sẽ thêm từ "ngành" vào trước từ "nghề".

"Nếu chúng tôi không cho Trường đại học Xây dựng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền vào trong nội dung trên thì không có chuyện gì xảy ra.

Chúng tôi sẽ có quy chỉnh một chút là thêm một từ "ngành", và đối với việc giới thiệu các trường thì chúng tôi bỏ Trường Đại học Xây dựng", Phó Giáo sư Đinh Thị Kim Thoa - Chủ biên cuốn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 11 chia sẻ.

Trước đó, tại bản 2 của cuốn sách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bộ Chân trời sáng tạo lớp 11 của nhóm biên soạn do Đinh Thị Kim Thoa - Nguyễn Thị Bích Liên (đồng chủ biên) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho thấy đang có "sạn".
Có ý kiến cho rằng, nhóm biên soạn cuốn sách trên đã định hướng sai về khái niệm ngành học với nghề, và nhầm lẫn trong việc "biến" các trường đào tạo ngành học của Bộ Giáo dục và Đào tạo thành trường đào tạo nghề của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cụ thể, ở mục Hoạt động 5 cuốn sách có nội dung về "Tìm hiểu về các trường đào tạo nghề liên quan đến việc học tập, hướng nghiệp của bản thân". Tại mục này, nhóm biên soạn yêu cầu người học xác định các trường đào tạo nghề liên quan đến việc học tập hướng nghiệp của bản thân.

Nhóm biên soạn đã lấy ví dụ về các trường đào tạo 2 nhóm nghề gồm nghề xây dựng và nghề báo chí.

Cụ thể, với nhóm nghề xây dựng, cuốn sách liệt kê các trường đào tạo nghề này là: Trường trung cấp xây dựng; Trường cao đẳng xây dựng và Trường đại học xây dựng. Nhóm biên soạn đã định hướng học tập nhóm nghề này với các môn khoa học tự nhiên là Hóa học và Vật lí.

Đối với nhóm nghề báo chí, các đơn vị đào tạo nghề này được cuốn sách liệt kê gồm: Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình; Trường đại học Khoa học và Xã hội - Nhân văn; Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Định hướng học tập nhóm nghề này, đòi hỏi người học nhóm môn học xã hội như giáo dục kinh tế và pháp luật; Địa lí.

Mạnh Đoàn