Sáng mãi tinh thần Olympic

12/02/2022 07:30
Đình Hải
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không đơn thuần là một giải đấu thể thao, Olympic còn là nơi gắn kết yêu thương, tôn vinh những giá trị cao đẹp.

Những ngày này, thế giới đang dõi theo những cuộc tranh tài đỉnh cao ở Olympic Bắc Kinh diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh và các thị trấn ở vùng lân cận tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc từ ngày 4 - 20/2.

Đây là thế vận hội mùa Đông thứ tư được tổ chức tại châu Á sau các kỳ Olympic mùa Đông 1972 ở Sapporo (Nhật Bản), năm 1998 ở Nagano (Nhật Bản) và năm 2018 ở Pyeongchang (Hàn Quốc).

Là chủ nhà của sự kiện này, Bắc Kinh đồng thời cũng trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới đăng cai cả Olympic mùa Hè lẫn Olympic mùa Đông.

Bên cạnh những cuộc tranh tài đỉnh cao của Olympic đang bị phủ một bóng đen khi phong trào tẩy chay Olympic Bắc Kinh diễn ra ở một số nơi trên thế giới.

Chiến dịch tẩy chay Olympic Bắc Kinh 2022 được Mỹ phát động và được nhiều quốc gia trên thế giới hưởng ứng. Chiêu bài “nhân quyền” một lần nữa được Mỹ và nhiều quốc gia khác đưa ra để phát động chiến dịch tẩy chay này.

Liệu những chiến dịch “tẩy chay” này có đang đi ngược tinh thần mà Olympic đề ra?

Hình ảnh lộng lẫy của lễ khai mạc Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022. Ảnh: Vietnamplus

Hình ảnh lộng lẫy của lễ khai mạc Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022. Ảnh: Vietnamplus

Từ khi Olympic hiện đại được tổ chức 4 năm 1 lần, đó đều là những sự kiện thể thao đáng chú ý và được nhân dân toàn cầu quan tâm dõi theo.

Thế nhưng, trải qua hơn 100 năm tổ chức, lịch sử cuộc tranh tài Thế vận hội đã chứng kiến không ít những rắc rối xoay quanh câu chuyện địa-chính trị giữa các đoàn tham dự.

Kỳ Thế vận hội tại Melbourne năm 1956 là kỳ Thế vận hội được quan tâm nhiều không phải vì những thành tích trên bảng tổng sắp mà vì liên quan đến các sự kiện riêng rẽ mang tính chính trị.

Thế giới không ít lần phải chứng kiến các kỳ Thế vận hội mà các đoàn thực hiện tẩy chay lẫn nhau trong thời kỳ chiến tranh Lạnh.

Olympic cũng là nơi chứng kiến các sự kiện gây chấn động quốc tế. Các chiến binh Palestine đã sát hại 11 thành viên của đoàn Israel tại Munich 1972.

Năm 1987, trước khi Seoul tổ chức Thế vận hội mùa hè, các đặc vụ Triều Tiên đã cho nổ máy bay của Hàn Quốc, giết chết hơn 100 người.

Những sự kiện như vậy không đem lại những kết quả tốt đẹp mà đều để lại những hậu quả buồn cho đến tận ngày này.

Ngoài những câu chuyện mang màu xám, các kỳ Thế vận hội cũng đã không ít lần phát huy vai trò đoàn kết nhân loại, góp phần đem lại hòa bình cho thế giới.

Lần gần nhất, kỳ Thế vận hội mùa hè lần thứ 32 tại Tokyo, Nhật Bản (Olympic Tokyo 2020) cũng đã đi vào lịch sử phong trào Olympic hiện đại khi được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới.

Mặc cho những khó khăn, giải đấu vẫn cho thấy vai trò của mình trong quá trình hàn gắn những vết thương, sự tin tưởng chiến thắng đại dịch của nhân loại.

Ở kỳ tổ chức Thế vận hội gần nhất, ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã ban hành các quy định ứng xử dành cho các vận động viên: nghiêm cấm các cử chỉ “có tính chất chính trị”, bao gồm các cử chỉ bằng tay hay hành động quỳ gối. Nguyên tắc này đã thể hiện những nỗ lực đáng khen ngợi của IOC trong việc duy trì một môi trường thi đấu “phi chính trị”.

Cũng cần phải nhắc lại rằng, nhà sư phạm và tư tưởng người Pháp - Pierre de Coubertin đề xuất rằng thế vận hội Olympic của người Hy Lạp cổ đại cần được hồi sinh để tôn vinh nền hòa bình thế giới.

Và 2 năm sau ngày nhà tư tưởng này mất, năm 1896 tại Aten (Athens), Đại hội thể thao Olympic hiện đại đầu tiên được bắt đầu.

Cũng trong chương 5 của Hiến chương Olympic ghi: “Không một hành động mang màu sắc chính trị, tôn giáo hay sắc tộc nào được phép diễn ra tại Thế vận hội”.

Ủy ban Olympic (IOC) tin rằng, chỉ khi giữ được một thái độ trung lập, Thế vận hội mới có thể tồn tại được cùng với thời gian.

Do vậy, Olympic không chỉ là nơi diễn ra các cuộc tranh tài của các vận động viên thể thao mà còn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, tình yêu hòa bình của toàn nhân loại.

Sự góp mặt của các vận động viên thể thao trên toàn thế giới giúp xóa nhòa mọi ranh giới địa lý, giúp con người trên khắp năm châu gần gũi và yêu thương nhau nhiều hơn.

Được tham dự Olympic trở thành niềm tự hào, thành những trải nghiệm tuyệt vời cho tất cả các vận động viên thể thao trên toàn thế giới.

Để chào đón Olympic Bắc Kinh năm 2022, Cơ quan Bưu chính Liên hợp quốc (UNPA) đã phát hành một bộ tem mới mang tên "Thể thao vì Hòa bình" (Sport for Peace) cho một kỳ Olympic mùa Đông.

Liên Hiệp Quốc cũng nhấn mạnh sự kiện này là một cơ hội có ý nghĩa nhằm phát huy sức mạnh của thể thao trong thúc đẩy bầu không khí hòa bình, phát triển, khả năng phục hồi, lòng khoan dung và sự hiểu biết giữa các quốc gia.

Đó cũng là những giá trị cốt lõi và tầm nhìn của Phong trào Olympic và Paralympic quốc tế, thể hiện trong sự thống nhất và nỗ lực tập thể, hướng tới một thế giới hội nhập và hợp tác.

Thế vận hội thể thao mùa Đông 2022 được tổ chức tại Bắc Kinh với khẩu hiệu “Cùng nhau hướng tới tương lai chung” (Together for a Shared Future) cho thấy thế vận hội mùa đông tại Bắc Kinh hoàn toàn nhằm mục tiêu giúp cho thế giới trở nên đoàn kết, yêu thương và giúp đỡ nhau nhiều hơn trong bối cảnh đại dịch ngày càng trở nên phức tạp.

Do vậy, việc dùng chiêu bài “nhân quyền” của bất kỳ ai để tẩy chay Olympic là không phù hợp với tinh thần thể thao chung mà nhân loại đang hướng tới.

Tinh thần của Olympic tinh thần thể thao cao thượng và đáng trân trọng, tinh thần ấy nằm ngoài bất cứ toan tính chính trị của bất kỳ tổ chức, thế lực nào.

Mọi tính toán chính trị đều đi ngược tinh thần thể thao, hòa bình mà nhân loại đang hướng tới ở Olympic Bắc Kinh 2022.

Olympic bền vững nhất và là nơi tôn vinh nỗ lực của con người, của tình đồng đội, của yêu thương và sự đoàn kết và không có màu sắc chính trị.

Đình Hải