Nền giáo dục cách mạng Việt Nam sinh thành trong kháng chiến nên đã từng phải trải qua những năm gian khó, hiểm nguy. Hình ảnh lớp học thuở sơ khai gắn với lều lá chứ không phải trường ốc nơi thành thị. Giấy, bút, phấn, bảng…ra sao thì khỏi phải nói những đến cả thày cô cũng thiếu thốn đến mức một thày phải dạy “kê” nhiều môn.
Thầy toán dạy cả hóa, sinh, sử địa, thày văn dạy luôn môn thể dục. Học trò đến trường cũng phần nhiều quá độ tuổi quy định. Còn như phương tiện trình chiếu, sách tham khảo, tham quan, thực địa là chuyện không dám nghĩ tới. Sách giáo khoa mất bìa, gẫy gáy, ảnh minh họa tối thúi, vá víu bằng phụ lục chương trình.
Sách giáo khoa thời cũ còn rất nhiều điểm cần phải giữ. Ảnh minh họa |
Nhưng, từ sự thiếu thốn, vá víu đến vô lí ấy đã tạo ra chính chúng ta- những người đang vận hành cỗ máy tạo ra dường cột của đất nước. Các chuyên gia đầu ngành, hiệu trưởng, giám đốc…vậy nhưng từ khi quay lại tái xây dựng nền giáo dục này chúng ta đã làm được gì khi luôn nêu cao ngọn cờ đổi mới và cải cách?
Từ sự thiếu thốn, nghèo đói ấy ta lại rơi vào sự quá tả khi cung cấp cho thế hệ sau những điều kiện học tập đến mức không cần phải động não đã có cái nhét vào đầu, ghi vào vở. Sách, vở đẹp rẻ tiền, chương trình “xén” gọn như cây cảnh đến từng trích đoạn. Những luận đề thế hệ cha anh phải trăn trở nửa đời người thì nay đã cô đúc trong 45 phút học. Chương trình thi đại học, cao đăng, số lượng trường, ngành, sách bài tập, tham khảo tạo cho con em ta cảm giác an toàn đến mức còn phải cạnh tranh ngoại trừ áp lực thành tích khá và giỏi.
Sao không nghĩ đến chuyện học tập quá khứ mà cứ nhất nhất phải khác phải không lặp lại chính mình như thể bị chế nhạo, như thể giống thời xưa thì nhếch nhác, cổ hủ. Cái thời mà người nào cũng biết giải toán, cũng mê sách văn chương, ham làm thí nghiệm cho quả trứng vô cổ chai, ghép cây…nó hồ hởi, hồn nhiên mà trong sáng thế. Giáo dục càng đi càng lạc mà vẫn cố đi khi mắt chẳng nhìn thấy con đường sáng sủa có phải đang quá cố chấp hay tự ái không?
Trong dịp kỉ niệm nào, bài tổng kết chặng đường giáo dục nào cũng khẳng định thành tựu quá khứ nhưng chẳng thấy giữ lại được những cái cũ. Chủ trương đổi mới, cập nhật, hội nhập nhưng đâu chỉ ra lí do thuyết phục để thay đổi, để giữ tính bền vững mà chỉ thấy sự liều lĩnh, “thí tốt” hay “đâm lao phải theo lao”của những nhà đổi mới?
Đã bao giờ chúng ta ngó tủ sách của GS Ngô Bảo Châu để thấy ông đã đọc văn như thế nào để hiểu về toán, cặp sách của những tài năng có đè nặng gù lưng què quặt nhưng tâm hồn không? Bất giác tôi nghĩ đến việc chúng ta hay lục lại những cuốn sách giáo khoa, sách phụ lục cũ để chí ít là tìm thấy những điều chân lí mà ta đã chót đãi vàng tìm cát. Nội dung có thể thay đổi phù hợp với cái mới nhưng cách thức, chiến lược thì không thể.