Sáp nhập TT GDTX-GDNN vào trường nghề: Người ủng hộ, nơi nói không nên

28/11/2023 09:40
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cùng liên kết đào tạo chương trình 9+ nhưng do thời gian tuyển sinh khác nhau, thời gian học tập chưa linh hoạt, chương trình 9+ tại trường nghề còn gặp khó.

Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, có nhiều học sinh lựa chọn học chương trình 9+ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thế nhưng, thực tế hiện nay, công tác tuyển sinh và đào tạo cho chương trình này tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại cần tháo gỡ.

Trước vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Phan Anh Quốc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận bày tỏ, hiện nay, việc liên kết với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay vẫn còn gặp phải một số bất cập cả về thời gian tuyển sinh và đào tạo.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Ninh Thuận).

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo Ninh Thuận).

Thầy Quốc chia sẻ, mặc dù có chương trình văn hóa 4 môn theo Thông tư số 15/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp để giảm tải gánh nặng học tập cho các em lựa chọn chương trình đào tạo 9+ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu của phụ huynh và nhiều học sinh vẫn lựa chọn học nghề và học chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông vẫn cao hơn. Bởi, mong muốn của nhiều em cũng như nhiều phụ huynh là dù học nghề vẫn phải có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Đáng nói, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên khai giảng năm học mới vào ngày 5/9 hàng năm và tổ chức dạy học, trong khi đó, các trường nghề lại tuyển sinh theo năm tài chính, thường vào khoảng tháng 7 đến tháng 11 hàng năm.

Điều này đã gây ra vướng mắc khi những em nhập học tại trường nghề sau thời gian khai giảng của trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên muốn đăng ký học văn hóa tại các trung tâm này cũng không được chấp nhận nữa do đã chậm niên học và phải chờ đến dịp khai giảng năm sau.

Thậm chí, như tại Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận, có một số em vào sau thời gian khai giảng niên học của trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên 1-2 tuần cũng phải chờ đến năm học sau.

Chính vì vậy đã vô tình gây ảnh hưởng đến mục tiêu học tập của các em như được nhà trường tư vấn ban đầu là sau khi tốt nghiệp chương trình 9+ hệ trung cấp sẽ được liên thông lên cao đẳng nếu đủ điều kiện.

Thế nhưng, khi học muộn chương trình văn hóa 1 năm như vậy, có những em dù đã hoàn thành chương trình trung cấp nhưng chưa hoàn thành chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông nên chưa thể học liên thông lên cao đẳng.

Hơn nữa, việc tham gia học văn hóa ở trung tâm giáo dục thường xuyên cũng khiến nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp gặp khó khăn trong việc bố trí giờ học trung cấp. Đặc biệt là ở thời điểm cuối cấp, khi các em học sinh phải đi thực tập cả ngày, chỉ có thể học chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên vào buổi tối nên rất nặng nề.

Chính vì vậy, thầy Quốc bày tỏ sự ủng hộ nếu cho phép các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên được sáp nhập vào các trường nghề để thuận lợi hơn trong việc sắp xếp thời gian tuyển sinh, thời gian dạy và học cho phù hợp.

Hoặc nếu không sáp nhập mà cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được phép dạy chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên bởi từ trước kia, vốn đa số các trường nghề đã có đủ khả năng để đảm nhận dạy chương trình này. Còn những đơn vị nào không đủ khả năng sẽ phối hợp một cách linh hoạt với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Từ đó, đảm bảo linh hoạt về thời gian tuyển sinh, thời gian học tập cho người học để các em vừa không bị lịch học quá nặng, vừa không bị ảnh hưởng đến thời gian và mục tiêu mong muốn của bản thân.

Ngoài ra, thầy Quốc cũng cho biết thêm, hiện nay, nhiều nơi tuyển dụng vẫn theo thói quen là yêu cầu người lao động phải có bằng tốt nghiệp trung nghiệp trung học phổ thông. Trong khi đó, những em học theo chương trình học nghề và học văn hóa 4 môn vốn đã có bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng vốn đã đáp ứng yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp. Điều này đã gây ra khó khăn, thiệt thòi cho các em.

Trong khi đó, Tiến sĩ Đặng Văn Sáng - Hiệu trưởng Trung cấp Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng, việc quản lý nhà nước về hoạt động giáo dục nghề nghiệp và hoạt động giáo dục phổ thông là hai cơ quan khác nhau nên việc sáp nhập trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên vào các trường cao đẳng, trung cấp là không nên. Trừ khi cả hai hoạt động này giao về một mối quản lý là ngành Giáo dục và Đào tạo hoặc Lao động – Thương binh và xã hội.

Đối với tình hình đào tạo thực tế chương trình 9+ tại cơ sở, thầy Sáng cho biết, Trường Trung cấp Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay chỉ tổ chức dạy nghề và văn hóa giáo dục thường xuyên tại nhà trường, chưa có hoạt động liên kết dạy nghề và văn hóa tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Qua 5 năm, nhà trường tổ chức đào tạo chương trình kép cấp 2 bằng: trung cấp và trung học phổ thông diễn ra thuận lợi. Nhà trường cũng như trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đã phối hợp chặt chẽ để lên thời khóa biểu, không bị chồng chéo, “giẫm chân” nhau, gây khó khăn cho người học.

Kết quả, đã có 3 khóa tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, với Khóa 1 (năm 2021) tốt nghiệp 100%, khóa 2 (năm 2022) tốt nghiệp 97% và khóa 3 (năm 2023) tốt nghiệp 100%. Điều này cũng đã chứng tỏ nhà trường đã phối hợp với trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tổ chức rất tốt chương trình này.

Tường San