Ngày 15/9/2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, thay thế Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011.
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 01/11/2020. Như vậy chỉ còn hơn một tuần nữa Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành.
Nhiều giáo viên thở phào nhẹ nhõm, chờ Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực để thoát khỏi cảnh phải ... dự giờ thăm lớp.
Tại sao có thông tin giáo viên thoát khỏi cảnh phải ... dự giờ thăm lớp?
Khoản 3 Điều 27 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT có ghi rõ: “Hệ thống hồ sơ, sổ sách về hoạt động giáo dục
3. Đối với giáo viên:
a) Giáo án (bài soạn);
b) Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp;
c) Sổ điểm cá nhân;
d) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).”
Như vậy khi Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT còn hiệu lực, giáo viên phải ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp, minh chứng trong sổ sách quy định. Hay nói cách khác giáo viên phải dự giờ, thăm lớp.
Khoản 3 Điều 21, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có ghi rõ: “Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục
3. Đối với giáo viên:
a) Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học).
b) Kế hoạch bài dạy (giáo án).
c) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.
d) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).
Như vậy trong Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT không còn quy định giáo viên phải có Sổ ghi kế hoạch giảng dạy và ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ, thăm lớp.(1)
Mặt khác tại điểm a Khoản 2 Điều Điều 29 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có ghi rõ: “Quyền của giáo viên, nhân viên.
Giáo viên làm công tác chủ nhiệm, ngoài các quyền quy định tại khoản 1 Điều này, có những quyền sau đây:
a.Được dự các giờ học, hoạt động giáo dục khác của học sinh lớp do mình làm chủ nhiệm”.
Điều này có nghĩa chỉ có giáo viên chủ nhiệm mới được dự các giờ học hoạt động giáo dục khác của học sinh.(2)
Từ (1) và (2) rõ ràng giáo viên không phải ... dự giờ thăm lớp nữa sau khi Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực vào ngày 01/11/2020.
Mặt khác trong Luật Giáo dục 2019 cũng không có quy định giáo viên phải dự giờ, thăm lớp.
Ảnh chụp màn hình Website của một trường học đang áp dụng Thông tư 12/2009/TT-BGDĐT quy định số tiết dự giờ cho giáo viên |
Một số địa phương đang vận dụng sai thông tư!
Một số địa phương đang áp dụng Thông tư 12/2009/TT-BGDĐT quy định số tiết dự giờ cho giáo viên.
Điểm a Khoản 2 Điều 7 Tiêu chuẩn 4 Thông tư 12/2009/TT-BGDĐT Ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường trung học cơ sở ghi rõ:
“Thực hiện chương trình giáo dục và các hoạt động giáo dục
2. Mỗi năm học, nhà trường thực hiện hiệu quả các hoạt động dự giờ, hội giảng, thao giảng và thi giáo viên dạy giỏi các cấp.
a) Lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) đảm bảo dự ít nhất 01 tiết dạy / giáo viên; tổ trưởng, tổ phó đảm bảo dự giờ giáo viên trong tổ chuyên môn ít nhất 04 tiết dạy / giáo viên; mỗi giáo viên thực hiện ít nhất 02 bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin, 04 tiết dạy của hội giảng hoặc thao giảng do nhà trường tổ chức và 18 tiết dự giờ đồng nghiệp trong hoặc ngoài nhà trường”
Thế nhưng Thông tư 12/2009/TT-BGDĐT đã được thay thế bằng Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT.
Thông tư 42/2012/TT-BGDĐT đã được thay thế bằng Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT. Trong Thông tư 18/2018/TT-BGDĐT không hề đề cập đến các hoạt động dự giờ, hội giảng, thao giảng và thi giáo viên dạy giỏi các cấp.
Nói cách khác không còn văn bản pháp lý quy định số tiết dự giờ, thăm lớp của giáo viên.
Dự giờ là cách học tập nâng cao chuyên môn hiệu quả, đơn giản quả nhất.
Thực tế, là giáo viên có ý thức trau dồi chuyên môn ai cũng thấy rõ dự giờ đồng nghiệp là cách học tập nâng cao chuyên môn hiệu quả, đơn giản nhất.
Dự giờ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, người dự dễ dàng học tập kinh nghiệm. Nếu dự người dạy có chuyên môn chưa tốt, người dự cũng dễ dàng thấy ”sạn” để mình tránh.
Dự giờ chỉ có tác dụng tốt khi giáo viên cầu thị, thực sự muốn học hỏi. Nếu quy định cứng nhắc, giáo viên sinh tâm lý đối phó, dự cho có, vô tác dụng.
Dự giờ số giáo viên đông (hàng chục giáo viên), tiết dạy đã được nhào nặn, giáo viên ”diễn”, học sinh ”diễn” chỉ phản tác dụng, lây bệnh thành tích.
Vì vậy, dù không quy định phải dự giờ, song các cơ sở giáo dục vẫn nên có quy chế để giáo viên được dự giờ đồng nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
https://thukyluat.vn/vb/thong-tu-12-2011-tt-bgddt-dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-pho-thong-va-truong-1d823.html
https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-32-2020-tt-bgddt-dieu-le-truong-thcs-va-thpt-190977-d1.html
https://luatvietnam.vn/giao-duc/luat-giao-duc-2019-175003-d1.html
http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=87939
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-42-2012-TT-BGDDT-tieu-chuan-danh-gia-chat-luong-giao-duc-152161.aspx
https://moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1294
https://thcs-huongvinh-hatinh.violet.vn/entry/show/entry_id/4141927