Sắp xếp đơn vị hành chính là bớt "ghế" nên không dễ, cần sự chung tay đồng lòng

11/07/2023 06:36
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Từ kết quả trong giai đoạn trước và bài học kinh nghiệm đã có, ĐBQH tin tưởng lần này, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện một cách bài bản, hiệu quả hơn.

Từ kinh nghiệm cũ, tin tưởng sẽ triển khai một cách bài bản, hiệu quả hơn

Mới đây, tại hội nghị Bộ Nội vụ với các địa phương sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm, Bộ Nội vụ cho biết, thời gian tới sẽ tập trung tổng lực để quán triệt, triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 với tinh thần thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, đồng thuận, hiệu quả, không cầu toàn, không nóng vội.

Theo báo cáo mới nhất từ 63 tỉnh thành, trong giai đoạn 2023-2025, dự kiến cả nước sẽ sắp xếp khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 đơn vị hành chính cấp xã. Con số này chưa kể các huyện, xã thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.

Trước đó, giai đoạn 2019-2021, cả nước đã sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 8 huyện; sắp xếp 1.056 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 563 xã. Từ đó, tinh giản 361 cán bộ, công chức cấp huyện và 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách Nhà nước hơn 2.008 tỷ đồng.

Bộ Chính trị đã lưu ý, căn cứ tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, đặc thù vùng miền để tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Cụ thể, đến năm 2025: Hoàn thành sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Đến năm 2030: Hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đánh giá: “Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một chủ trương rất đúng đắn.

Đây cũng là một bước vô cùng cần thiết để chúng ta dần dần tiến tới có một bộ máy thực sự tinh gọn và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cao nhất.

Trong quá trình triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn vừa qua, theo báo cáo từ 63 tỉnh thành, kết quả đã sắp xếp được một số đơn vị hành chính, và sau khi sắp xếp, đến nay, các đơn vị hành chính được sắp xếp đã đi vào hoạt động một cách rất ổn định”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: NVCC.

“Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, cũng nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc nhất định cần phải giải quyết trong thời gian tới, khi chúng ta tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Tôi lấy ví dụ, khi chúng ta sáp nhập, sắp xếp lại bộ máy, đương nhiên bộ máy sẽ dôi dư nhiều, đặc biệt là những vị trí lãnh đạo. Ví dụ, hai xã sáp nhập sẽ dôi dư ra một chủ tịch xã và một số phó chủ tịch xã chẳng hạn... và các bộ máy tương ứng cũng sẽ dôi dư lãnh đạo. Khi chúng ta sắp xếp lại, các địa phương cũng rất khó khăn, trong việc sắp xếp con người.

Mặc dù vậy, thời gian qua, đã cho thấy các địa phương làm cũng tương đối tốt.

Một vấn đề khác, chính là xử lý tài sản sau sáp nhập, cũng nảy sinh một số bất cập. Tôi lấy ví dụ, chúng ta vừa xây dựng nông thôn mới, có nhiều xã, nhiều huyện, nhiều tỉnh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, với một trong những tiêu chí là cơ sở vật chất khá hoàn thiện. Khi chúng ta sắp xếp lại, việc xử lý các trụ sở bị thừa ra sau sáp nhập cũng có những lúng túng nhất định.

Chẳng hạn, khi hai xã sáp nhập, trụ sở xã phải xử lý như thế nào, cũng chưa có các văn bản hướng dẫn cũng gây khó khăn cho các cơ sở... như vậy cũng xảy ra tình trạng lãng phí. Trước đó, chúng ta xây dựng trụ sở mới, sau đó, sáp nhập lại, chúng ta lại không khai thác, không sử dụng nữa, cũng chưa kịp thời được hướng dẫn để chuyển đổi, qua một thời gian, một số trụ sở sẽ bị xuống cấp, gây nên sự lãng phí...

Thực tế là như vậy, song, chúng ta cũng phải xác định rằng: Quá trình sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, chắc chắn khi thực hiện cũng sẽ gặp những bất cập, khó khăn nhất định, bởi vì bất cứ sự đổi mới nào, bất cứ một đột phá nào, cũng gặp những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, thông qua những bài học kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn 2019-2021, Tôi tin rằng, trong thời gian tới, việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng sẽ được triển khai một cách bài bản hơn, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc nhất định” - nữ đại biểu bày tỏ.

Muốn giảm biên chế thì tất yếu phải giảm đầu mối, gọn bộ máy

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, thời gian tới, việc sắp xếp lại bộ máy hành chính cấp huyện, cấp xã phải được thực hiện một cách hết sức thận trọng.

Nữ đại biểu lý giải: “Bởi, khi chúng ta sắp xếp lại bộ máy, nếu như không thận trọng và tính toán đến hiệu quả cũng như không tính toán kỹ lưỡng các lộ trình, phương án cụ thể, thì rất dễ dẫn đến tình trạng chỉ làm một phép cộng cơ học.

Nếu như chỉ làm phép cộng cơ học, thì các đơn vị hành chính sau sáp nhập sẽ lại thêm cồng kềnh, mặc dù bộ máy lãnh đạo thì ít đi.

Chẳng hạn, trước đây là hai huyện sau đó sáp nhập lại, sẽ có hai bộ máy. Khi sáp nhập, vẫn với số lượng dân cư như thế (của cả hai huyện), nhiệm vụ của hai huyện cộng lại vẫn nhiều như thế, nhưng số lượng lãnh đạo lại ít đi... chắc chắn sẽ có những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Và nếu không thận trọng, sẽ dẫn đến hệ lụy chỉ là phép cộng cơ học, khi một đơn vị hành chính lớn hơn như thế sẽ dẫn đến tình trạng cán bộ lãnh đạo lúng túng.

Chính bởi vậy, cần phải thận trọng và đặc biệt xử lý vấn đề cán bộ, làm sao để sau sáp nhập, chúng ta có một bộ máy cán bộ lãnh đạo phải thực sự đảm bảo năng lực. Như vậy mới đảm bảo yêu cầu tinh gọn, nghĩa là bộ máy cán bộ lãnh đạo mới đối với các đơn vị hành chính được sắp xếp lại phải đảm bảo được năng lực, trình độ để làm sao có thể tiếp tục lãnh đạo đơn vị hành chính đó và đạt những kết quả cao.

Bởi vì, chúng ta sắp xếp lại bộ máy, không chỉ đơn giản chỉ là tinh gọn đầu mối, mà điều quan trọng hơn cả là gọn đầu mối để đảm bảo hiệu quả công việc phải cao hơn. Đánh giá cuối cùng là hiệu quả công việc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, nên công tác cán bộ là điều mà chúng ta phải quan tâm đầu tiên, phải quan tâm nhất. Nếu như làm không tốt công tác cán bộ, chúng ta có sáp nhập bộ máy hay có phương án gì thì mục đích cuối cùng là hiệu quả công việc cũng sẽ không cao...”.

Đồng tình với những đánh giá trên, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng bày tỏ: “Vấn đề này đã có chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng đã có một giai đoạn sắp xếp bộ máy cấp huyện, cấp xã trước đó... Qua kinh nghiệm thực tế, chuẩn bị xúc tiến bước tiếp theo, tiến hành trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, muốn giảm biên chế thì tất yếu phải giảm đầu mối, gọn bộ máy, chứ không thể để bộ máy phình to ra.

Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến con người, chính sách xử lý đối với cán bộ dôi dư, sau khi giảm biên chế, sắp xếp bộ máy, nên phải tiến hành rất thận trọng.

Theo ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cần có chính sách đối với cán bộ dôi dư sau sáp nhập. Ảnh: Quốc Toản.

Theo ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cần có chính sách đối với cán bộ dôi dư sau sáp nhập. Ảnh: Quốc Toản.

Trên cơ sở thực tiễn mà Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ trong việc sắp xếp, giảm biên chế những năm vừa qua, bây giờ, phải tiếp tục nghiên cứu thật kỹ lưỡng kết quả đã đạt được và những hạn chế, tồn tại, cũng như những bài học kinh nghiệm. Từ đó, có sự chuẩn bị thật kỹ, thật sâu và có những bước đi phù hợp.

Đặc biệt, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân hiểu được và đồng tình với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong những vấn đề cấp thiết và nhu cầu phải tiến hành các vấn đề tinh giản bộ máy, giảm biên chế, mới đạt được các mục tiêu. Thực hiện giảm đầu mối và giảm biên chế nhằm thực hiện đa mục tiêu: để bộ máy hoạt động trơn tru và hiệu lực, hiệu quả cao, giảm biên chế để tránh cồng kềnh, giảm chi phí..., nên toàn dân, nhất là các cán bộ, Đảng viên phải đồng tình, ủng hộ, để khi tiến hành, các công việc không có vướng mắc, cản trở.

Việc này đụng chạm đến quyền lợi, vị trí công việc của con người, cho nên, chủ trương có thể rất thống nhất, đồng tình, nhưng khi triển khai vào công việc cụ thể, con người cụ thể, vị trí cụ thể lại có những vấn đề phát sinh.

Phải xác định, nhận thức có thông thì hành động mới thông, tư tưởng có thông thì hành động mới thông”.

Bên cạnh đó, ông Lê Văn Cuông cũng cho rằng, cùng với việc sắp xếp lại bộ máy, cũng cần xây dựng chính sách cho những cán bộ dôi dư: “Một vấn đề nữa, khi sáp nhập bộ máy, dôi dư về cơ sở vật chất, về nhân sự phải có các phương án kèm theo để xử lý các chính sách. Với những người không trong bộ máy nữa, thì cần có chính sách thỏa đáng, vấn đề đó chúng ta cũng phải chuẩn bị.

Thực tiễn ở Thanh Hóa cũng có kinh nghiệm trong việc sắp xếp sáp nhập, giảm biên chế, cũng phát sinh các vấn đề ví dụ như các nhà văn hóa dôi dư ra, hay cán bộ cần sắp xếp lại dư thừa, phải nghiên cứu cách thức chuyển đổi, xử lý những vấn đề phát sinh đó. Chuyển đổi cơ sở vật chất và về lao động, sắp xếp cho phù hợp, còn kèm theo các chính sách. Ví dụ, trước mắt chưa thể gọn nhẹ, tạm thời có thể có nhiều cấp phó hơn, để giải quyết lao động dôi dư trong một thời gian quá độ, rồi chuyển đổi dần dần...

Thứ hai, để thực hiện nhiệm vụ này, phải nghiên cứu rất cụ thể, khoa học, cân nhắc rất nhiều yếu tố để khi sáp nhập, giảm biên chế, thì phù hợp với tất cả điều kiện, mục tiêu và tránh làm theo cảm tính, không trên cơ sở khoa học, không có tính toán đầy đủ các điều kiện cần và đủ...

Ví dụ, sáp nhập một cơ quan, một bộ máy, có rất nhiều vấn đề, yếu tố liên quan, chứ không phải theo kiểu cơ học mà còn phụ thuộc vào địa hình, văn hóa, của từng địa phương, phụ thuộc vào các yếu tố cán bộ. Phải cân đối, tính toán các phương án tối ưu để sắp xếp đạt được nhu cầu cao nhất, tránh tình trạng sắp xếp được bộ máy, giảm biên chế nhưng lại phát sinh ra nhiều hệ quả phải xử lý, giải quyết.

“Mục tiêu không phải chỉ giảm đầu mối, giảm biên chế mà còn nhằm mục tiêu an dân, xử lý hệ quả sau khi sáp nhập, giảm biên chế đỡ nặng nề, phức tạp” - ông nhấn mạnh.

Cần có sự vào cuộc tích cực của các Bộ ngành cùng Bộ Nội vụ

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng cho rằng: “Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Nội vụ có vai trò vô cùng quan trọng trong vấn đề tham mưu và chỉ đạo triển khai, thực hiện trực tiếp.

Vừa qua, Bộ Nội vụ cũng đã chỉ đạo có hướng thực hiện tổng lực để quán triệt và triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2025.

Có thể nói, với vai trò là tham mưu cho Chính phủ trong công việc này, tôi cũng rất mong muốn, bên cạnh những kế hoạch triển khai một cách thận trọng, kỹ lưỡng, không nóng vội để đạt được sự đồng thuận cao..., thì Bộ Nội vụ cũng sớm tham mưu cho Chính phủ để đề nghị các cơ quan có liên quan kịp thời hướng dẫn các địa phương trong diện sáp nhập tiến hành những thủ tục cần thiết, tránh trường hợp khi tiến hành sáp nhập nhưng có những phát sinh mà các Bộ ngành khác không kịp thời hướng dẫn địa phương, dẫn đến lúng túng trong xử lý”.

“Tôi lấy ví dụ, về xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập, Bộ Tài chính phải vào cuộc ngay để cùng với việc sáp nhập và có bộ máy tổ chức mới, thì việc xử lý tài sản dôi dư sau sáp nhập cũng được tiến hành kịp thời, tránh việc các địa phương cứ trong tình trạng “ngồi chờ”.

Thứ hai, ví dụ như đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiện tượng sau sáp nhập các đơn vị hành chính, các trường học cũng sáp nhập, dẫn đến việc quy mô trường lớp tăng lên. Chẳng hạn, hai xã có hai trường trung học cơ sở hoặc hai trường tiểu học sáp nhập thành một trường, đương nhiên quy mô phải tăng gấp đôi, hoặc gần gấp đôi, thậm chí có nơi tăng hơn gấp đôi. Như vậy, lại liên quan đến tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia. Có địa phương phản ánh, sau khi sáp nhập hai trường chuẩn quốc gia vào với nhau, lại không đạt chuẩn quốc gia nữa, nên rất thiệt thòi cho các địa phương. Vậy, song song với việc sáp nhập đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải sớm có hướng dẫn quy định lại đối với trường chuẩn quốc gia đối với những trường sáp nhập.

Hai ví dụ vừa rồi cho thấy, bên cạnh sự nỗ lực của Bộ Nội vụ, cũng cần có sự vào cuộc tích cực của các Bộ ngành có liên quan, thì việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện mới khẩn trương và đạt hiệu quả cao. Còn nếu chỉ một mình Bộ Nội vụ nỗ lực, tôi cho rằng còn chưa đủ, rất cần có sự hỗ trợ và vào cuộc của tất cả các ngành” - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phân tích thêm.

Thành An