Có bao mỹ từ dành cho nghề giáo “Nghề thanh cao…”; “Nghề cao quý nhất trong tất cả nghề cao quý”; “Thầy cô là kĩ sư tâm hồn”…thế nhưng những lời tung hô ấy người trong nghề lại chẳng thấy vui, chẳng thấy hãnh diện, vì sao?
Bởi, đơn giản nghề giáo không thanh cao, không cao quý hơn nhiều nghề khác khi những học sinh giỏi lại không muốn vào sư phạm, khi những người tài, người giỏi lại muốn đổi nghề ra đi, khi điểm đầu vào của sư phạm luôn chạm mức đáy và khi cái câu “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” từ bao đời nay vẫn đúng.
Nghề giáo đang phải chịu nhiều áp lực (Ảnh minh họa VOV) |
Cao quý sao được khi cuộc sống của người thầy còn muôn vàn khó khăn.
Sau cánh cửa lớp là những nỗi lo toan chất chồng, là những tất tả ngược xuôi, là những bươn chải ngày đêm chỉ để lo cho cuộc sống gia đình riêng bớt khổ.
Một sự thật mà mọi người cần thẳng thắn nhìn nhận, người trong cuộc cần phải đối diện là đời sống nhà giáo hiện nay còn quá vất vả, khó khăn.
Bao nhiêu năm nhưng sao nghề giáo vẫn cứ mãi bấp bênh với mức lương vài ba triệu đồng/tháng?
Hàng chục năm ra trường, nhiều nhà giáo vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng luôn thấp thỏm không biết ngày nào sẽ rời bục giảng?
Khát vọng cống hiến không thể bùng lên khi cái bụng chưa no, khi con còn khát sữa, khi nhà cửa chưa được ổn định.
Niềm khát khao mong mỏi nhiều nhất chờ đợi một sự đổi mới, một sự cải cách lớn dành cho đội ngũ nhà giáo nhưng vẫn chỉ là chờ.
Biết bao lần chuyện đời sống nhà giáo, chuyện lương bổng giáo viên được xới lên như gieo vào lòng mọi người dù là những tia hy vọng nhỏ nhoi, leo lét rồi cũng lại vụt tắt.
Những câu hỏi “Bao giờ giáo viên sống được bằng lương?” luôn chực chờ nhưng vẫn chưa có được câu trả lời dứt khoát.
Bộ Giáo dục quyết tâm đổi mới giáo dục nhưng họ quên mất một điều đội ngũ giáo viên mới là nhân tố gánh vác sự hưng thịnh của nền giáo dục.
Ngành giáo dục đang rất nỗ lực đổi mới nền giáo dục nước nhà khi đổ hàng ngàn tỉ đồng để triển khai nhiều dự án, đề án nhưng sau nhiều năm thực hiện đều nhận được kết luận: chưa đạt mục tiêu, quá tham vọng...
Điển hình như đề án 911 “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020”.
Thời gian kết thúc đề án gần hết nhưng một điều dễ nhận thấy là chuyện “lạm phát” tiến sĩ tràn lan.
Chỉ tính riêng Học viện Khoa học Xã hội (từ tháng 1/2015 đến 31/12/2015, cho ra lò 165 tiến sĩ) nếu tính theo cơ học thì cứ 1 ngày 3 giờ 55 phút có một tiến sĩ ra lò từ học viện này và còn biết bao học viện như thế?
Đề án ngoại ngữ tiêu tốn hơn 9 nghìn tỉ đồng nhưng vẫn không đạt mục tiêu đề ra như lúc ban đầu khẳng định.
Rồi đề án đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới sách giáo khoa liên tục trong những năm gần đây tiêu tốn hàng triệu USD nhưng gặp phải khá nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Ngành giáo dục quyết tâm đổi mới cách dạy, cách học của cả thầy và trò những mô hình mới, những phương pháp dạy học mới như VNEN, Bàn tay nặn bột được du nhập từ nước ngoài về rầm rộ triển khai nhưng lại chưa phát huy tính hiệu quả.
Chỉ có giáo viên xoay như chong chóng còn học sinh trở thành “chuột bạch” trong những cuộc thực nghiệm ấy.
Mong ước của giáo viên
Trong công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục lần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá đúng vai trò quan trọng của nhà giáo.
Họ chính là những "ốc vít" quan trọng, không thể thiếu trên một đường ray đang vận hành.
Vì có những ốc vít quan trọng như thế mà đường ray mới được giữ vững, an toàn cho những đoàn tàu (học sinh) không bị đi chệch hướng.
Muốn thế, áp lực của người thầy phải được cởi bỏ, đời sống của nhà giáo phải được nâng lên, nhiều chế độ thu hút nhân tài được triển khai để giáo dục có được một lực lượng hùng hậu chẳng thua gì các ngành y, dược, bách khoa.
Không có thầy giỏi nhất định sẽ không có trò giỏi, câu nói như một chân lý luôn đúng ở mọi thời đại.
Ước ao, ngành giáo sẽ có được thời “hoàng kim” rực rỡ của những năm 1996-1997 khi nhiều học sinh khá, giỏi rầm rộ “đầu quân” vào các trường sư phạm.
Sự cạnh tranh đã trở nên “khốc liệt” khi điểm đầu vào khoa Toán của đại học Sư phạm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phải đạt ngưỡng 27, 28 điểm cho 3 môn thi.
Đã có nhiều thí sinh thi gần 27 điểm ngậm ngùi không thể vào được đành từ bỏ giấc mơ trở thành nhà giáo.
Ngành giáo đã trở thành niềm mơ ước của biết bao học sinh khá giỏi thời đó.
Thế nhưng bây giờ thì sao? 9 điểm 3 môn vào cao đẳng sư phạm, 13 điểm vào được một số khoa sư phạm ở một số trường đại học.
Thử hỏi với đầu vào bết bát như thế thì những lứa giáo viên thế này sẽ dạy dỗ học sinh ra sao?
Trước thềm năm mới, chúng tôi vẫn luôn tin tưởng, hy vọng rằng những mong ước trong ngành giáo dục sẽ dần trở thành hiện thực.