“Giảng ít, học nhiều”
Về cơ bản, mục tiêu giáo dục phổ thông sẽ tập trung sẽ thực hiện đồng bộ các yếu tố cơ bản của chương trình giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, xác định mục tiêu giáo dục con người phát triển toàn diện, vừa phát triển cao nhất tiềm năng của mỗi cá nhân, phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ kết hợp với dạy chữ, dạy người, dạy nghề.
Về nội dung giáo dục sẽ theo hướng tinh giản, cơ bản, hiện đại, tăng thực hành, vận dụng kiến thức và kĩ năng vào thực tiễn, chú trọng giáo dục khoa học xã hội và nhân văn, kĩ năng sống, pháp luật, thể chất, quốc phòng và hướng nghiệp.
Tích hợp cao ở các lớp dưới và phân hóa dần ở các lớp trên, giảm số môn học bắt buộc, tăng số môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục dành cho học sinh tự chọn. Khắc phục tình trạng chương trình bị cắt khúc, thiếu thống nhất giữa các cấp học.
Về phương giáp dạy, theo Ban Chỉ đạo đổi mới sẽ khắc phục được lối truyền thụ kiến thức một chiều, ghi nhớ máy móc, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kĩ năng của người học, giáo viên tập trung dạy cách học, cách nghĩ và tự học theo phương châm “giảng ít, học nhiều”, bồi dưỡng ý thức học tập suốt đời.
Sau năm 2015 kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ đổi mới theo hướng tinh giảm, gọn nhẹ. Ảnh minh họa - Xuân Trung |
Đổi mới từ cách học chủ yếu là lắng nghe và ghi chép sang suy nghĩ và phản hồi tích cực với bạn, với thầy. Đặc biệt, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, chương trình sẽ đổi mới căn bản hình thức và phương pháp kiểm tra, thi và đánh giá chất lượng giáo dục, đảm bảo trung thực, khách quan theo yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học.
Cụ thể, sẽ đánh giá việc hiểu, vận dụng kiến thức, kĩ năng và giải quyết các vấn đề trong học tập và thực tiễn, hạn chế yêu cầu ghi nhớ máy móc. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh, sẽ đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng kiểm tra năng lực học sinh, thiết thực, hiệu quả, tin cậy. Sử dụng được kết quả tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và ĐH, CĐ.
Mục tiêu của chương trình đổi mới sẽ giúp học sinh có kĩ năng “giảng ít, học nhiều”, và việc thiết kế nội dung các môn học cũng sẽ đổi mới tương ứng.
Theo đó, nội dung các môn học sẽ được xây dựng xuyên suốt từ Tiểu học đến THPT, đảm bảo tính thống nhất, hệ thống và liên thông giữa các cấp học, môn học. Các môn học sẽ không nhất thiết phải có mặt ở tất cả mọi lớp.
Một trong những nội dung hướng tới đổi mới sẽ là lựa chọn cách tiếp cận kiến thức, kĩ năng của mỗi môn học nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, tránh tình trạng quá coi trọng locgic nội dung của khoa học tương ứng mà coi nhẹ yêu cầu thiết thực với cuộc sống.
Tương ứng đối với đổi mới chương trình thì sách giáo khoa cũng cần thay đổi cách thức biên soạn theo hướng, mỗi bài học đưa ra các tình huống giàu tính thực tiễn hoặc các tình huống giả định buộc phải vận dụng kiến thức và kĩ năng để tìm cách giải quyết.
Tích hợp và phân hóa mạnh ở các cấp học
Cụ thể, hệ thống môn học và hệ thống giáo dục được chia thành 2 loại là bắt buộc và tự chọn. Theo Ban chỉ đạo đổi mới chương trình thì những chủ đề phải tích hợp vào tất cả hoặc hầu hết các môn học. Hoạt động giáo dục như giáo dục bền vững, ô nhiễm môi trường, giáo dục giới tính, toàn cầu hóa, an toàn giao thông. Tùy đặc trưng từng môn học mà hoạt động giáo dục các chủ đề thuộc loại này được lồng ghép vào nội dung dạy học, giáo dục của môn học.
Bên cạnh đó những chủ đề gần nhau, có nội dung liên quan chặt chẽ với nhau trong một số môn học, hoạt động giáo dục nhưng không thuộc hẳn về môn học, các hoạt động giáo dục như: “nước trong đời sống tự nhiên, xã hội và con người, năng lượng và đời sống con người, bạn muốn có một cơ thể khỏe mạnh, các nước Đông Nam Á, thống nhất và đa dạng...”. Học chủ đề các loại này học sinh phải tổng hợp nhiều kiến thức từ nhiều lĩnh vực để tìm hiểu và giải quyết vấn đề.
Đối với cấp tiểu học (lớp 1 và lớp 2), các môn học bắt buộc được kiến nghị gồm: 3 môn Tiếng Việt, Toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội (tích hợp trong môn Đạo đức). Bên cạnh đó là các hoạt động giáo dục gồm: Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật (tích hợp trong môn Thủ công). Các môn tự chọn: Tự học có hướng dẫn, đọc văn, Nghệ thuật.
Ở lớp 3, các môn học bắt buộc sẽ là: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Đạo đức, Tìm hiểu tự nhiên và xã hội. Các hoạt động gồm Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật (tích hợp trong môn Thủ công), Tập thể. Môn tự chọn gồm: Đọc văn, Làm quen với máy tính, Nghệ thuật, Thể dục..
Lớp 4 và 5 có các môn bắt buộc gồm 6 môn: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Đạo đức, Tìm hiểu tự nhiên và Xã hội (gồm các chủ đề về Vật lí, Hóa học, Sinh học, Khoa học trái đất), tìm hiểu xã hội (gồm các chủ đề Lịch sử, Địa lí, Giáo dục sức khỏe, Kinh tế gia đình).
Các hoạt động giáo dục bổ trợ gồm: Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật (tích hợp trong môn Thủ công), Tập thể. Các môn tự chọn: Tự học có hướng dẫn, Đọc văn, Làm quen với máy tính, Nghệ thuật, Thể thao...
Cũng theo Ban chỉ đạo đổi mới, đối với cấp THCS chương trình đổi mới sau 2015 sẽ gồm các môn bắt buộc: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Khoa học tự nhiên (Vật lí, Hóa học, Sinh học, , Khoa học trái đất, Chủ đề liên môn), Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lí, Kinh tế, Xã hội, Chủ đề liên môn), Giáo dục công dân, Công nghệ.
Các môn tự chọn gồm: Ngoại ngữ 2, một số chủ đề Văn học, Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Nghệ thuật, thể dục, thể thao...
Với cấp THPT định hướng các môn học bắt buộc của lớp 10 sau đổi mới sẽ gồm 11 môn: Ngữ văn, Toán, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ 1, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Tin học, Công nghệ. Bên cạnh đó có 2 chuyên đề tự chọn chuyên sâu các môn Ngữ văn, Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học..., môn Ngoại ngữ 2.
Đối với lớp 11, lớp 12, các môn bắt buộc gồm 3 môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1. Môn tự chọn: tự chọn bắt buộc 3 môn trong các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Tin học, GDCD, Công nghệ, Xã hội học.
Tự chọn tùy ý một số môn chuyên đề mở rông chuyên sâu thuộc các lĩnh vực: Văn, Toán, Vật lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý, Tin học, Công nghệ, Môi trường, Thể dục, Thể thao, Âm nhạc, Mĩ thuật, Kinh tế và Kinh danh, Nghề…; môn Ngoại ngữ 2.
Xuân Trung