Sẽ là "đúng người đúng việc" khi ngành Giáo dục được chủ động tuyển giáo viên

20/11/2024 06:22
Tường San
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Thực tế cho thấy, công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên hiện vẫn còn một số vướng mắc như sự bố trí không đều dẫn tới tình trạng nơi thiếu, nơi thừa giáo viên.

Đề xuất giao quyền chủ động tuyển dụng, sử dụng nhà giáo cho ngành Giáo dục tại Dự thảo Luật Nhà giáo đang nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ. Bởi theo chia sẻ từ một số đại biểu quốc hội, việc chưa được quyền chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo như hiện nay khiến ngành Giáo dục còn gặp phải nhiều khó khăn như tuyển dụng bị chậm thời gian với nhu cầu, khó kiểm chứng được năng lực sư phạm của các ứng viên, …

Công tác tuyển dụng nhà giáo hiện nay đang tốn nhiều thời gian

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng, vấn đề bất cập trong tuyển dụng nhà giáo hiện nay nằm chủ yếu ở khu vực công lập.

Cụ thể, việc ngành Giáo dục chưa được toàn quyền chủ động, quyết định trong tuyển dụng nhà giáo có một số khó khăn do phải phụ thuộc vào thời điểm tuyển của địa phương, trong khi nhu cầu đang thiếu. Không những vậy, ngành có thể tuyển phải người có năng lực sư phạm chưa tốt, gây ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy sau tuyển dụng vì việc tuyển dụng hiện nay chủ yếu làm các bài thi trên giấy, khó kiểm chứng được năng lực sư phạm của các ứng viên.

Hơn nữa, hiện chúng ta đang mất nhiều thời gian trong công tác tuyển dụng do cần phải có sự thống nhất giữa 2 cơ quan (ngành Giáo dục và ngành Nội vụ) về kế hoạch tuyển dụng, quy trình, tổ chức thi tuyển cũng làm hạn chế việc tuyển dụng giáo viên.

121120240919-z6023624770957_aee3073a62cbfd445fe15438f6804d24.jpg
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: quochoi.vn).

Theo Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, việc giao quyền tự chủ trong công tác tuyển dụng cho ngành Giáo dục như trong Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ giúp ngành chủ động được việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng, tiêu chí, ra đề thi, cách thức tổ chức thi, điều động nhà giáo sau khi được tuyển. Từ đó đáp ứng được nhanh chóng nhu cầu thiếu giáo viên cho các trường học và đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực nhà giáo sau tuyển dụng.

Để giải quyết những khó khăn, bất cập trong công tác tuyển dụng nhà giáo nhiều năm nay thì việc đề xuất giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục là phương án tốt nhất hiện nay. Tuy nhiên, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho hay, đề xuất này cũng không tránh khỏi sẽ có những băn khoăn, lo ngại về sự công bằng, minh bạch trong công tác tuyển dụng khi giao quyền cho tự chủ cho ngành với số lượng tuyển dụng rất lớn. Do vậy, rất cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

Cũng theo Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, vấn đề thừa, thiếu giáo viên hiện nay, ngoài nguyên nhân do bất cập trong công tác tuyển dụng còn có những nguyên nhân khác, đơn cử như thiếu nguồn tuyển do thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, chỉ tiêu biên chế được giao chưa đủ theo định mức, áp lực trong công tác giảng dạy cũng khiến cho nhà giáo nghỉ việc…

Vậy nên, để việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo có hiệu quả cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Nhà giáo trình kỳ họp Quốc hội lần này đã giải quyết được rất nhiều những khó khăn, vướng mắc trong việc tuyển dụng, sử dụng nhà giáo như tăng lương, ưu tiên, đặc cách trong tuyển dụng, điều động, luân chuyển nhà giáo…

Tuy nhiên, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung các giải pháp về việc bổ sung đối tượng ưu tiên đối với ứng viên sinh ra, lớn lên tại chính địa phương đang thiếu giáo viên để họ gắn bó với chính quê hương của họ, vì đối với giáo viên từ nơi khác sau một thời gian sẽ tìm cơ hội để trở về gần với gia đình.

Ngoài ra, cần giảm áp lực cho nhà giáo, không để nhà giáo phải tham gia các chương trình ngoài chương trình giảng dạy của giáo viên; giảm áp lực về thành tích của nhà giáo trong việc đặt ra các chỉ tiêu. Không những vậy, cần thực hiện tốt công tác chuyển đổi số trong ngành giáo dục để nhà giáo chuyên tâm trong công tác giảng dạy chuyên môn mà không phải thực hiện quá nhiều công tác sổ sách… Những việc làm này sẽ giúp các nhà giáo sẽ chuyên tâm giảng dạy, yêu nghề hơn.

Được chủ động tuyển dụng nhà giáo giúp nâng cao trách nhiệm của ngành Giáo dục

Cùng bàn về đề xuất trên, Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang bày tỏ, giáo dục là một trong những lĩnh vực luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách ưu tiên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên ở nước ta vẫn còn một số vướng mắc, đơn cử như sự bố trí không đều dẫn tới tình trạng có nơi thiếu, nơi thừa giáo viên.

Bên cạnh đó, những khó khăn trong việc đảm bảo quyền lợi điều kiện làm việc và sự ổn định cho giáo viên cũng là một vấn đề lớn thách thức mà ngành Giáo dục đang rất quan tâm rồi tình trạng giáo viên nghỉ việc nhiều. Không những vậy, việc thiếu giáo viên giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới luôn là một vấn đề nóng đối với ngành Giáo dục trong thời gian qua.

Có thể thấy rằng, mặc dù Bộ Chính trị rất quan tâm, sát sao khi đã giao biên chế bổ sung giáo viên cho ngành Giáo dục nhưng để đảm bảo chất lượng lại không phải điều đơn giản. Một số tỉnh thành gặp phải khó khăn khi thiếu thiếu giáo viên, thừa biên chế nhưng lại không tuyển dụng được.

“Thời gian qua, tôi đánh giá cao sự phối hợp giữa ngành Nội vụ và ngành Giáo dục trong vấn đề tuyển dụng nhà giáo. Tuy nhiên trên thực tế đã có những ràng buộc nhất định như ngành Nội vụ rất khó thực hiện cách tính định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, đặc biệt là những vùng sâu vùng xa - nơi có các điểm trường lẻ.

Hơn nữa, một số cơ sở có cách giải quyết khi có tình trạng thiếu nhân lực xảy ra là bố trí giáo viên kiêm nhiệm thêm các công việc hành chính của trường nhưng các thầy cô này lại không được tạo điều kiện về công tác này”, Đại biểu Lê Thị Thanh Lam chia sẻ.

271020230700-dai-bieu,-le-thi-thanh-lam,-pho-truong-doan-phu-trach-doan-dbqh--tinh-hau-giang1.jpg
Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang (Ảnh: quochoi.vn).

Trước những tồn tại, hạn chế trên, theo Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, việc ngành Giáo dục được quyền chủ động tuyển dụng, sử dụng nhà giáo sẽ mang lại tác động tích cực khi có thể tuyển dụng được đội ngũ giáo viên chất lượng hơn, đúng người đúng việc. Bởi cùng trong ngành sẽ hiểu được rõ hơn về công việc, nơi nào thiếu thì bổ sung, nơi nào dư thì luân chuyển, thể hiện sự quan tâm hơn đến các điểm trường lẻ ở vùng sâu vùng xa.

Bên cạnh đó, hiện Chính phủ cũng chỉ đạo phân cấp phân quyền mạnh về cho cấp cơ sở, nơi nào làm nơi đó chịu trách nhiệm. Khi ngành Giáo dục nếu chịu trách nhiệm cả về con người và chuyên môn thì tất yếu chất lượng cũng tốt hơn.

Việc tuyển dụng nhà giáo nằm trong chỉ tiêu, biên chế được cấp có thẩm quyền giao cho ngành Giáo dục. Do đó, nếu đã giao cho ngành Giáo dục về số lượng biên chế cần mạnh dạn phân cấp về tuyển dụng con người cho ngành Giáo dục là phù hợp”, Đại biểu Lê Thị Thanh Lam nói.

Cũng theo Đại biểu Lê Thị Thanh Lam, công tác cán bộ là công tác then chốt của then chốt. Chính vì vậy, nếu được giao quyền chủ động trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, ngành Giáo dục phải hết sức công tâm, trách nhiệm, nghiên cứu chặt chẽ về vấn đề công tác cán bộ với các tiêu chuẩn của nhà giáo để tuyển dụng được đúng người đúng việc.

Đồng tình với quan điểm trên, Đại biểu Trần Văn Sáu - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp cho rằng, nên phân cấp cho ngành Giáo dục được chủ động tuyển dụng, sử dụng nhà giáo bởi cùng trong ngành sẽ dễ dàng nắm được trình độ, năng lực để thuận lợi tuyển dụng. Bên cạnh đó, việc làm này sẽ góp phần giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết khiến quy trình tuyển dụng nhà giáo bị lâu và chậm như hiện nay.

040620241135-z5505786614316_334ddf710ea64210a009b5bccccb2f44.jpg
Đại biểu Trần Văn Sáu - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Đồng Tháp (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Trần Văn Sáu cho hay, thực chất hiện nay việc tuyển dụng nhà giáo cũng là do ngành Giáo dục đề xuất qua cho ngành Nội vụ. Hơn nữa, ngành Giáo dục vốn đang chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục đào tạo của mình.

Chính vì vậy, chúng ta nên để cho ngành Giáo dục có được vị thế và quyền hạn của mình để nâng cao tinh thần tự chịu trách nhiệm, tránh việc ngành này chịu trách nhiệm nhưng ngành khác lại được quyền bổ nhiệm về nhân lực.

Tường San