Vào ngày 17/10, Chính phủ có tờ trình số 656/TTr-CP tới Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo để trình Quốc hội. Theo chương trình, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV.
Trong dự thảo, việc giao quyền tuyển dụng, sử dụng giáo viên cho các cơ quan quản lý giáo dục đang là một chủ đề thu hút sự quan tâm.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là bước đi hợp lý, nhằm đảm bảo sự chủ động trong công tác tuyển dụng và tối ưu hóa nguồn lực giáo dục. Đồng thời, khi ngành giáo dục được chủ động trong công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên sẽ có điều kiện thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút những nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, tài năng và năng khiếu sư phạm.
Tuyển giáo viên phải căn cứ vào các đặc trưng riêng của nghề sư phạm
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Liễu Tiến Sơn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Hầu Thào (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) cho rằng, nếu quy định mới được triển khai sẽ mang lại một sự thay đổi tích cực trong cách thức quản lý và bố trí đội ngũ giáo viên, đồng thời giúp ngành giáo dục có thể chủ động hơn trong việc đáp ứng nhu cầu thực tế của các cơ sở giáo dục.
Các nhà trường và Phòng Giáo dục và Đào tạo địa phương là những đơn vị nắm rõ nhất tình hình thực tế của từng cơ sở giáo dục, họ hiểu rõ nhất những khó khăn mà trường đang gặp phải, từ đó có thể đưa ra những yêu cầu cụ thể về việc bổ sung giáo viên ở các môn học nào, vùng nào đang thiếu hụt nhân lực giáo dục, và môn học nào cần được ưu tiên để nâng cao chất lượng giảng dạy.
"Trên cơ sở quyền tự chủ đã được giao, các Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện vai trò của mình trong việc đánh giá và dự báo nhu cầu giáo viên của từng bộ môn tại các địa phương.
Điều này bao gồm việc đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch đào tạo giáo viên sao cho phù hợp với yêu cầu thực tế của từng khu vực, cân nhắc đến sự biến động dân số, số lượng học sinh và đặc thù của từng địa phương.
Mục tiêu là đảm bảo một sự phân bổ giáo viên hợp lý, tránh tình trạng nơi thiếu giáo viên trầm trọng, gây khó khăn trong công tác giảng dạy, trong khi ở một số nơi lại có sự dư thừa giáo viên, gây lãng phí nguồn lực.
Việc này không chỉ giúp cải thiện chất lượng giáo dục, mà còn tạo ra một hệ thống giáo dục công bằng, hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ở mọi vùng miền" - thầy Sơn nêu quan điểm.
Cùng trao đổi về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội, Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An bày tỏ: "Khi ngành giáo dục được giao quyền chủ trì và chủ động trong công tác tuyển dụng sẽ đáp ứng được kỳ vọng của cả cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và hơn 1,6 triệu giáo viên trên cả nước.
Đầu tiên, giải quyết được những điểm nghẽn trong quá trình tuyển dụng, vốn lâu nay bị ách tắc vì sự phức tạp và chồng chéo của các thủ tục, làm chậm trễ công tác tuyển dụng giáo viên.
Việc giao cho ngành giáo dục chủ trì công tác tuyển dụng sẽ giúp ngành thực hiện quy hoạch và phát triển đội ngũ giáo viên một cách chủ động, đáp ứng đúng cơ cấu môn học và chuyên môn, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng giáo viên cho các trường học.
Đây là bước đi quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu thừa giáo viên cục bộ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng, điều động, thuyên chuyển, biệt phái giáo viên giữa các trường, giữa các huyện, tỉnh.
Khi ngành giáo dục được giao quyền chủ động, việc điều động giáo viên để xây dựng các "trường đầu tàu", đóng vai trò dẫn dắt các trường khác trong khu vực, sẽ trở nên khả thi và hiệu quả hơn".
Cũng theo Giáo sư Thái Văn Thành, quy định còn giải quyết được những bất cập trong công tác tuyển dụng giáo viên.
Nghề dạy học có những đặc thù riêng biệt mà các ngành nghề khác không có. Việc tuyển dụng, vì thế, không thể dựa theo những tiêu chí chung mà cần phải căn cứ vào các đặc trưng riêng của nghề sư phạm để đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên.
Thứ nhất, mục đích của lao động sư phạm là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Nghề giáo không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức mà còn có sứ mệnh đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân có năng lực, phẩm chất và đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Những học sinh, sinh viên mà giáo viên giảng dạy sẽ trở thành những nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Thứ hai, đối tượng của lao động sư phạm chính là những học sinh, những cá nhân đang trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Đây là một yếu tố rất đặc biệt của nghề giáo, bởi học sinh không chỉ cần học kiến thức mà còn phải phát triển toàn diện về mặt tinh thần, đạo đức và xã hội.
Công việc của giáo viên không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức mà còn giúp hình thành và định hình nhân cách của các em, vì vậy, giáo viên phải có khả năng nhận thức và chăm sóc sự phát triển này.
Thứ ba, sản phẩm lao động của nghề giáo không phải là những vật chất cụ thể, mà là sự phát triển toàn diện nhân cách của người học. Sự phát triển này không chỉ liên quan đến kiến thức mà còn bao gồm khả năng sống, làm việc, và cống hiến cho xã hội.
Chính vì vậy, người giáo viên cần phải không ngừng hoàn thiện chính mình để trở thành tấm gương cho học sinh noi theo, giúp các em phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức và tâm hồn.
Thứ tư, tính chất lao động sư phạm đặc biệt ở chỗ nghề giáo viên được coi là một trong những nghề sáng tạo bậc nhất trong các ngành nghề sáng tạo. Bởi vì, giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn phải sáng tạo trong phương pháp giảng dạy, trong cách thức khơi dậy niềm đam mê học tập, tạo động lực cho học sinh.
Đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, vai trò của giáo viên càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Họ không chỉ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn đóng góp vào sự phát triển và tiến bộ của xã hội và đất nước.
Hơn hết, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết, phương tiện giáo dục của dạy học không chỉ đơn giản là những tài liệu, sách vở, thiết bị học tập hay cơ sở vật chất. Phương tiện giáo dục quan trọng nhất là chính nhân cách của nhà giáo.
Nhân cách của thầy cô không chỉ ảnh hưởng đến quá trình dạy học mà còn có tác động sâu sắc đến sự phát triển tâm lý, tư tưởng, động cơ học tập và thái độ sống của học trò. Sự đối nhân xử thế, gương mẫu trong từng hành động của người thầy sẽ giúp học sinh phát triển nhân cách một cách toàn diện.
Những phẩm chất như sự kiên nhẫn, lòng yêu thương, sự công bằng và thái độ tôn trọng đối với học sinh chính là những "phương tiện giáo dục" quan trọng, giúp tạo dựng nền tảng vững chắc cho sự trưởng thành của học sinh, đồng thời góp phần hình thành những công dân có trách nhiệm và ý thức xã hội cao.
Từ những lý do kể trên, quy định mới sẽ thúc đẩy động lực làm việc mới, tạo ra môi trường cho nhà giáo được sáng tạo trong không gian văn hóa, được tôn trọng, được ghi nhận, thúc đẩy chất lượng giáo dục tốt đẹp lên.
Tạo thuận lợi trong đảm bảo đầu ra cho sinh viên sư phạm xuất sắc
Đại biểu Quốc hội Thái Văn Thành còn chỉ ra, khi ngành giáo dục được chủ động trong công tác tuyển dụng và quản lý giáo viên, ngành sẽ có điều kiện thực hiện hiệu quả các chính sách thu hút những nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, tài năng và năng khiếu sư phạm.
Điều này không chỉ giúp thu hút các học sinh trung học phổ thông tốt nghiệp xuất sắc, có thành tích trong các kì thi học sinh giỏi quốc gia vào ngành giáo dục mà còn tạo cơ hội cho những sinh viên tốt nghiệp sư phạm với thành tích học tập vượt trội được giữ lại trường làm giảng viên.
Nhờ đó, ngành giáo dục sẽ sở hữu đội ngũ giáo viên chất lượng cao, giàu năng lực chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống giáo dục.
"Lâu nay, việc triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm gặp rất nhiều khó khăn do ngành giáo dục không quản lý biên chế giáo viên của các địa phương.
Mặc dù đã có cam kết về việc đặt hàng đào tạo, sinh viên tốt nghiệp ra trường lại không được tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục công lập do không còn biên chế" - ông Thái Văn Thành bày tỏ.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, nếu ngành giáo dục được giao quyền chủ động trong việc quản lý biên chế thì vấn đề này có thể được giải quyết một cách hiệu quả. Khi ngành giáo dục có quyền tự quyết trong việc phân bổ biên chế giáo viên, ngành sẽ có thể xây dựng những chiến lược và kế hoạch đào tạo nhà giáo dài hạn, rõ ràng và bền vững.
Cụ thể, ngành giáo dục sẽ có thể dự báo và lập kế hoạch cụ thể về nhu cầu giáo viên ở các cấp học, các môn học, các vùng miền, từ đó đưa ra quyết định tuyển dụng hợp lý và đảm bảo chất lượng đầu ra cho sinh viên sư phạm.
"Một trong những lợi ích quan trọng của việc giao quyền chủ động này là đảm bảo việc phân bổ biên chế cho các sinh viên sư phạm tốt nghiệp. Khi các sinh viên này được đảm bảo đầu ra, họ sẽ có động lực học tập tốt hơn, đồng thời ngành giáo dục cũng có thể kiểm soát được chất lượng giáo viên một cách hiệu quả.
Điều này không chỉ giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên ở các địa phương, mà còn tạo cơ hội nghề nghiệp ổn định, lâu dài cho những người đã hoàn thành chương trình đào tạo sư phạm. Những sinh viên sư phạm này, khi có cơ hội được tuyển dụng chính thức vào biên chế, sẽ đóng góp trực tiếp vào công cuộc nâng cao chất lượng giáo dục" - thầy Thành cho hay.