Thông tin về việc phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có thông báo: "Từ học kỳ II năm học 2022-2023, sinh viên có điểm thi cuối kỳ nhỏ hơn 3 sẽ bị điểm liệt. Áp dụng cho sinh viên toàn trường” đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Một số sinh viên còn cho rằng cách làm này nhằm để trường thu thêm tiền học phí.
Ảnh chụp màn hình về Thông báo của Phòng Tuyển sinh và Công tác Sinh viên của trường được một sinh viên chụp lại và đăng trên nhóm sinh viên của trường. |
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, quy định về điểm liệt này vốn đã được trường áp dụng cho sinh viên từ khóa 2020 trở về trước.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì quy định này vẫn đang được xem xét, và vừa được hội đồng khoa học đào tạo của trường trao đổi gần đây, nếu được thông qua thì sẽ áp dụng từ học kỳ II năm học 2022-2023.
Thầy Hải cho hay, theo quy chế hiện hành, cách tính điểm các môn học cho sinh viên đại học là lấy trọng số trung bình giữa điểm quá trình và điểm thi cuối kỳ. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay tính điểm tổng kết môn học của sinh viên cũng có cách tính tương tự với trọng số 50% cho mỗi phần điểm.
Từ thực tế, trường nhận thấy rằng, cách tính điểm như vậy còn chỗ hổng như có trường hợp một số bạn có 10 điểm quá trình và khi bỏ thi cuối kỳ nhưng vẫn có thể qua môn với cách tính trung bình 02 đầu điểm; thậm chí, có sinh viên biết điểm quá trình của mình cao nên trong giờ thi còn làm bài hộ cho người khác.
Hơn nữa, điểm quá trình nhiều khi là điểm làm bài tập nhóm, các bài tập mà giáo viên đưa ra nên không có sự kiểm soát, trong khi đó, điểm cuối kỳ có độ tin cậy và chuẩn mực hơn, công bằng hơn, đánh giá được chính xác hơn trình độ của người học.
Do vậy, theo thầy Hải, cách tính điểm liệt của trường cho những bạn dưới 3 điểm thi cuối kỳ cũng để nhằm hạn chế việc điểm quá trình là điểm ảo cũng như để thúc đẩy sinh viên tích cực rèn luyện, nâng cao bản thân hơn.
Bởi, nếu sinh viên có điểm quá trình cao thì không thể nào có điểm thi cuối kỳ dưới 3 điểm được, đây là một sự vô lý.
“Bất kỳ trường đại học nào cũng mong muốn đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay thì ngành giáo dục càng phải phát triển mạnh mẽ hơn.
Theo thông tư 08/2021/TT-BGDĐT, tại điều 21, mục 1, khoản a của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì các trường có thể căn cứ theo tình hình thực tế và có thể yêu cầu cao hơn nhưng không trái với các quy định của Quy chế.
Vậy nên, như tôi được biết thì không riêng gì Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh mà một số trường khác ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng áp dụng cách tính điểm liệt chặt như vậy cũng nhằm để đảm bảo chất lượng đào tạo tốt nhất cho trường”, thầy Hải nói.
Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, quy định về điểm liệt này của trường cũng không gây ra tình trạng sinh viên bỏ học, mà mang lại nhiều lợi ích tích cực hơn, bởi nhìn từ thực tế khóa 2020, tình trạng sinh viên bỏ học hay buộc thôi học đều rất thấp và không có lý do nào nằm ở việc tính điểm này.