Trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, ngành Kinh doanh thương mại trở thành một trong những ngành học “hot” được nhiều lựa chọn của các bạn trẻ trong mỗi mùa tuyển sinh hàng năm.
Trường Đại học Văn Lang là một trong những cơ sở giáo dục đào tạo ngành Kinh doanh thương mại. Những năm gần, ngành này luôn nhận được nhiều sự quan tâm mạnh mẽ của người học.
Chương trình đạt chuẩn kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Chí Cương, Trưởng bộ môn Kinh doanh thương mại, Khoa Thương mại, Trường Đại học Văn Lang chia sẻ, ngành Kinh doanh thương mại hiện có 2 chuyên ngành là Phân tích kinh doanh và Hành vi thương mại.
Sinh viên ngành Kinh doanh thương mại được trang bị kiến thức nền tảng về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, chính trị, pháp luật, an ninh quốc phòng.
Đồng thời, sinh viên sẽ học kiến thức cơ sở của khối ngành kinh doanh như: quản trị học, kinh tế vi mô, vĩ mô, nguyên lý kế toán; đặc biệt là khối kiến thức cốt lõi, chuyên sâu của khối ngành kinh doanh thương mại như: phân tích khách hàng, phân tích nguồn nhân lực, phân tích dự án đầu tư, quản trị vận hành trong thương mại, phân tích và ra quyết định trong kinh doanh; hành vi tổ chức, tài chính hành vi, đàm phán và ký kết hợp đồng, quản trị quan hệ khách hàng, nghiên cứu thị trường, quản trị sự thay đổi… nhằm thực hiện hiệu quả công việc, phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh để trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh thương mại.
Bên cạnh khối kiến thức chung và chuyên sâu, sinh viên được đào tạo để thành thạo các kỹ năng chung như: kỹ năng giao tiếp, đàm phán, kỹ năng tin học, ngoại ngữ; các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ như: kỹ năng lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo, kiểm tra và đánh giá các hoạt động kinh doanh và thương mại; Kỹ năng tư duy, nghiên cứu, kỹ năng phản biện, giải quyết vấn đề và ra quyết định trong quá trình vận hành tổ chức.
Những kỹ năng trên giúp sinh viên linh hoạt và thích nghi được với sự phát triển của công nghệ trong môi trường làm việc đa văn hóa và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Cũng theo thầy Cương, chương trình đào tạo ngành Kinh doanh thương mại giúp sinh viên có tinh thần khởi nghiệp, ý thức học tập và phát triển nghề nghiệp, đồng thời tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và pháp luật.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Văn Lang cũng tạo cho sinh viên có một môi trường học tập năng động, cơ sở vật chất hiện đại, đạt chuẩn quốc tế nơi đào tạo ra những con người toàn diện mang lại cảm hứng tích cực cho xã hội.
Hiện nay, trên cả nước có một số trường đào tạo ngành này, chỉ ra những điểm đặc biệt tại Trường Đại học Văn Lang, thầy Cương cho biết, chương trình đào tạo ngành Kinh doanh thương mại tại trường được xây dựng và hoàn thiện với sự tham chiếu các chương trình của những trường đại học uy tín trong và ngoài nước, chương trình đạt chuẩn kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đồng thời, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, có học hàm, học vị cao, tốt nghiệp từ các nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Nhật, Úc, Anh… Phương pháp giảng dạy hiện đại, lấy người học làm trung tâm, cách đánh giá đa dạng, phong phú cũng là những điểm đặc biệt trong đào tạo ngành này.
Bên cạnh đó, sinh viên được học lý thuyết đi đôi với tìm hiểu thực tế tại doanh nghiệp, giúp sinh viên nâng cao sự hiểu biết và trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm.
Nhà trường có cơ sở vật chất hiện đại, tiện nghi đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu, các workshop, cuộc thi cũng được tổ chức khá dày giúp sinh viên có sân chơi để giao lưu, học hỏi.
Kinh doanh thương mại đang là ngành học thu hút nhiều thí sinh đăng ký, theo thầy Cương, có 3 lý do khiến ngành này luôn nhận được sự yêu thích từ các bạn sinh viên.
Thứ nhất, Việt Nam đã hội nhập khá sâu rộng với thế giới thông qua việc gia nhập WTO, các hiệp định thương mại tự do: EVFTA, CPTPP, AEC… thành viên của ASEAN, APEC… tổng kim ngạch ngoại thương đạt trên 700 tỷ USD, vốn FDI đăng ký trên 500 tỷ USD. Tổng số doanh nghiệp trong nước hiện có là gần 900.000 và xấp xỉ 40.000 dự án của nhà đầu tư nước ngoài. Các thương hiệu bán lẻ lớn như Mega Market, E-mart, AEON, Central Retail Corporation… đã có mặt tại Việt Nam khiến nhu cầu nhân lực ngành kinh doanh thương mại, phân tích kinh doanh và hành vi thương mại đều có xu hướng gia tăng trong thời gian tới.
Thứ hai, so với các ngành kỹ thuật và công nghệ về độ khó, sự phức tạp cũng như thời gian đào tạo kéo dài hơn thì kinh doanh thương mại là một lựa chọn hợp lý.
Cuối cùng, đối với những bạn có đam mê kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp thì kinh doanh thương mại luôn là ngành thu hút các bạn.
Cơ hội việc làm đa dạng
Chia sẻ về cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, thầy Cương cho biết, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh thương mại có khả năng làm việc và thành công trong nhiều lĩnh vực như: chuyên viên phân tích kinh doanh, chuyên viên hoạch định chiến lược, nhân viên kinh doanh, chuyên viên phụ trách xuất nhập khẩu, trưởng ngành hàng, chuyên viên chăm sóc khách hàng.
Sinh viên tốt nghiệp cũng có thể làm quản lý các hoạt động thương mại tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, các công ty thương mại, các công ty xuất nhập khẩu, các văn phòng đại diện, các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hãng bảo hiểm, ngân hàng, công ty tài chính, cơ quan hải quan, sân bay, cảng biển, công ty logistics… làm cho các cơ quan nhà nước: sở, ban, ngành hoặc tự khởi nghiệp kinh doanh.
Hiện nay nhà trường có nhiều chế độ học bổng, có thể lên tới 100% mức học phí cho toàn khóa học như học bổng tài năng, rồi các học bổng bán phần khác như học bổng dành cho 300 tân sinh viên xuất sắc, học bổng khuyến khích…
Đồng thời, khoa Thương mại cũng có những suất học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo học giỏi từ cựu sinh viên. Học sinh đạt thành tích cao (nhất, nhì, ba hoặc huy chương vàng, bạc, đồng) trong các kỳ thi học sinh giỏi/cuộc thi, giải đấu từ cấp quốc gia trở lên trong khoảng thời gian quy định; đạt tổng điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cao theo quy định của nhà trường có thể nộp hồ sơ xin học bổng.
Để gia tăng cơ hội trải nghiệm thực tế cho sinh viên, nhà trường có hoạt động kết nối với doanh nghiệp cả trong và ngoài nước để đưa sinh viên đi thực tập, tăng cơ hội xin việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Bạn Nguyễn Thục Đoan, sinh viên ngành Kinh doanh Thương mại, Trường Đại học Văn Lang chia sẻ, bản thân theo học ngành này bởi cảm thấy sau khi tốt nghiệp sẽ có rất nhiều cơ hội để tìm kiếm được công việc mơ ước, phù hợp với người hướng ngoại.
Đồng thời, các thầy cô luôn tạo điều kiện cho sinh viên trong quá trình học tập. Trong các môn chuyên ngành, sinh viên luôn được tạo điều kiện để liên kết với doanh nghiệp nghiên cứu và phân tích, giúp sinh viên sau khi ra trường có sự nhanh nhạy và bắt nhịp với môi trường lao động.
Bạn Nguyễn Đức Hòa, sinh viên ngành Kinh doanh Thương mại, Trường Đại học Văn Lang chia sẻ, ngoài lý thuyết trên lớp, sinh viên còn được tham gia các câu lạc bộ học thuật, chương trình ngoại khóa, các workshop, cuộc thi cũng được tổ chức khá dày giúp sinh viên có sân chơi để giao lưu, học hỏi.
“Đồng thời, nhà trường có hoạt động kết nối với doanh nghiệp cả trong và ngoài nước để đưa sinh viên đi thực tập, trải nghiệm, trang bị cho sinh viên những kỹ năng thiết yếu và kiến thức chuyên môn sát với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Chính vì vậy, việc này giúp em có thể hiểu hơn được ngành nghề đang theo học, có được định hướng tốt cho công việc sau này”, Hòa chia sẻ.