Số đầu sách từng bộ tăng hơn so với sách cũ khiến giá SGK tăng cao

03/06/2022 06:14
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, một nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa tăng là do số đầu sách trong từng bộ tăng hơn rất nhiều so với sách cũ.

Chiều ngày 2/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương (Phó Chủ tịch Quốc hội), Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Giá sách giáo khoa tăng do có thêm nhiều đầu sách

Đóng góp ý kiến vào Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) đề cập về vấn đề chống lãng phí và câu chuyện về sách giáo khoa.

Theo đó, những lý giải liên quan đến câu chuyện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa hay vấn đề giấy mực đã đẩy giá sách giáo khoa tăng lên. Ngoài ra, theo nữ Đại biểu, còn có một nguyên nhân nữa là số đầu sách trong từng bộ sách tăng hơn rất nhiều so với sách cũ.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, giá sách giáo khoa tăng so với bộ cũ, còn do số lượng đầu sách tăng. (Ảnh: quochoi.vn).

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa, giá sách giáo khoa tăng so với bộ cũ, còn do số lượng đầu sách tăng. (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng: “Đối với các gia đình có nguồn thu nhập thấp, việc mỗi năm học đến, cần chi phí cho con em đi học là một gánh nặng. Điều đó đã được phản ánh rất nhiều. Vì vậy, việc tuyên truyền cũng như có những giải pháp để tăng cường ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong việc mua sắm sách giáo khoa là một trong những giải pháp cần làm.

Cụ thể của nguyên nhân khiến giá sách giáo khoa của các lớp tăng từ 2 đến 4 lần không phải chỉ vì chi phí tăng trên từng đầu sách mà là do số lượng đầu sách”.

Đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có quy định những sách nào là sách giáo khoa bắt buộc phải mua, những sách nào là sách tham khảo và cần cho phụ huynh quyền được lựa chọn mua những sách bắt buộc mà không phải mua những sách khác, vì hiện nay phụ huynh chủ yếu là mua sách giáo khoa cho con qua các lớp.

“Ngoài ra, đối với các trường ở miền núi, cũng cần phải có ngân sách để đầu tư cho sách giáo khoa ở các thư viện, giúp cho những học sinh - con của các gia đình nghèo dân tộc thiểu số có thể mượn sách mà không phải đi mua sách.

Mặt khác, việc giáo dục ý thức tiết kiệm cho học sinh từ trên ghế nhà trường là điều cần phải thực hiện” - Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Một số vấn đề khác liên quan đến giáo dục và đào tạo

Tham gia thảo luận tại phiên họp, các Đại biểu Quốc hội cũng đề cập đến một số vấn đề khác liên quan lĩnh vực giáo dục.

Phát biểu về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực sự nghiệp công, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái) cho biết: “Thời gian qua, việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công theo Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được triển khai quyết liệt, đã giảm mạnh một số đầu mối thông qua việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể các đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ trên cùng địa bàn hoặc hoạt động không hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế...

Tuy nhiên, việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có sự đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực ở Trung ương và địa phương. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn quy định về điều kiện, tiêu chí sắp xếp chưa đầy đủ, thiếu tính đồng nhất, đơn cử. Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học hiện nay vẫn còn tình trạng trên cùng một địa bàn có nhiều trường cao đẳng, trung cấp cả trực thuộc Bộ, ngành và cả địa phương có cùng chức năng ngành nghề đào tạo thường xuyên tuyển sinh cả học sinh và sinh viên.

Theo Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, vướng mắc. (Ảnh: quochoi.vn).

Theo Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công trong thời gian qua còn nhiều khó khăn, vướng mắc. (Ảnh: quochoi.vn).

Do đó, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị, cần sớm tổng kết, đánh giá kết quả sắp xếp đơn vị sự nghiệp công; nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể các đơn vị sự nghiệp công theo từng ngành, lĩnh vực để các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

“Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể quy hoạch và sắp xếp hợp lý quy mô mạng lưới các cơ sở giáo dục. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí cho ngân sách nhà nước.

Về cơ chế đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận chỉ rõ, việc ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, khung giá và giá các loại dịch vụ công còn chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến các địa phương không thể thực hiện đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công có sử dụng ngân sách nhà nước ở nhiều lĩnh vực.

Do vậy, Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm rà soát, xây dựng và ban hành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, khung giá và các loại giá dịch vụ sự nghiệp công có sử dụng ngân sách nhà nước, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Về hoàn thiện thể chế liên doanh, liên kết trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành sớm rà soát, đánh giá, bổ sung, hoàn thiện hệ thống thể chế về liên doanh, liên kết trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, để các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện góp phần nâng cao năng lực và chất lượng cung ứng dịch vụ, tránh lãng phí cơ sở vật chất và nguồn nhân lực của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp sai phạm có thể xảy ra như thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, phát biểu ý kiến thảo luận, Đại biểu Lưu Bá Mạc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn) kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp để đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào giảng dạy hoặc tích hợp vào tiết học một cách phù hợp trong các hoạt động trải nghiệm, chương trình ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục và đào tạo. Vị Đại biểu nhấn mạnh, nội dung này cũng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho các đối tượng là các em học sinh, sinh viên và giải pháp này thì có thể góp phần xây dựng được văn hóa về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xã hội trong tương lai.

Ngân Chi