Sở GD Hòa Bình yêu cầu mỗi trường tổ chức ít nhất 1 hội nghị đối thoại năm 2023

04/02/2023 06:29
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sở GDĐT Hòa Bình yêu cầu trong năm 2023 cơ quan quản lý, trường học tổ chức ít nhất 1 hội nghị đối thoại với nhân dân địa phương, cán bộ, viên chức...

Ngày 2/2, Tiến sĩ Bùi Thị Kim Tuyến - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình ban hành kế hoạch thực hiện quy chế dân chủ ngành giáo dục và đào tạo năm 2023. Theo đó, Sở đã chỉ ra mục đích, yêu cầu, nội dung và giải pháp để triển khai.

Thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan quản lý giáo dục, trường học

Để thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan quản lý giáo dục và các đơn vị, trường học, lãnh đạo Sở Giáo dục đề nghị, cần thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công khai những nội dung để cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân biết theo quy định.

"Các đơn vị, trường học đẩy mạnh việc công khai theo Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; và Thông tư số 11/2020/TT-BGDĐT ngày 19/05/2020 của Bộ hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nêu.

Bên cạnh đó, cần phải thường xuyên rà soát, bổ sung nội dung các quy chế về thực hiện dân chủ như: Quy chế quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; Quy chế quản lý, sử dụng và bảo vệ tài sản công; Quy chế tiếp nhận, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân...

Ảnh minh họa: nguồn Báo Hòa Bình

Ảnh minh họa: nguồn Báo Hòa Bình

Chủ động đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Kiên quyết xử lý những hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên.

"Các cơ quan quản lý giáo dục và các đơn vị, trường học tổ chức ít nhất 1 hội nghị gặp gỡ đối thoại về chính sách giữa lãnh đạo cơ quan, đơn vị, trường học với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân địa phương, kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân;

Tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng và ban hành các chính sách mới góp phần ổn định, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hoàn thành các mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế - xã hội", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình chỉ đạo.

Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành và nêu cao trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, trường học trong việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện quy chế dân chủ của cơ quan, đơn vị; phân công lãnh đạo, công chức, viên chức theo dõi, kiểm tra thực hiện hiệu quả từng nhiệm vụ, nội dung trong kế hoạch đã đề ra.

Gắn quy chế dân chủ với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, cần phải công khai các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tập trung vào các quy hoạch, chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo; công tác tuyển sinh vào đầu cấp học; cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, dạy và học; công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, các cơ sở giáo dục, khai thác có hiệu quả các nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; các khoản thu nộp đầu năm học…

"Đặc biệt là công khai các điều kiện để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo đúng lộ trình, trong đó có việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 4, lớp 8, lớp 11 cho năm học 2023-2024, tránh gây bức xúc trong dư luận", Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình nhấn mạnh.

Song với việc thực hiện các mục tiêu trên, Sở Giáo dục và Đào tạo còn chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo được quy định tại Quyết định số 2211/QĐ-SGD&ĐT ngày 17/11/2021.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, gắn việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với công tác dân vận nhằm tăng cường sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo.

Đối với các Phòng giáo dục và đào tạo, các đơn vị, trường học, Sở Giáo dục yêu cầu xây dựng kế hoạch thực hiện quy chế dân chủ năm 2023 phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Tổ chức chỉ đạo, triển khai, thực hiện có hiệu quả kế hoạch đã đề ra. Định kỳ báo cáo Sở kết quả thực hiện quy chế dân chủ trong 6 tháng đầu năm (gửi trước ngày 10/5/2023) và cả năm (gửi trước ngày 20/10/2023).

Mạnh Đoàn