Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định mới đây đã ký Công văn số 2090/SGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với giáo dục phổ thông và Giáo dục thường xuyên.
Theo đó, văn bản gửi Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố; các Trường Trung học phổ thông và các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh này nêu rõ, việc tổ chức thực hiện nội dung giáo dục Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông/ giáo dục thường xuyên đã được quy định tại các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này.
Qua đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định lưu ý, chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bao gồm các nội dung hoạt động được tổ chức trong và ngoài nhà trường với các hình thức hoạt động chủ yếu là sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề và hoạt động câu lạc bộ.
Với sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên môn học, cán bộ tư vấn tâm lí học đường, cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cán bộ phụ trách Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, cán bộ quản lí nhà trường, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của học sinh. Ảnh minh hoạ: Trung Dũng |
Căn cứ vào điều kiện thực tế của nhà trường, hiệu trưởng phân công cán bộ quản lí, giáo viên đảm nhận nội dung hoạt động nào phải có năng lực chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động đó.
Giáo viên được phân công đảm nhận các nội dung hoạt động của chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực hiện đúng nhiệm vụ của giáo viên thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; phân định rõ nhiệm vụ thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với nhiệm vụ của giáo viên làm chủ nhiệm lớp theo quy định hiện hành.
Ngoài việc thực hiện các nội dung hoạt động theo chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm lớp vẫn tổ chức các hoạt động giáo dục tập thể khác (như nhận xét tình hình học tập, rèn luyện của học sinh; các nội dung liên quan đến cha mẹ học sinh...) nhưng không phải là nội dung của Chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Đồng thời, nhà trường xây dựng kế hoạch trong đó xác định cụ thể nội dung hoạt động và thời lượng thực hiện theo từng loại hình hoạt động quy định trong chương trình; linh hoạt thời lượng dành cho hoạt động sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp giữa các tuần, bảo đảm thực hiện các nội dung hoạt động theo chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và tổ chức các hoạt động giáo dục tập thể khác theo nhiệm vụ của Hiệu trưởng, của giáo viên làm chủ nhiệm lớp và các thành viên khác của nhà trường theo quy định hiện hành.
Qua đó, việc đánh giá kết quả giáo dục trong Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp phải bảo đảm các yêu cầu:
Mục đích đánh giá là thu thập thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt so với chương trình; sự tiến bộ của học sinh trong và sau các giai đoạn trải nghiệm. Kết quả đánh giá là căn cứ để định hướng học sinh tiếp tục rèn luyện hoàn thiện bản thân và cũng là căn cứ quan trọng để các cơ sở giáo dục, các nhà quản lí và đội ngũ giáo viên điều chỉnh chương trình và các hoạt động giáo dục trong nhà trường.
Bên cạnh đó, nội dung đánh giá là các biểu hiện của phẩm chất và năng lực đã được xác định trong chương trình: năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp. Các yêu cầu cần đạt về sự phát triển phẩm chất và năng lực của mỗi cá nhân chủ yếu được đánh giá thông qua hoạt động theo chủ đề, hoạt động hướng nghiệp, thông qua quá trình tham gia hoạt động tập thể và các sản phẩm của học sinh trong mỗi hoạt động.
Đối với hình thức sinh hoạt tập thể, nội dung đánh giá chủ yếu tập trung vào sự đóng góp của học sinh cho các hoạt động tập thể, số giờ tham gia các hoạt động và việc thực hiện có kết quả hoạt động chung của tập thể. Ngoài ra, các yếu tố như động cơ, tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm, tính tích cực đối với hoạt động chung của học sinh cũng được đánh giá thường xuyên trong quá trình tham gia hoạt động.
Ngoài ra, văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định cũng lưu ý việc kết hợp đánh giá của giáo viên với tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và đánh giá của cộng đồng; giáo viên chủ nhiệm lớp chịu trách nhiệm tổng hợp kết quả đánh giá.
Dữ liệu đánh giá dựa trên thông tin thu thập được từ quan sát của giáo viên, từ ý kiến tự đánh giá của học sinh, đánh giá đồng đẳng của các học sinh trong lớp, ý kiến nhận xét của cha mẹ học sinh và cộng đồng; thông tin về số giờ (số lần) tham gia hoạt động trải nghiệm (hoạt động tập thể, hoạt động trải nghiệm thường xuyên, hoạt động xã hội và phục vụ cộng đồng, hoạt động hướng nghiệp, hoạt động lao động,...); số lượng và chất lượng các sản phẩm hoàn thành được lưu trong hồ sơ hoạt động.
Kết quả đánh giá đối với mỗi học sinh là kết quả tổng hợp đánh giá thường xuyên và định kì về phẩm chất và năng lực. Kết quả đánh giá Hoạt động trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được ghi vào hồ sơ học tập của học sinh (tương đương một môn học) theo quy định tại Thông tư 22/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Đáng chú ý, công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định cũng đề cập việc, các đơn vị khi tổ chức Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ngoài nhà trường phải đảm bảo các yêu cầu:
Nội dung có trong Kế hoạch giáo dục nhà trường và được Hội đồng trường phê duyệt; Có Kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động học ngoài nhà trường và bám sát các yêu cầu cần đạt của chương trình từng khối lớp, nhu cầu của từng nhóm đối tượng học sinh, cha mẹ học sinh; giáo viên thực hiện có kế hoạch bài dạy (giáo án) được phê duyệt...(tham khảo Phụ lục 4 Công văn số 367/SGDĐT- GDTrH ngày 21/03/2021 của Sở GDĐT Hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nhà trường).
Sở Giáo dục Nam Định lưu ý, kế hoạch tổ chức trải nghiệm, hướng nghiệp ngoài nhà trường của các đơn vị phải lưu trữ theo quy định để phục vụ công tác thanh, kiểm tra. Ảnh minh hoạ: T.D |
Phối hợp với các lực lượng có liên quan để đảm bảo công tác an ninh, an toàn cho học sinh và cán bộ quản lí, giáo viên tham gia trải nghiệm, hướng nghiệp; thực hiện nghiêm túc các quy định của ngành, địa phương (nơi đi và đến) khi đưa học sinh/học viên đi trải nghiệm, hướng nghiệp.
Đặc biệt, văn bản này lưu ý, không tổ chức trải nghiệm, hướng nghiệp ngoài nhà trường đối với học sinh toàn trường vào cùng thời điểm; chỉ tổ chức đối với một nhóm học sinh, một nhóm lớp hoặc theo câu lạc bộ phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, cha mẹ học sinh và khả năng tổ chức của đơn vị; đối với những học sinh không tham gia hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ngoài nhà trường theo kế hoạch của đơn vị, giao nhiệm vụ thay thế cho học sinh và hướng dẫn học sinh tự thực hiện, đảm bảo được các yêu cầu theo quy định.
Sử dụng kinh phí được cấp của đơn vị hoặc các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác để chi cho công tác tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; các chi phí phát sinh khác như ăn, nghỉ, nước uống thực hiện theo nguyên tắc học sinh và cha mẹ học sinh hoàn toàn tự nguyện và tự chi trả.
Hồ sơ, Kế hoạch tổ chức trải nghiệm, hướng nghiệp ngoài nhà trường của các đơn vị phải lưu trữ theo quy định làm cơ sở cho công tác thanh, kiểm tra của các đơn vị quản lý các cấp;
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này cũng nghiêm cấm các đơn vị lợi dụng việc tổ chức nội dung giáo dục Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp để tổ chức cho học sinh đi du lịch. Hiệu trưởng các trường phổ thông/ Giám đốc trung tâm chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai phạm, mất an toàn trong việc tổ chức thực hiện nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ngoài nhà trường.