49 giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định kêu cứu
Ngày 5/12/2019, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định có công văn số 7450/UBND -NC: Về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 về trước.
Theo đó Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định giao Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát và thực hiện tuyển dụng đặc cách đối với các trường hợp giáo viên đang hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước theo nội dung Công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ và đề xuất của Sở Nội vụ tại Công văn số 1624/SNV-CCVC nêu trên.
Thời gian hoàn thành việc tuyển dụng đặc cách trong tháng 12/2019.
Sau khi có chỉ đạo từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, ngày 10/12/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định có văn bản số 2403/SGDĐT-TCCB về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên đã hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2015 trở về trước.
Đối tượng áp dụng: Giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại các trường Trung học Phổ thông, trường chuyên biệt công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, đã có thời gian ký hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội làm công việc giảng dạy tại các trường Trung học Phổ thông, trường chuyên biệt công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31/12/2015, trong chỉ tiêu biên chế.
Bên cạnh đó công văn số 2403/SGDĐT-TCCB: cũng yêu cầu rõ ràng về điều kiện, tiêu chuẩn của đối tượng giáo viên hợp đồng Trung học Phổ thông (hạng IV,III,II,I) đủ điều kiện được xét đặc cách theo công văn số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ.
Thời gian thực hiện và gửi hồ sơ đề nghị tuyển dụng về Sở Giáo dục và Đào tạo trước ngày 17/12/2019 để tổng hợp, thẩm định, báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Trải qua quá trình nộp hồ sơ và tiến hành rà soát nghiêm ngặt, ngày 21/2/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định có công văn số 275/TB-SGDĐT thông báo danh sách những thí sinh đủ điều kiện và không đủ điều kiện đề nghị tuyển dụng đặc cách viên chức Sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo thông báo trên, toàn tỉnh Bình Định có 49 giáo viên hợp đồng Trung học Phổ thông đủ điều kiện xét đặc cách viên chức Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, kể từ tháng 2/2020 đến nay (tháng 8/2020), 49 giáo viên hợp đồng này vẫn chưa nhận được quyết định chính thức công nhận xét đặc cách.
Điều này khiến số giáo viên hợp đồng nêu trên cảm thấy sốt ruột.
Công văn số 275 của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định thông báo 49 giáo viên hợp đồng đủ điều kiện đặc cách (Ảnh: V.N) |
Trong lá thư cầu cứu gửi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân của đại diện 49 giáo viên hợp đồng Trung học Phổ thông tỉnh Bình Định có đoạn:
“Căn cứ kết quả tổng hợp, kiểm tra hồ sơ đề nghị tuyển dụng đặc cách giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định đã ra thông báo 275/TB – SGDĐT ngày 21/02/2020 trong đó có danh sách những giáo viên đủ điều kiện và không đủ điều kiện đề nghị tuyển dụng đặc cách.
Trong danh sách này có 49 giáo viên (có danh sách kèm theo) được công nhận đủ điều kiện đề nghị tuyển dụng đặc cách.
Khi công bố là ngày 21 tháng 02 năm 2020 cho đến nay đã là ngày 12 tháng 8 năm 2020, trong gần 6 tháng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo tuyển dụng đặc cách từ phía Sở Giáo dục và Đào tạo, thời gian kéo dài như thế thực sự làm cho chúng tôi rất lo lắng khi năm học mới 2020 – 2021 đã cận kề.
Trải qua đợt dịch Covid-19 vừa rồi, các giáo viên hợp đồng chúng tôi đã rất vất vả để chăm lo cho cuộc sống gia đình, khi chưa được tuyển dụng đặc cách chúng tôi rất hoang mang và rơi vào tình trạng khó khăn về công việc và mất ổn định về tâm lý.
Để trang trải cuộc sống, đại đa số giáo viên chúng tôi phải làm thêm những công việc khác bởi cuộc sống gia đình còn rất khó khăn, nhiều giáo viên mới sinh con nhỏ nên chưa đủ điều kiện về kinh tế.
Hôm nay, chúng tôi viết bức tâm thư này để trình lên quý Lãnh đạo của Bộ Nội vụ xem xét, giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất cho chúng tôi có cơ hội được tiếp nối giấc mơ về sự nghiệp trồng người còn dang dở, để luôn xứng đáng với sự tin yêu của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng trao tặng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”!
Rất mong sự quan tâm sâu sắc từ quý Lãnh đạo của Bộ Nội vụ cho chúng tôi, những giáo viên tâm huyết với nghề có cơ hội được được đứng lớp giảng dạy và cống hiến cho giáo dục nước nhà!”.
Sở Giáo dục nói Công văn 5378/BNV-CCVC giải thích không rõ ràng dẫn đến xét tuyển...nhầm
Nhận được phản ánh của 49 giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Võ Ngọc Sỹ, Trưởng phòng Tổ chức – Cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định).
Theo ông Võ Ngọc Sỹ, sự việc 49 giáo viên hợp đồng Trung học Phổ thông tỉnh Bình Định được thông báo đủ điều kiện đặc cách nhưng đến này vẫn chưa được công nhận chính thức là do điều kiện, tiêu chí trong công văn 5378 không giải thích rõ ràng khiến cho Sở Giáo dục xét tuyển “nhầm đối tượng”.
Ông Võ Ngọc Sỹ cho biết: “Trải qua quá trình rà soát theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, Sở Giáo dục và Đào tạo có 49 hồ sơ đóng bảo hiểm xã hội và đang giảng dạy tại các trường Trung học Phổ thông.
49 đối tượng giáo viên này hiện đang thỉnh giảng tại các cơ sở giáo dục theo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hợp đồng thỉnh giảng theo tiết là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Năm học 2017-2018, Sở Nội vụ đã có văn bản nêu rõ: Tuyệt đối không thực hiện hợp đồng với các vị trí chuyên môn và chỉ thực hiện hợp đồng thỉnh giảng.
Khi Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát các đối tượng giáo viên theo công văn 5378 của Bộ Nội vụ, do công văn không nói rõ đối tượng giáo viên hiện tại đang lao động hợp đồng là hợp đồng gì nên Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát tất cả số hồ sơ này.
Sau đó Sở Nội vụ có công văn số 1711 gửi Bộ Nội vụ đề nghị hướng dẫn triển khai một số nội dung theo công văn số 5378.
Tháng 4/2020, Bộ Nội vụ có công văn trả lời về đối tượng được xem xét đặc cách:
Đối tượng là giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm tại các trường công lập đã có thời gian ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội trước 2015...các đối tượng đang làm hợp đồng thỉnh giảng theo tiết, không đóng bảo hiểm xã hội không thuộc đối tượng đặc cách như trên.
Theo trả lời của Bộ Nội vụ thì không có bất kỳ giáo viên nào (trong số 49 giáo viên nêu trên) đủ điều kiện để được cách.
Vì thế mới có tình trạng có danh sách 49 giáo viên hợp đồng đã được thông báo đủ điều kiện đặc cách nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức là do nhầm lẫn về điều kiện đặc cách.
Đối với số giáo viên này hoàn toàn có thể tham dự kỳ thi tuyển dụng viên chức tới đây nếu như có nhu cầu”.
Trước khi có thông báo số 275, giáo viên hợp đồng đã phải trải qua quy trình rà soát hồ sơ nghiêm ngặt nhưng Sở lại nói...nhầm (Ảnh:V.N) |
Như vậy, theo trả lời của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định, thực chất việc 49 giáo viên hợp đồng Bình Định được thông báo đủ điều kiện nhưng lại không được đặc cách là do câu chữ trong công văn 5378 giải thích không rõ ràng dẫn đến quá trình xét duyệt hồ sơ có sai sót, nhầm lẫn.
Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là, trách nhiệm của Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định ở đâu trong sự cố “hy hữu” này?
Chắc chắn đại diện 2 Sở nêu trên phải có câu trả lời thỏa đáng cho dư luận ngành giáo dục tỉnh Bình Định.
Trong khi đó, sau khi “mừng hụt”, 49 giáo viên hợp đồng tỉnh Bình Định vẫn bơ vơ giữa 2 dòng nước: được đặc cách hay không được đặc cách? Họ rất cần một câu trả lời có tính trách nhiệm và rõ ràng hơn ngay lúc này.