Số lượng GS, PGS giảm vì việc xét đang dần tiệm cận trình độ quốc tế

10/10/2022 06:55
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Lê Thanh Sơn: Nếu thiếu hụt đội ngũ giảng viên là GS, PGS sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy, chất lượng đào tạo và NCKH.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số giảng viên làm việc toàn thời gian của cả nước tính đến 31/12/2021 là hơn 85.000 người.

Trong đó, tỷ lệ giảng viên đại học đạt chức danh giáo sư chỉ là 0,89%, phó giáo sư là 6,21%, tỷ lệ này được đánh giá là thấp.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư ở nhiều trường hiện nay còn ít, thậm chí số lượng này giảm so với trước, nguyên nhân quan trọng là do khi Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước triển khai thực hiện Quyết định 37/2018/QĐ-TTg xét giáo sư, phó giáo sư, việc phong học hàm đang dần tiệm cận với trình độ quốc tế.

Điều này dẫn tới việc đánh giá thông qua công bố quốc tế rất quan trọng nhưng lại hạn chế đối với từng nhóm ngành khác nhau. Ví dụ, việc công bố quốc tế của ngành khoa học xã hội và nhân văn sẽ khó khăn hơn so với các lĩnh vực khác như khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Giáo sư, phó giáo sư là đội ngũ quan trọng, là nòng cốt của các cơ sở giáo dục đại học. Chức năng của trường đại học là truyền thụ và sáng tạo tri thức, cả hai chức năng này đều cần những giảng viên là giáo sư, phó giáo sư đầu ngành để đảm đương trọng trách của nhà trường. Nếu thiếu hụt đội ngũ này và không được bổ sung kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy, đồng thời cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học”, Giáo sư Lê Thanh Sơn nói.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, đối với các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, số lượng những tiến sĩ trẻ có công bố quốc tế ngày càng có xu hướng tăng. Vì vậy, việc phong học hàm giáo sư, phó giáo sư hiện nay ngày càng trẻ hóa.

Riêng đối với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Giáo sư Sơn cho biết, có nhiều giáo sư rất trẻ, chỉ ngoài 40 tuổi.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trường đại học nghiên cứu cơ bản, có thể nói trường có tỷ lệ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư cao so với các trường đại học ở Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, một số bộ môn của trường hiện không còn giáo sư, phó giáo sư (do các thầy đạt chuẩn chức danh trước đó đã nghỉ hưu), các cán bộ đều là tiến sĩ trẻ nên cần thêm một vài năm mới đủ chuẩn”, Giáo sư Lê Thanh Sơn nói.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về số liệu cụ thể, Tiến sĩ Trần Mạnh Cường, Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, hiện tổng số giảng viên cơ hữu của trường là 298 người. Trong đó, giảng viên có học hàm giáo sư là 16 người (chiếm 5,37%); giảng viên có học hàm phó giáo sư là 121 người (chiếm 40,6%). Như vậy, tỷ lệ giảng viên là giáo sư và phó giáo sư chiếm khoảng gần 46% so với tổng số lượng giảng viên cơ hữu của nhà trường.

Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với thống kê số liệu chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 khối giáo dục đại học.

Tỷ lệ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Trần Lý

Tỷ lệ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Trần Lý

“Hằng năm, các giảng viên của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư xấp xỉ 10 người, ví dụ năm học vừa qua trường bổ nhiệm 2 giáo sư và 7 phó giáo sư mới. Bên cạnh đó, số lượng giáo sư, phó giáo sư nghỉ việc trong 3 năm gần đây nhỏ hơn số được bổ nhiệm mới. Vì vậy, tỷ lệ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư năm sau “nhỉnh” hơn năm trước”, Tiến sĩ Trần Mạnh Cường chia sẻ.

Cơ chế thu hút giảng viên trình độ cao

Từ lâu, Đại học Quốc gia Hà Nội đã sớm có chính sách thu hút riêng đối với các nhà khoa học xuất sắc. Mới nhất, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký ban hành Quyết định số 3688/QĐ-ĐHQGHN về việc ban hành Quy định xét cấp học bổng của Đại học Quốc gia Hà Nội cho nghiên cứu sinh và thực tập sinh sau tiến sĩ có năng lực nghiên cứu xuất sắc.

Quyết định này hỗ trợ học bổng lên đến 100 triệu đồng/năm cho các nghiên cứu sinh và 120 triệu đồng/năm cho các tiến sĩ trẻ có năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế xuất sắc. Với học bổng này, cộng thêm các nguồn hỗ trợ khác từ hoạt động tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh và thực tập sinh có thể yên tâm, toàn tâm cho nghiên cứu.

Bên cạnh chính sách của Đại học Quốc gia Hà Nội, theo Tiến sĩ Trần Mạnh Cường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng đề xuất chính sách hỗ trợ cán bộ trẻ mới về trường thông qua việc ưu tiên có 1 đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc 2 đề tài cấp trường trong 3 năm đầu; hỗ trợ kinh phí cho các công bố thuộc nhóm Q1, Q2 theo SClmago* cho các công bố chưa được đề tài, dự án tài trợ (khoảng 70 triệu đồng/công bố thuộc nhóm Q1; 50 triệu đồng/công bố thuộc nhóm Q2), sẽ thực hiện từ năm 2023.

“Trên thế giới, việc phong giáo sư, phó giáo sư theo thông lệ quốc tế là các nhà trường quyết định, nhưng ở nước ta do nhiều nguyên nhân và yếu tố lịch sử để lại nên việc phong học hàm này đang do Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước phong.

Theo tôi, nếu các điều kiện hội nhập quốc tế cho phép, việc phong học hàm nên giao cho các nhà trường. Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy, trong lĩnh vực giáo dục đại học thì việc thu hút giảng viên, nhà khoa học xuất sắc đã khó, nhưng giữ chân họ còn khó hơn. Vì vậy, nhà nước cũng cần có những cơ chế, chính sách đồng bộ để có thể phát huy được hiệu quả tốt nhất của việc đào tạo nghiên cứu khoa học và chất lượng của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư”, Giáo sư Lê Thanh Sơn kiến nghị.

* SCImago (trụ sở ở Tây Ban Nha) là một tổ chức nghiên cứu làm nhiệm vụ cung cấp thông tin về chất lượng nghiên cứu khoa học của các quốc gia, các cơ sở nghiên cứu, mức độ uy tín của các tạp chí thông qua việc phân tích các chỉ số dựa trên cơ sở dữ liệu Scopus do Nhà xuất bản Elsevier, Hà Lan, xây dựng từ năm 2004.

SCImago xếp hạng chất lượng tạp chí bằng chỉ số SJR (SCImago Journal Ranking), trong đó tính đến số lượng trích dẫn mà mỗi tạp chí nhận được và uy tín của các tạp chí trích dẫn lại tạp chí đó. Chỉ số này được SCImago phát triển từ thuật toán xếp hạng trang web của Google (Google PageRank).

Dựa trên chỉ số SJR, các tạp chí được phân thành 4 nhóm: Q1, Q2, Q3, và Q4 theo các chủ đề nghiên cứu, trong đó, Q1 bao gồm 25% các tạp chí hàng đầu. Chỉ số SJR có thể biến đổi, phụ thuộc vào kết quả đánh giá hàng năm.

Anh Trang