Đoàn Giám sát của Quốc hội đã có báo cáo kết quả giám sát "việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" gửi Quốc hội. Báo cáo nêu có 10 địa phương giao vượt chỉ tiêu biên chế, trong đó có Thanh Hóa vượt 141 trường hợp.
Đây là thông tin khá bất ngờ trong bối cảnh Thanh Hóa là một trong những tỉnh thiếu nhiều giáo viên nhất cả nước.
Ngày 25/10, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với đại diện Sở Nội vụ Thanh Hóa để tìm hiểu cụ thể.
Theo đại diện của Sở Nội vụ cho biết, Sở này khá bất ngờ khi nhận được thông tin giao vượt 141 trường hợp. “Thời gian qua, Thanh Hóa là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế mà tỉnh nhà đã đề ra”, đại diện sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết.
Theo thông tin từ đại diện Sở Nội vụ Thanh Hóa, năm 2015 tỉnh Thanh Hóa được Bộ Nội vụ có quyết định tạm giao biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 4.216 biên chế.
Giáo viên mầm non ở thành phố Thanh Hóa. Ảnh: NVCC |
Sau đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định giao chỉ tiêu cho các sở, ngành, đơn vị… trong năm 2015 và 2016 là 4.357, vượt 141 so với chỉ tiêu của Bộ Nội vụ.
Việc có con số 141 trường hợp giao vượt chỉ tiêu được Sở Nội vụ Thanh Hóa giải thích là do Bộ Nội vụ tạm giao chỉ tiêu biên chế công chức cho Thanh Hóa, trong năm 2015 và 2016, chưa tách riêng những trường hợp thuộc hợp đồng 68 (Nghị định số 68/2000/NĐ-CP).
Số hợp đồng 68 của Thanh Hóa lúc đó là 156 người do vậy mới có thông tin như trên, đại diện Sở Nội vụ Thanh Hóa thông tin.
Đến năm 2017, Thanh Hóa tiến hành tách riêng những trường hợp là lao động 68 (156 người), lúc đó số công chức mà Thanh Hóa giao cho các địa phương, sở ngành còn thấp hơn con số mà Bộ Nội vụ giao, đại diện Sở Nội vụ Thanh Hóa thông tin thêm.
Theo báo cáo, giai đoạn từ năm 2015-2021, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tinh giản từ 4.216 biên chế xuống còn 3.698 biên chế (tinh giản được 518 công chức); trong khi đó biên chế làm việc của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp giảm 6.843 người (giảm 10%) từ 60.576 người (năm 2015) xuống 53.733 người (năm 2021).
Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương giao bổ sung tới 7.126 chỉ tiêu (chủ yếu từ giáo dục và y tế xã, phường).
Trước đó, như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, theo báo cáo từ Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa, hiện toàn tỉnh có hơn 53.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong khi đó, năm học 2022-2023 toàn tỉnh có tổng số hơn 914.000 học sinh. Nếu tính theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo, nhu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên công lập năm học 2022-2023 là 63.088 người, trong đó giáo viên là 52.673.
Như vậy hiện thiếu 10.276 giáo viên (mầm non thiếu 4.510 giáo viên, tiểu học thiếu 4.011 giáo viên, trung học cơ sở thiếu 1.377, trung học phổ thông thiếu 378 giáo viên).
Còn tính theo quy định của tỉnh, nhu cầu đội ngũ cán bộ, giáo viên công lập là 59.332 người, trong đó có 48.881 giáo viên, thiếu 6.484 giáo viên so với số giáo viên hiện có (mầm non thiếu 2.036 giáo viên, tiểu học thiếu 3.241, trung học cơ sở thiếu 974, trung học phổ thông thiếu 233).
Việc thiếu giáo viên ở tất cả các bậc học đã và đang đặt ra cho ngành Giáo dục và đào tạo Thanh Hóa nhiều khó khăn và thách thức trong triển khai nhiệm vụ năm học mới.
Giải quyết bài toán thiếu giáo viên, năm học 2022-2023, tỉnh Thanh Hóa được giao bổ sung 1.681 biên chế. Trong đó, cấp mầm non là 818 biên chế, tiểu học 695 biên chế, trung học cơ sở 137 biên chế và trung học phổ thông là 31 biên chế.
Ngoài bổ sung biên chế, được biết, trong những năm qua,, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai một số giải pháp mang tính trước mắt để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, như: chuyển giáo viên hợp đồng đang dạy học tại cấp trung học cơ sở hoặc cấp tiểu học xuống cấp mầm non, hưởng chế độ tương đương viên chức; hợp đồng giáo viên thỉnh giảng…