Thầy cô phải “gồng gánh cho nhau” do trường thiếu giáo viên kéo dài

16/08/2022 06:53
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trước tình trạng một số trường thiếu giáo viên trong năm học mới, lãnh đạo Sở cho biết sẽ điều tiết bằng tuyển dụng mới hoặc luân chuyển giáo viên. 

Theo ghi nhận của phóng viên, trước thềm năm học mới, một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông vẫn đang thừa, thiếu giáo viên cục bộ, có trường 600 học sinh nhưng chỉ có 40 bộ máy tính để dạy môn Tin học. Về vấn đề này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ chủ động xây dựng kịch bản, đồng hành cùng nhà trường tháo gỡ khó khăn bước vào năm học mới.

Thiếu giáo viên nên thầy cô phải dạy tăng số tiết

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lục Ba (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) cho biết, đến thời điểm này, nhà trường chuẩn bị cơ bản về con người và vật chất chuẩn bị cho năm học mới 2022-2023. Song, chưa thể khắc phục những khó khăn tồn đọng.

“Khó khăn lớn nhất của trường là chưa có hướng giải quyết triệt để thiếu giáo viên. Năm học mới này, trường tiếp tục thiếu 2 giáo viên ở môn Toán học và Hoá học.

Do đó, tinh thần chung là các thầy, cô cơ hữu ở 2 bộ môn này sẽ phải “gồng gánh” cho nhau trong trường hợp không tuyển được giáo viên hợp đồng, hay không thực hiện được công tác luân chuyển.

Thực tế, điều này đã diễn ra trong vài năm gần đây do trường không đủ giáo viên. Giáo viên phải dạy tăng số tiết, vượt quá định mức. Điều này là không đúng quy định, nhưng nếu không dạy vượt quá số tiết thì trường không có giáo viên và làm ảnh hưởng quyền lợi được tham gia học tập của học sinh”, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lục Ba chia sẻ khó khăn.

Cũng theo vị Phó Hiệu trưởng, nhà trường gặp khó khăn trong quá trình cân đối, sắp xếp khoá biểu ở môn Tin học do chỉ có 1 phòng máy với 30 bộ máy tính, phục vụ cho trên 400 học sinh toàn trường. Với sĩ số 31-35 học sinh/lớp thì sẽ có trường hợp 2 học sinh chung 1 máy. Chưa kể có máy đã hỏng.

“Hơn 10 năm xây dựng và đi vào hoạt động, trường có hạng mục xuống cấp nhưng đến nay chưa thể sửa chữa. Đơn cử, mỗi khi mùa mưa lớn, sân trường đọng nước bẩn gây mất mỹ quan, di chuyển cũng rất khó khăn. Chưa kể, do trường không có nhà đa năng nên học sinh vẫn tập thể dục ở trên sân bất kể nắng, mưa. Để tạo thuận lợi cho thầy và trò, trường bố trí khu vực sân tập thể thao riêng. Tuy nhiên, do gần trường có công trình đang thi công nên mặt sân trường bị thấp, trũng xuống khoảng 1 mét, tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm.

Không những thế, tới đây, dự kiến số phòng học của trường không thể “tải đủ” học sinh. Bởi theo khảo sát, lượng học sinh lớp 5 chuyển lên lớp 6 đông hơn. Do đó, hiện tại, trường có 2 lớp 6 và năm học tới đây sẽ phải tăng lên 1 lớp trong năm học 2023-2024. Tăng lớp thì phải xây dựng thêm phòng học. Tuy nhiên, việc này là rất khó do phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm.

Cuối năm ngoái, trường đã có văn bản trình, cán bộ phụ trách cũng về thị sát thực tế nhưng đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể nào. Chính vì thế, năm học mới cận kề, không an tâm khi chứng kiến các hạng mục lần lượt xuống cấp, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn học đường cao, mới đây, trường tự bỏ kinh phí để tu sửa một phần sân trường với hy vọng tạo cảnh quan khang trang, an toàn đón năm học mới. Song, do không có điều kiện nên kinh phí chi ra rất "eo hẹp".

Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến tuyển dụng, luân chuyển giáo viên

Theo lãnh đạo một số trường trung học phổ thông của tỉnh Lạng Sơn, đối diện với bài toán thiếu giáo viên trong năm học mới, nhà trường chưa có kế hoạch mà sẽ chờ hướng dẫn cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Vũ Trí Hào, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vũ Lễ (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) cho hay, trường còn thiếu 3 giáo viên thì mới đảm bảo quá trình dạy học cho năm học mới.

“Bên cạnh việc chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị như kiểm tra, rà soát chất lượng các công trình, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, nhà trường đang rất trăn trở về đội ngũ nhân lực.

Năm học mới 2022-2023, trường thiếu 3 giáo viên ở các môn Toán và Công nghệ. Nguyên nhân là do một phần các thầy cô chuyển trường. Như mọi năm, với vị trí thiếu này, trường không có kế hoạch tuyển dụng giáo viên hợp đồng mà chỉ chờ phân công của Sở Giáo dục và Đào tạo”, thầy Vũ Trí Hào chia sẻ.

Theo thầy Vũ Trí Hào, việc bố trí nhân lực giáo viên sẽ hoàn toàn do Sở Giáo dục và Đào tạo phụ trách. Nhà trường chỉ có nhiệm vụ tham mưu, báo cáo những khó khăn về Sở để kịp thời được tháo gỡ.

Bên cạnh thiếu giáo viên, trường thiếu trang thiết bị, đặc biệt là phòng máy tính. Cụ thể, trường có 40 máy tính phục vụ cho hơn 600 học sinh. Con số này khiến phòng máy dễ trong tình trạng “quá tải”, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng đào tạo.

“Mong mỏi chung là trường sớm được ngành giáo dục quan tâm để bổ sung đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học, có kinh phí để chỉnh trang lại phần mái tôn của trường học do xuống cấp nhiều năm nay để thầy, trò yên tâm đến trường”, thầy Vũ Trí Hào tâm sự.

Trước những vướng mắc của các trường, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết đang hoàn thiện kế hoạch để kịp thời hướng dẫn các trường giải quyết khó khăn trước thềm năm học mới.

Cô Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cô Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Thời điểm này hàng năm, Sở chỉ đạo các trường báo cáo tình trạng về đội ngũ giáo viên, trang thiết bị gửi về Sở để kịp thời xây dựng kế hoạch hướng dẫn cụ thể.

Hiện tại, Sở đã nắm được tình hình thừa, thiếu giáo viên của các trường và đang trong quá trình dự thảo văn bản kế hoạch để gửi về trường sớm nhất.

Sắp tới, Sở sẽ tiến hành tuyển dụng giáo viên hoặc xem xét để luân chuyển giáo viên giữa các trường. Quá trình triển khai sẽ bám sát quy chế tuyển dụng, các tiêu chí để luân chuyển giáo viên được thực hiện đảm bảo đúng quy định và đủ đáp ứng nhu cầu nhân lực của từng trường, từng khu vực. Nguyên tắc tiến hành trên tinh thần không để trường nào thừa, thiếu quá nhiều giáo viên trong năm học tới”.

Qua chia sẻ của vị Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn, được biết, trước đó, Sở chỉ đạo các trường trên địa bàn toàn tỉnh khẩn trương rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị để báo cáo. Ngoài giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, những trường nào thiếu trang thiết bị dạy học đều sẽ được Sở quan tâm và bổ sung kịp thời.

“Đáng chú ý, năm học tới đây sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, những trường nào có học sinh đăng ký học các môn Âm nhạc, Mỹ thuật... nhưng không có giáo viên thì Sở sẽ điều động giáo viên dạy liên trường đối với các trường trung học phổ thông độc lập, và bố trí giáo viên trung học sở sở có sẵn để dạy lên cấp trung học phổ thông đối với trường nội trú”, cô Hà Thị Khánh Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn chia sẻ thêm.

Ngọc Mai