Cần có chính sách phù hợp để thu hút sinh viên theo học các ngành STEM
Tại Hội thảo khoa học: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, Toán học, thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nam, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Thái Nguyên có những chia sẻ về thực trạng đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực STEM.
Hội thảo khoa học: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, Toán học, thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”. |
Phó Giáo sư Nguyễn Danh Nam cho biết, quy mô và tỉ lệ sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM ở Việt Nam thấp hơn so với một số nước trong khu vực và châu Âu, đặc biệt thấp đối với các ngành khoa học và toán học.
Tính theo tỉ lệ dân số, số sinh viên đại học theo học các lĩnh vực STEM của Việt Nam chỉ đạt khoảng 55 sinh viên/vạn dân, thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực và châu Âu.
Tỉ lệ sinh viên theo học các lĩnh vực STEM tính trên tổng số sinh viên đại học của Việt Nam trong những năm gần đây dao động trong khoảng từ 27% - 30% và năm 2021 đạt khoảng 28,7%, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực và châu Âu như: Singapore (46%), Malaysia (50%), Hàn Quốc (35%), Phần Lan (36%), Đức (39%).
Trước thực trạng này, Việt Nam cần có lộ trình tăng tỉ lệ sinh viên theo học ngành STEM lên khoảng 60% để đào tạo nguồn tài năng thuộc lĩnh vực STEM, làm xúc tác cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong 3 năm trở lại đây, quy mô tuyển mới đại học các ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực STEM ở nước ta tăng khá nhanh, tuy nhiên chủ yếu do các lĩnh vực có nhu cầu nhân lực lớn từ công nghiệp như máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kiến trúc và xây dựng.
Trong giai đoạn 2019-2022, số tuyển mới sinh viên đại học các ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung của thế giới là 6,5%.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nam chia sẻ tại Hội thảo. |
Ba lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hằng năm mạnh nhất là máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), công nghệ kỹ thuật (10,6%) và kiến trúc và xây dựng (10,2%), thể hiện rõ nhất xu hướng nhu cầu nhân lực của các ngành kinh tế được quan tâm đầu tư và có mức tăng trưởng vượt trội (các ngành có mức tăng trưởng cao nhất liên quan tới chuyển đổi số, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp cơ khí-ô tô, tự động hóa sản xuất, phát triển hạ tầng và logistics).
Đối với lĩnh vực toán học và thống kê, mức tăng trưởng đạt khoảng 22,6% (bao gồm các ngành toán ứng dụng, toán tin và khoa học dữ liệu). Các ngành này đều có liên quan đến chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và cả nước.
Các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật có mức tăng trưởng khoảng 5,3%, thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của các ngành thuộc các lĩnh vực STEM.
Bên cạnh đó, riêng lĩnh vực khoa học sự sống lại có mức tăng trưởng âm, khoảng -2,5%.
Về số sinh viên theo học các lĩnh vực STEM trên 10000 dân, Việt Nam có tỉ lệ tương đối thấp so với các nước khi chỉ đạt 55 sinh viên/10000 dân.
Do đó, Phó Giáo sư Nguyễn Danh Nam cho rằng, chúng ta cần làm tốt hơn việc định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh phổ thông và có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút sinh viên theo học các ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực STEM trong thời gian tới.
Thầy Nam thông tin, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có khoảng 172 cơ sở đào tạo tham đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực STEM, tuy nhiên có sự khác biệt rất lớn về quy mô đào tạo, số lượng và trình độ đội ngũ giảng viên, chất lượng tuyển sinh đầu vào giữa các trường đại học.
Cụ thể có khoảng 30 cơ sở giáo dục đại học (chiếm 20%) có quy mô đào tạo lớn hơn 6.000 sinh viên STEM và đóng góp gần 75% tổng số sinh viên STEM của cả nước. Trong khi đó, 75 cơ sở giáo dục đại học khác (chiếm 50%) có quy mô đào tạo nhỏ hơn 1.000 sinh viên và chỉ đóng góp dưới 5% tổng số sinh viên STEM toàn quốc.
Tổng số giảng viên tham gia đào tạo trình độ đại học các ngành STEM là 24.880 người, tỉ lệ sinh viên đại học/ giảng viên là 25,4:1, tương đương mức trung bình chung của tất cả lĩnh vực đào tạo khác.
Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là 14.576 người, chiếm tỉ lệ 35,1% (cao hơn tỉ lệ chung xấp xỉ 32% của tất cả lĩnh vực), tuy nhiên tỉ lệ này chênh lệch rất lớn giữa các cơ sở đào tạo.
Đáng chú ý là 30 cơ sở giáo dục đại học đầu mối có đội ngũ giảng viên tiến sĩ lớn nhất đã đóng góp gần 75% số giảng viên có trình độ tiến sĩ tham gia đào tạo các ngành STEM, nhưng chỉ đào tạo xấp xỉ 68% số sinh viên STEM trong toàn quốc.
Về đào tạo sau đại học, quy mô đào tạo sau đại học các lĩnh vực STEM của nước ta cũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với các nước phát triển và chiếm tỉ trọng rất thấp trong tổng quy mô đào tạo các trình độ thuộc các lĩnh vực STEM cũng như tổng quy mô đào tạo của tất cả các lĩnh vực.
Theo số liệu thống kê năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số người học sau đại học thuộc các lĩnh vực STEM tính trên một vạn dân của Việt Nam đạt 2,2 người, chỉ xấp xỉ bằng 1/7 so với Hàn Quốc và Israel, chưa bằng 1/10 so với Singapore, 1/15 so với mức trung bình khối Liên minh Châu Âu và 1/20 so với Đức và Phần Lan.
Tính trên tổng quy mô đào tạo các trình độ của các ngành thuộc lĩnh vực STEM, quy mô đào tạo sau đại học năm 2021 chỉ chiếm tỉ trọng xấp xỉ 3,6%, thấp hơn mức trung bình chung 5,6% tính theo tất cả lĩnh vực.
Chú trọng đến đặc trưng STEM và quốc tế hóa
Tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc Gia Thành Phố Hồ Chí Minh đã chia sẻ về “Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM: Kinh nghiệm tại Trường Đại học Bách Khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”.
Phó Giáo sư Bùi Hoài Thắng cho biết, trong những năm gần đây, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp tổng thể để nâng cao đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học (STEM).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh. |
Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện 3 giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực STEM.
Giải pháp thứ nhất là cấu trúc chương trình đào tạo chú trọng đến đặc trưng STEM và quốc tế hóa.
Nhà trường tái cấu trúc chương trình đào tạo của các ngành của trường theo triết lý giáo dục “Khai phóng – Tiên phong – Sáng tạo”, đa ngành, liên ngành, cung cấp cho người học kỹ năng và tư duy khám phá, định vị bản thân, thích ứng với tiêu chuẩn mới của bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Cụ thể, một chương trình đào tạo bao gồm: Khối kiến thức liên ngành; Khối kiến thức Toán và Khoa học tự nhiên; Một số tín chỉ tự chọn tự do, không ràng buộc vào ngành học của sinh viên, cho phép sinh viên chọn học theo các hướng: học sâu, học rộng, học cao; Các học phần thực tập ngoài trường tại các doanh nghiệp; Các học phần tốt nghiệp, thực hiện trong 02 học kỳ.
Ngoài ra, trường còn yêu cầu tất cả các học phần “lý thuyết” đều có tỷ lệ thành phần thực hành/thực tập/bài tập lớn/đồ án thành phần chiếm khoảng 1/3 khối lượng học tập của học phần để gia tăng trải nghiệm của sinh viên, nâng cao năng lực thực hành, thực tập, nâng cao kỹ năng người học và gia tăng chất lượng chuyển hoá nội dung học tập trở thành kiến thức và năng lực cá nhân.
Để phù hợp với bối cảnh quốc tế và chiến lược quốc tế hóa, nhà trường đã tăng cường các chính sách hỗ trợ cải tiến chương trình.
Giải pháp thứ hai là giảng viên nước ngoài và công tác trao đổi giảng viên, sinh viên.
Nhà trường chú trọng đẩy mạnh chính sách quốc tế hóa trong giáo dục đại học theo xu hướng “at home”.
Quốc tế hóa giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo ra những công dân toàn cầu, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập và các nhà khoa học, giáo sư giỏi trên thế giới đến làm việc, nghiên cứu tại Việt Nam; đồng thời nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục.
Ngoài ra, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng chính sách phát triển hoạt động đối ngoại để các đơn vị thực hiện. Các chính sách thúc đẩy hoạt động đối ngoại của Trường tập trung vào 03 lĩnh vực chính là đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Giải pháp thứ ba là kiểm định quốc tế.
Về kiểm định cấp cơ sở đào tạo, trường đã đạt kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA và chuẩn kiểm định HCERES vào năm 2017 và đang tái kiểm định năm 2023.
Về kiểm định cấp chương trình đào tạo, trong năm 2021 và năm 2022, Nhà trường đã có 05 chương trình đào tạo đạt kiểm định theo tiêu chuẩn AQAS, 11 chương trình đào tạo đạt kiểm định theo tiêu chuẩn ASIIN và 02 chương trình đào tạo đạt kiểm định theo tiêu chuẩn FIBAA.
Tính đến tháng 07/2023, Nhà trường đã có tổng cộng 52 chương trình đào tạo (48 chương trình đào tạo bậc đại học; 04 chương trình đào tạo bậc thạc sĩ) đạt kiểm định chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn kiểm định quốc tế khác nhau.
Cùng với đó, trường tăng cường củng cố và gia tăng chất lượng đào tạo, gắn chặt chẽ các chương trình đào tạo với nhu cầu của xã hội, đẩy mạnh công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định quốc tế, đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp và người sử dụng lao động trong công tác đào tạo và việc làm, giữ vững và tăng cường công tác cựu sinh viên, mở rộng và tăng cường chất lượng các chương trình tiếng Anh, thu hút người nước ngoài đến học tại trường, đẩy mạnh các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên với các trường hàng đầu thế giới.