Sơn La kiến nghị Bộ Giáo dục phê duyệt danh mục SGK cùng một thời điểm

20/02/2023 11:14
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phê duyệt cùng thời điểm sẽ thuận lợi cho các địa phương lựa chọn SGK đồng bộ và đảm bảo ban hành đúng thời gian trước khi vào năm học mới.

Chất lượng giáo dục ở tỉnh nghèo đang dần vươn lên

Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã có báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La.

Theo báo cáo, chất lượng giáo dục đang dần được nâng lên, đội ngũ giáo viên từng bước được chuẩn hoá, cơ sở vật chất được cải thiện.

Về quy mô, mạng lưới trường lớp: Tỉnh Sơn La có 610 trường mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên với 375.411 học sinh (có 15 trường mầm non, 01 trường tiểu học, 01 trường Tiểu học-Trung học cơ sở-Trung học phổ thông ngoài công lập).

Chất lượng giáo dục ở vùng khó tỉnh Sơn La đang từng bước được cải thiện. Ảnh minh họa: LC

Chất lượng giáo dục ở vùng khó tỉnh Sơn La đang từng bước được cải thiện. Ảnh minh họa: LC

Về đội ngũ: Cấp tiểu học có tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là 8.519 người; Tỷ lệ giáo viên/lớp cấp tiểu học đạt 1,38 giáo viên/lớp; cấp trung học cơ sở có số lượng người làm việc là: 5.647 (cán bộ quản lý: 455; giáo viên: 4.663; nhân viên: 529); cấp trung học phổ thông có số lượng người làm việc hiện có: 2.201 (cán bộ quản lý: 163; giáo viên: 1.849; nhân viên: 189).

Công tác phổ cập giáo dục bắt buộc đối với cấp tiểu học được củng cố, nâng cao chất lượng. Tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,91%.

Đến hết năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 533/610 trường, tương đương với 87,37% cơ sở giáo dục đã hoàn thành công tác tự đánh giá, trong đó có 386/610 tương đương 63,27% cơ sở giáo dục được đánh giá ngoài. Toàn tỉnh đã có 56,52% cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia, vượt chỉ tiêu theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng được nâng cao.

Việc ban hành văn bản của địa phương về chương trình, sách giáo khoa mới theo các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương để triển khai Nghị quyết 88, Nghị quyết 51 đã được thực hiện đầy đủ theo quy định, đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương.

Tuy nhiên số lượng giáo viên còn thiếu, cơ sở, trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy còn nhiều thiếu thốn, nhiều nhà tạm, nhà bán kiên cố đã và đang xuống cấp nên chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu.

Các trường còn gặp nhiều khó khăn trong vận động các em đến tuổi đi học đến trường.

Sách giáo khoa còn đắt so với điều kiện của người dân

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, tỉnh Sơn La gặp khó khăn khi thiếu biên chế giáo viên và thiếu nguồn tuyển giáo viên Tin học, Tiếng Anh ở cấp tiểu học; môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mĩ thuật) ở cấp trung học phổ thông.

Nhiều nơi, đặc biệt là các địa phương vùng khó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học, thiết bị thí nghiệm... còn thiếu, một số trường chưa có phòng học bộ môn; nhiều trường thiết bị dạy học không đầy đủ, không đồng bộ.

Việc chuẩn bị về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh còn nhiều khó khăn: Số lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định. Đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu, nhất là đối với cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông - khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có một số môn học mới.

Việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của một bộ phận giáo viên còn yếu; việc tiếp cận thông tin của giáo viên vùng khó khăn còn hạn chế.

Ngân sách nhà nước đầu tư chung cho giáo dục đào tạo hạn chế nên điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông vẫn còn nhiều khó khăn.

Phòng học, phòng bộ môn đáp ứng yêu cầu của chương trình mới còn thiếu.

Thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu chỉ đạt từ 46% đến 81% tùy từng cấp.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với cấp tiểu học phải dạy học 02 buổi/ngày. Đây chính là áp lực cho địa phương về việc chuẩn bị cơ sở vật chất.

Đầu tư xây dựng trường lớp không thể thực hiện đồng loạt cho tất cả các cơ sở giáo dục mà phải thực hiện theo lộ trình, quy hoạch...

Đối với cấp học trung học cơ sở, với các môn học tích hợp, giáo viên phải tham gia bồi dưỡng, đào tạo để dạy liên môn, tích hợp (trước đây giáo viên chỉ được đào tạo chuyên sâu một môn).

Đối với cấp trung học phổ thông ngoài các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc thì học sinh được lựa chọn các môn học phù hợp với sở trường, năng lực của bản thân. Tuy nhiên, thực tế do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng nên đã ảnh hưởng tới việc lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp của các em.

Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục ở Sơn La đã có cải thiện song còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: LC

Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục ở Sơn La đã có cải thiện song còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: LC

Về sách giáo khoa, báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cho thấy, tiêu chí để hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của tỉnh đưa ra khi lựa chọn là: Sách phải bảo thuận tiện, hiệu quả đối với giáo viên.

Ví dụ như: Cách thiết kế bài học/chủ đề trong sách giáo khoa phải hỗ trợ, tạo điều kiện để giáo viên dễ dạy, dễ lựa chọn phương án, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực và kiểm tra, đánh giá; nhiều nội dung, chủ đề kiến thức phong phú đảm bảo mục tiêu phân hóa, nhiều hình thức và phương pháp đánh giá; nguồn tài nguyên, học liệu điện tử bổ sung cho sách giáo khoa đa dạng, phong phú, hữu ích, dễ khai thác, sử dụng.

Nhìn chung, chất lượng sách giáo khoa được nâng lên, tuy nhiên giá của các bộ sách theo chương trình mới cơ bản đều tăng so với sách giáo khoa theo chương trình hiện hành.

Vì thế, đối với vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh, việc mua sắm sách giáo khoa cho năm học mới gặp nhiều khó khăn.

Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cũng đánh giá: một số nhà xuất bản chưa đảm bảo tiến độ trong biên soạn sách giáo khoa, dẫn tới việc phê duyệt một số đầu sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo sát với thời điểm trước 5 tháng so với năm học mới, gây khó khăn về thời gian cho công tác tổ chức họp hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh.

Biên soạn tài liệu giáo dục địa phương là công việc mới đối với các tỉnh; cán bộ tham gia biên soạn, thẩm định chưa có kinh nghiệm nên gặp những khó khăn nhất định trong tổ chức triển khai thực hiện, tiến độ từng giai đoạn công việc theo kế hoạch nhiều khi không đảm bảo.

Trong công tác phối hợp biên soạn, tác giả trung ương có nghiệp vụ viết sách nhưng không am hiểu về địa phương, tác giả địa phương chưa có nhiều kinh nghiệm về nghiệp vụ viết sách giáo khoa, do vậy công tác biên soạn gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo tiến độ.

Công tác xuất bản tài liệu giáo dục địa phương gặp khó khăn, vướng mắc do thiếu các quy định cần thiết, cụ thể về xuất bản, in ấn và phát hành, gây khó khăn cho địa phương trong triển khai xuất bản, in ấn, phát hành.

Kiến nghị phê duyệt sách giáo khoa cùng thời điểm

Trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La, cũng đã nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan Trung ương, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đồng thời nêu ra bài học kinh nghiệm trong việc triển khai các nghị quyết trên.

Theo đó, Sơn La đã nêu ra những nhóm giải pháp về xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật; nhóm giải pháp về quản lý nhà nước và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nhóm giải pháp về đầu tư nguồn lực cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông.

Trên cơ sở thực tế tại địa phương, Sơn La đã có những kiến nghị với cơ quan Trung ương và địa phương.

Cụ thể, đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Sơn La kiến nghị có chính sách ưu tiên, khuyến khích trong đào tạo các ngành sư phạm, đặc biệt là sư phạm Ngoại ngữ, Tin học nhằm giải quyết bài toán khó khăn trong nguồn tuyển, thiếu nhiều giáo viên trong cả nước nói chung, tại Sơn La nói riêng.

Có chính sách đặc thù ưu tiên đối với giáo viên dạy Tin học, Ngoại ngữ công tác tại vùng đặc biệt khó khăn nhằm tuyển dụng đủ giáo viên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Dành cho các tỉnh miền núi, nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng có nhiều học sinh dân tộc thiểu số các đề án, dự án tăng cường cơ sở vật chất hướng tới đáp ứng điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đối với Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương, Sơn La đề nghị giao đủ biên chế, số lượng cấp phó các đơn vị sự nghiệp giáo dục theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.

Giá các bộ sách giáo khoa theo chương trình mới còn cao so với thu nhập của người dân. Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Giá các bộ sách giáo khoa theo chương trình mới còn cao so với thu nhập của người dân. Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Không thực hiện cắt giảm biên chế hàng năm theo lộ trình đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy theo quy định.

Đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, cho phép người tham gia tuyển dụng được đăng ký 2 nguyện vọng trở lên.

Đề nghị Chính phủ có chế độ ưu tiên đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong việc sử dụng sách khoa mới với giá thành rẻ hoặc cấp cho thư viện trường học để học sinh mượn sử dụng miễn phí.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sơn La kiến nghị Bộ ban hành các quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông cùng thời điểm, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương lựa chọn sách giáo khoa đồng bộ và đảm bảo ban hành trước tối thiểu 05 tháng so với thời điểm bắt đầu năm học mới.

Ưu tiên các nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án... hoặc đề xuất Chính phủ có chương trình, đề án ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương, đặc biệt là các địa phương khó khăn như Sơn La để mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu cho giáo dục mầm non và phổ thông, theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Hướng dẫn giảm tiết dạy (hoặc có chính sách hỗ trợ phù hợp); có hướng dẫn cụ thể về chế độ đối với giáo viên dạy liên trường (định mức, phụ cấp phù hợp), đặc biệt tại các địa phương có nhiều điểm trường lẻ, địa hình chia cắt và giao thông đi lại khó khăn như Sơn La.

Chỉ đạo các nhà xuất bản tăng số lượng sách mẫu bản giấy (ngoài bản sách mẫu điện tử) cho các trường để cho giáo viên tham gia nghiên cứu, đánh giá. Thời gian cung cấp các bản mẫu sớm hơn để giáo viên có thời gian nghiên cứu tạo cơ sở cho việc lựa chọn sách giáo khoa.

Hỗ trợ địa phương về chuyên môn, kĩ thuật thực hiện biên soạn nội dung giáo dục địa phương; sớm tổ chức các hội thảo tập huấn định hướng phương pháp tích hợp nội dung giáo dục địa phương trong hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp...

Có hướng dẫn hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác xuất bản, phát hành tài liệu giáo dục địa phương sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.

Đề nghị ban hành, sửa đổi Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT, trong đó quy định rõ về thành phần, quy trình tham gia nhận xét, đánh giá, bỏ phiếu đề xuất lựa chọn sách giáo khoa tại tổ chuyên môn để đảm bảo thống nhất trong thực hiện; sửa đổi số lượng đầu sách được cơ sở giáo dục đề xuất, có thể nhiều hơn 01 đầu sách/môn tại Điều 8, Thông tư 25 nhằm phù hợp với các môn học có nhiều phân môn; bổ sung quy định và hướng dẫn cụ thể nhà trường tổ chức lựa chọn lại/bổ sung sách giáo khoa sau khi có danh mục của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành để phục vụ năm học.

Công tác đăng ký đầu sách sử dụng tại cơ sở giáo dục, đặc biệt đối với những môn học lựa chọn cấp trung học phổ thông cần phù hợp thực tiễn, đảm bảo sau khi thực hiện công tác tuyển sinh, lựa chọn tổ hợp của học sinh, qua đó có số liệu cụ thể thông báo với các nhà xuất bản cung ứng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hướng dẫn thêm về nguồn kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định Luật Giáo dục 2019 và dạy các môn tích hợp.

Lại Cường