Kỳ 5: Cựu lính biển làm ngư dân và những chuyện bây giờ mới kể
…. Nguy hiểm và mất mát trên biển nhưng những ngư dân trên tàu cá luôn được tiếp sức mạnh từ những cựu lính hải quân để họ cứng cáp hơn vững mạnh hơn với sóng gió.
Từ khi sinh ra, những người ngư dân đã sống với biển, lớn lên, một phần trong số họ trở thành những người lính hải quân bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Nay rời quân ngũ nhưng họ luôn ra khơi trong tâm thế của một người lính biển, đó không phải là sự nghiêm ngặt, kỷ luật thép mà đó là sự tôn nghiêm với chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ra khơi trong ký ức của người lính biển
Trong 17 thuyền viên trên con tàu cá NA 90567 TS mà chúng tôi đi cùng thì có 4 người là cựu lính hải quân và 2 ngư dân khác từng phục vụ trong quân đội.
Tất cả những người ngư dân này từ nhỏ đã sống với biển và lớn lên nhờ biển. Hầu hết tất cả đều từ khi còn là đứa trẻ mới 11, 12 tuổi đã theo cha, theo anh ra với biển khơi để đánh bắt cá, mực...
Rồi khi trở thành những thanh niên trai tráng những ngư dân này lại theo tiếng gọi của Tổ quốc tình nguyện lên đường nhập ngũ để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.
Những người ngư dân luôn ra khơi trong tâm thế những người lính biển (ảnh Xuân Hòa) |
Giờ đây khi đã rời quân ngũ nhưng mỗi lần ra khơi những người ngư dân từng ở trong quân ngũ vẫn giữ được nề nếp của một người lính.
“Tôi đi lính hải quân từ năm 1992 đến năm 1995 và tôi luôn nhớ đến những ngày tháng quân ngũ đó. Đó là khoảng thời gian chúng tôi đứng trên cương vị những người bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nay quay về với cuộc sống của người ngư dân bình thường nhưng mỗi lần ra khơi là chúng tôi đều tâm niệm ra khơi để khẳng định chủ quyền của đất nước trên biển.
Thuyền trưởng Trần Văn Định đã có 4 năm phục vụ trong lực lượng hải quân và giờ về với cuộc sống của người ngư dân anh lại được thuyền viên trên tàu tín nhiệm làm thủ lĩnh mỗi lần ra khơi (ảnh Xuân Hòa) |
Với chúng tôi, khi mới sinh ra đã gắn liền với biển việc bảo vệ biển, đảo của đất nước cũng chính là đang bảo vệ đời sống của chúng tôi”, thuyền trưởng Trần Văn Định (nguyên là lính Hải quân tàu HQ 683, Lữ đoàn 161 vùng 3 Hải quân) nói.
Từng có 3 năm phục vụ tại Tiểu đoàn 355, Hải quân vùng 3, thuyền viên Trần Ngọc Thành chân thành chia sẻ: “Trước khi đi lính hải quân tôi cũng đã là một ngư dân lão làng với kinh nghiệm ra khơi từ khi mới 12 tuổi.
Nhưng những ngày trong quân ngũ tôi mới hiểu được ý nghĩa của việc giữ chủ quyền biển, đảo. Giờ đã rời quân ngũ và về với cuộc sống ngư dân tôi vẫn luôn quan niệm ra khơi là để khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
Chúng tôi giữ được chủ quyền biển đảo của đất nước đó cũng chính là đang bảo vệ cho con cháu ngư dân chúng tôi một tài sản khổng lồ mà cha ông đã có công gây dựng lên”.
Tiếp nối các bậc đàn anh thuyền viên Trần Đạt cũng vừa trở về sau khi hoàn thành nghĩa vụ trong lực lượng hải quân (ảnh Xuân Hòa) |
Tiếp bước đàn anh thuyền viên Trần Đạt (SN 1989) và Trần Hải Long (SN 1986) cũng đã có 3 năm phục vụ trong lực lượng hải quân và vừa xuất ngũ trở về quê họ lại bám biển để làm những cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ươm mầm những người lính biển nhí
Mỗi khi tàu ra khơi công việc của các thuyền viên đều được giao kỹ càng và theo đó để thực hiện.
Thuyền viên Hồ Văn Toàn tranh thủ ra biển đánh bắt những ngày nghỉ hè với mong muốn có tiền tiếp tục ăn học để có cơ hội thi vào Trường sĩ quan Hải quân (ảnh Xuân Hòa) |
Các thuyền viên làm việc theo đúng nhiệm vụ mình được giao mà không cần phải nhắc nhở. Nơi ăn, nơi ngủ của các thuyền viên cũng được giao cụ thể và cấm người khác xâm phạm đến.
Trên con tàu có những ngăn đựng đồ riêng của các thuyền viên, đó cũng được xem là góc riêng tư nên không ai được phép xâm phạm nếu chưa có ý kiến. Mọi hoạt động đều phải nghe theo người chỉ huy trên tàu là thuyền trưởng.
“Kỷ luật trên tàu giữa biển khơi cần phải nghiêm vì giữa biển khơi chỉ cần không hiểu ý nhau sẽ rất khó để làm việc và có thể gặp nguy hiểm.
Nghề sống nơi biển cả mênh mông nhiều lúc sống chết phụ thuộc vào tinh thần tập thể nên mọi người đoàn kết, tôn trọng nhau thì mọi việc đều suôn sẻ.
Việc này cũng giống như trong quân đội nên lâu dần chúng tôi đã tạo được thói quen đó cho các thuyền viên. Chúng tôi cũng không cứng nhắc mà chỉ căn dặn các thuyền viên nếu có ai đó chưa thực hiện đúng”, thuyền trưởng Định cho biết.
Được chỉ huy bởi một người là cựu lính hải quân nên mọi thuyền viên hoạt động trên tàu cá NA 90567 TS đều được giao nhiệm vụ cụ thể trong những lần ra khơi đánh bắt (ảnh Xuân Hòa) |
Cũng chính thói quen kỷ luật trên tàu cá được rèn luyện từ những người từng phục vụ trong quân đội đã giúp ươm mầm nhiều thuyền viên thế hệ sau muốn tiếp bước trở thành những người lính hải quân.
Trên tàu cá chúng tôi đi có thuyền viên nhỏ tuổi Hồ Văn Toàn (SN 1998, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Đức Mẫu, Quỳnh Lưu) cũng đã ấp ủ niềm mơ ước trở thành người lính biển.
Mới 11 tuổi, Toàn đã theo người bố của mình ra khơi đánh bắt cá. Kể từ ngày đó Toàn đã ấp ủ ước mơ trở thành một người lính biển, đó cũng là mong mỏi của bố em.
Để thực hiện được ước mơ đó Toàn cố gắng học tập, với nỗ lực của mình năm 2014, em được đại diện cho trường dự thi học sinh giỏi môn Tin học tỉnh Nghệ An.
Nhưng đầu năm 2015, cơn bạo bệnh đã cướp đi người bố của em. Toàn thương mẹ nhà nghèo, còn phải nuôi mình và 2 đứa em ăn học nên tranh thủ nghỉ hè em xin ra khơi cùng các chú, các bác.
Mong muốn của Toàn ra khơi theo tàu cá là để có tiền về đi học với quyết tâm thi đậu vào Trường sĩ quan Hải quân, trở thành một người lính biển như ước mơ của chính em và mong mỏi của bố em.
“Mong muốn trở thành người lính hải quân đã được thắp lên trong em từ ngày bố cho em theo ra biển đánh cá. Nay bố mất đi em muốn ra biển những ngày nghỉ hè để có tiền học tiếp và thực hiện ước mơ thi vào Trường sĩ quan Hải quân. Bởi đó cũng là mong mỏi của bố em trước lúc qua đời” Toàn chia sẻ.
Do đặc thù người dân chủ yếu theo nghề ngư dân quen với cuộc sống trên biển từ nhỏ nên hàng năm xã Quỳnh Long có hàng chục trai tráng nhập ngũ phục vụ trong lực lượng hải quân.
Trong số đó có không ít người đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Điển hình như trường hợp liệt sỹ Trần Văn Minh hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988 tại quần đảo Trường Sa.
Những người ngư dân sinh ra từ biển rồi lớn lên cùng nhờ biển nên họ luôn sẵn sàng nhập ngũ làm lính hải quân bảo vệ biển, đảo đất nước.
Hết quân ngũ họ lại trở về quê hương theo các con tàu ra khơi nên hiện hầu hết các tàu cá tại huyện Quỳnh Lưu đều có các thuyền viên từng phục vụ trong lực lượng Hải quân.