Sứ mệnh giáo dục của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên đối với địa phương vùng cao

01/10/2024 06:16
Trần Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Phân hiệu ĐH Thái Nguyên tại Lào Cai, Hà Giang gánh vác vai trò góp phần phát triển KT-XH và bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiều địa phương vùng khó.

Không chỉ mang nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng nhân tài, hai Phân hiệu của Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai và tỉnh Hà Giang gánh vác vai trò góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiều địa phương vùng khó.

Các sinh viên vùng sâu, vùng xa, người dân tộc thiểu số không còn phải vượt hàng trăm cây số xuống dưới xuôi học đại học, mà có thể học tập ngay tại địa phương.

“Cánh tay nối dài” của Đại học Thái Nguyên

Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai được thành lập theo Quyết định số 6189/QÐ-BGDÐT ngày 24/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo.

Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Phân hiệu cho biết: “Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai có sứ mạng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, có năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ vào thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Bắc và cả nước.

Triết lý giáo dục của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai là "Trách nhiệm - Thực nghiệm - Kiến tạo - Phát triển". Đến năm 2030, trở thành cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, uy tín, chất lượng; là trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ hiện đại”.

IMG_0096.jpeg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai. Ảnh: website trường.

Hiện tại, việc tuyển sinh tại Phân hiệu vẫn đang diễn ra ổn định, có tăng trưởng qua từng năm.

Năm 2024, Phân hiệu tuyển sinh 930 chỉ tiêu (tăng 90 chỉ tiêu so với năm 2023) bao gồm 09 chương trình đào tạo trình độ đại học, bao gồm: Chăn nuôi; Khoa học cây trồng; Quản lý Tài nguyên và Môi trường; Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành; Giáo dục Mầm non; Giáo dục Tiểu học (Chương trình đại trà); Giáo dục Tiểu học (Chương trình tiếng Anh); Ngôn ngữ Trung Quốc; Kinh tế và 01 chương trình đào tạo cao đẳng Giáo dục Mầm non.

Trong đó, có 2 chương trình đào tạo là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và Quản lý tài nguyên và môi trường đã được Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn chương trình đào tạo theo AUN-QA.

Đồng thời, Phân hiệu cũng phối hợp với Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên tuyển sinh ngành Ngôn ngữ Anh trình độ đại học.

455694937_1104855234695633_3381192152148291543_n.jpg
Khuôn viên hiện đại của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai. Ảnh: NTCC.

Theo thầy Nguyễn Mạnh Hà, để phát triển bền vững, Phân hiệu luôn không ngừng cải tiến, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Phân hiệu đã không ngừng đổi mới chương trình đào tạo của các ngành; cải tiến chương trình đào tạo theo hướng đổi mới khung chương trình, chi tiết các học phần, bổ sung các học phần mới, đặc biệt là các kỹ năng mềm.

Nhà trường cũng nghiên cứu tham khảo về mục tiêu chương trình đào tạo, khối lượng học tập, cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo của các trường đại học trong nước và quốc tế, để từ đó đề xuất các ý kiến tham khảo chuyên gia và việc điều tra, khảo sát thu thập thông tin từ các bên liên quan.

Ngoài ra, nhà trường đã đầu tư, nâng cấp, trang bị cơ sở vật chất hiện đại nhằm đảm bảo một môi trường tốt nhất đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu cho sinh viên.

66194878_2242054762516680_3718935598044545024_n.jpg
Những giống lan quý hiếm được ươm trồng trong nhà kính của trường. Ảnh: NTCC.

Việc học tập tại Phân hiệu sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên vì không phải di chuyển xa, tiết kiệm nhiều chi phí và có nhiều chế độ cho sinh viên.

Ngoài ra, nhà trường cũng có giải pháp hỗ trợ sinh viên về chỗ ăn, ở đồng thời, liên hệ với các hiệp hội, tập đoàn, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có nhu cầu tuyển dụng để tạo điều kiện làm thêm, thực hành cũng như việc làm sau này.

Để học sinh có cơ hội học tập nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong và ngoài tỉnh, Phân hiệu cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho sinh viên như: miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí sinh hoạt, hưởng học bổng khuyến khích học tập và các khoản hỗ trợ theo quy định của Nhà nước.

Với môi trường đào tạo năng động, được trang bị một cách toàn diện, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao; đồng thời, tham gia tích cực vào nhiệm vụ nghiên cứu, tư vấn, thẩm định khoa học.

456916784_1110923714088785_5487516549182911252_n.jpg
Khu vực phòng thí nghiệm của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai. Ảnh: NTCC.

Năm học vừa qua, Phân hiệu có 27 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trong đó: 1 đề tài cấp Nhà nước, 1 đề tài cấp Bộ, 3 đề tài cấp tỉnh, 22 đề tài cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, Phân hiệu còn ký kết hợp tác và chuyển giao khoa học công nghệ với nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh; hợp tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ với nhiều trường đại học có uy tín của các nước, như: Trung Quốc, Australia, Philippine, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Israel…

Là thành viên trẻ tuổi nhất của Đại học Thái Nguyên, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang được thành lập theo Quyết định số 456/QĐ-BGDĐT ngày 10/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang.

Việc thành lập Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là sự kiện được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang cũng như các tỉnh trong khu vực mong đợi.

Đây là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại tỉnh Hà Giang theo chủ trương sắp xếp, tinh gọn các trường cao đẳng, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025.

A4- Đại học Thái Nguyên.jpg
Phân hiệu Ðại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang là nơi học tập của con em đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: NTCC.

Theo Tiến sĩ Lục Quang Tấn - Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang, Phân hiệu được giao trọng trách là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học, cung cấp dịch vụ về đào tạo, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và các loại hình đào tạo khác, là cơ sở nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh Hà Giang và các tỉnh lân cận; liên kết trong nước, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Mục tiêu đặt ra là xây dựng được Phân hiệu nằm trong hệ thống giáo dục đại học mở, chất lượng, hiệu quả, phục vụ học tập suốt đời và giúp cho con em đồng bào dân tộc tỉnh Hà Giang và các tỉnh lân cận tiếp cận được giáo dục đại học; thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, tạo nguồn lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và khu vực; triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội và tham gia trong nghiên cứu, tư vấn, phản biện, kiến nghị chính sách về phát triển bền vững kinh tế – xã hội cho tỉnh và khu vực.

412377945_760423782789614_4748359295171184112_n.jpg
Tiến sĩ Lục Quang Tấn - Giám đốc Phân hiệu Ðại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang. Ảnh: NTCC

Mùa tuyển sinh năm 2024, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang tuyển sinh gần 1.000 chỉ tiêu cho 11 ngành trình độ đại học và 1 ngành trình độ cao đẳng.

Cụ thể, Phân hiệu chủ trì đào tạo ngành Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non hệ đại học, Giáo dục Mầm non hệ cao đẳng. Năm 2024, Phân hiệu có thêm 2 ngành mới là Sư phạm tiếng H'MôngNgôn ngữ Trung Quốc.

Đồng thời, Phân hiệu phối hợp với các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên như: Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Nông lâm, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp mở đa dạng các chuyên ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận.

Cũng theo thầy Lục Quang Tấn, tuy mới thành lập, nhưng được sự quan tâm của tỉnh Hà Giang và sự hỗ trợ của Đại học Thái Nguyên về trang thiết bị học tập, Phân hiệu đã đầu tư kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất của trường.

Với gần 100 cán bộ, giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy học sinh vùng cao, các thầy cô không chỉ vững chuyên môn mà còn hiểu phong tục tập quán, có nhiều thời gian quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ cho sinh viên.

8d3276cf-b9de-4930-b8e4-e29887014886-8828.jpg
Nhiệm vụ trước hết của Phân hiệu là ưu tiên tập trung đào tạo những nhóm ngành thuộc khối sư phạm, để khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên hiện nay của Hà Giang. Ảnh: NTCC.

Vượt ngàn chông gai để phát triển

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, bên cạnh cơ sở vật chất không thể sánh bằng các trường đại học ở thành phố lớn, khó khăn của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai là nằm trên vùng cao có điều kiện kinh tế khó khăn, học sinh đa số là người dân tộc thiểu số.

“Hiện tại, toàn trường có 1.512/2.057 sinh viên người dân tộc thiểu số. Những trở ngại trong tiếp cận giáo dục của các em khiến chương trình đào tạo phải có sự thay đổi, phù hợp hơn với con em đồng bào” - thầy Hà cho biết.

Vừa qua, Lào Cai cũng là một trong những địa phương chịu thiệt hại trong cơn bão số 3. Do ảnh hưởng của bão lũ, nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh bị chia cắt, các phương tiện liên lạc gặp khó khăn, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Lào Cai đã thông báo kéo dài thời gian nhận hồ sơ tuyển sinh bổ sung cho các ngành đào tạo đại học chính quy năm 2024. Hàng trăm sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ nhu yếu phẩm.

Cùng chung nỗi lo giống với Phân hiệu Lào Cai, Phân hiệu Hà Giang có 495/573 sinh viên là người dân tộc thiểu số (chiếm 86,4 %); 16 sinh viên là dân tộc thiểu số rất ít người (chiếm 2,78%).

Bên cạnh đó, Phân hiệu còn non trẻ, mới được thành lập hơn một năm, nên cũng nhiều khó khăn trong thu hút thí sinh.

Theo Tiến sĩ Lục Quang Tấn, để nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, Phân hiệu đã tập trung nguồn lực, đề ra các kế hoạch, chương trình cụ thể. Công tác tuyên truyền và tuyển sinh được Phân hiệu tổ chức thực hiện tại 50 trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang và các huyện lân cận thuộc tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Tuyên Quang.

Các hoạt động tuyển sinh được triển khai bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin như: Tuyên truyền quảng bá qua các kênh thông tin phát thanh, panô, áp phích, băng rôn, phối hợp với các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên tuyển sinh liên thông hệ vừa học vừa làm, văn bằng 2, đào tạo sau đại học…

eea6f0dc4f5ee400bd4f12.jpg
Đội ngũ giáo viên của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh Hà Giang. Ảnh: NTCC.

Để thúc đẩy ước mơ học tập của sinh viên, nhiều chính sách đã được thực hiện. Sinh viên người dân tộc thiểu số, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thông qua nhiều chính sách như: học bổng, miễn giảm học phí, trợ cấp xã hội, hỗ trợ chi phí học tập, chính sách nội trú…

Đặc biệt, tất cả sinh viên sư phạm được miễn giảm học phí và hỗ trợ hơn 3.600.000 đồng/tháng, tiền sinh hoạt, khiến khối ngành Sư phạm được rất nhiều sinh viên “săn đón”.

Mùa tuyển sinh vừa qua, điểm trúng tuyển khối ngành Sư phạm tại cả hai Phân hiệu đều ở ngưỡng 27-28 điểm.

Tiến sĩ Lục Quang Tấn tự hào chia sẻ, sau khi Phân hiệu được thành lập, tỉnh Hà Giang đã giảm 1 bậc trong danh sách các tỉnh có thí sinh học đại học thấp nhất, từ xếp hạng 2 vào năm 2022 với 21,53% xuống hạng 3 vào năm 2023 với 29,21%.

Trong những năm tới, các Phân hiệu đặt mục tiêu tiếp tục phát triển ổn định, đồng thời, mở thêm những ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu học tập tại địa phương.

Trần Trang