Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, việc tích hợp công nghệ vào quá trình giảng dạy đã trở thành xu hướng tất yếu, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Các công cụ như sách giáo khoa điện tử, bài giảng số và phần mềm học tập không chỉ giúp nâng cao chất lượng dạy và học mà còn thúc đẩy khả năng tư duy độc lập và sáng tạo của học sinh.
Hiện nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tích hợp các bài giảng số và học liệu điện tử, nhằm mở rộng kho tài nguyên giáo dục cũng như hỗ trợ hiệu quả cho cả giáo viên lẫn học sinh trong quá trình chuyển đổi số ngành giáo dục.
Bài giảng điện tử tạo hứng thú học tập cho học sinh
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Hoàng Sâm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ: “Hiện nay, nhà trường chủ yếu sử dụng bộ sách Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành. Nhà trường luôn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, gắn với sách giáo khoa thông minh, bài giảng điện tử và các phần mềm hỗ trợ học tập. Nhờ đó, chất lượng giáo dục được nâng cao, học sinh chủ động và hứng thú hơn trong quá trình tiếp thu kiến thức.
Việc sử dụng sách giáo khoa thông minh, bài giảng điện tử, được nhà trường triển khai ở hầu hết các môn học. Tuy nhiên, quá trình này vẫn gặp nhiều rào cản do hạn chế về cơ sở vật chất, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế của phụ huynh học sinh còn khó khăn. Điều này gây trở ngại trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục. Nhiều gia đình không đủ điều kiện trang bị thiết bị học tập cá nhân như: máy tính, điện thoại thông minh, đường truyền internet ổn định cho con em, dẫn đến sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận các phương pháp dạy học mới.

Theo thầy Sâm, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là bài giảng điện tử và phần mềm đi kèm sách giáo khoa mang lại nhiều lợi ích cho cả học sinh và giáo viên.
Đối với học sinh, việc đổi mới phương pháp dạy học góp phần phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình tiếp thu kiến thức. Đồng thời, nội dung giáo dục được xây dựng theo hướng chú trọng kiến thức và kỹ năng cơ bản, thiết thực trong cuộc sống, góp phần phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực cho người học. Quá trình giáo dục cũng hướng đến sự hài hòa giữa các yếu tố “đức – trí – thể – mỹ”, giúp học sinh không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn biết thực hành, vận dụng hiệu quả vào việc giải quyết các tình huống trong học tập và đời sống.
Đối với giáo viên, việc sử dụng bài giảng điện tử từ sách giáo khoa giúp tiết kiệm thời gian giảng dạy, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền đạt kiến thức. Công cụ này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi thông tin về chuyên môn, các phương pháp giảng dạy với đồng nghiệp và các cấp quản lý. Hơn nữa, với nguồn tài liệu phong phú từ các bài giảng điện tử, giáo viên sẽ dễ dàng cung cấp thông tin bổ sung cho học sinh, giúp nâng cao hiệu quả quá trình dạy và học.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Mai Hồng Kiên - Tổ phó Tổ Toán Tin, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lào Cai (phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) cho biết: “Hiện nay, bên cạnh sách giáo khoa giấy truyền thống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành nền tảng Hành trang số – một hệ thống sách điện tử và học liệu số hỗ trợ dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong quá trình giảng dạy, tôi đã tích cực sử dụng sách giáo khoa điện tử trên nền tảng này. Các bản sách mềm có thể dễ dàng truy cập và sử dụng trên các thiết bị điện tử như máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh.
Không chỉ vậy, nhà trường cũng khuyến khích thầy cô sử dụng các ứng dụng, nền tảng kiểm tra đánh giá và giao bài cho học sinh làm bài trực tuyến”.
Theo thầy Kiên, việc sử dụng bài giảng điện tử và phần mềm đi kèm sách giáo khoa mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đối với giáo viên, bài giảng điện tử tích hợp hình ảnh, video, biểu đồ và các minh họa sinh động, giúp truyền đạt kiến thức một cách trực quan, dễ hiểu hơn so với phương pháp truyền thống.
Đồng thời, giáo viên có thể tiết kiệm thời gian soạn bài nhờ vào việc sử dụng các bài giảng mẫu có sẵn hoặc linh hoạt điều chỉnh theo nhu cầu giảng dạy, qua đó nâng cao hiệu quả chuẩn bị bài. Với học sinh, hình thức bài giảng này cũng góp phần tăng hứng thú và khả năng tiếp thu của các em trong quá trình học tập.
Bên cạnh đó, phần mềm đi kèm sách giáo khoa thường cung cấp ngân hàng câu hỏi, bài tập và tài liệu tham khảo, giúp giáo viên dễ dàng xây dựng bài kiểm tra hoặc các hoạt động trên lớp một cách hiệu quả. Thầy cô có thể áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại như lớp học đảo ngược (flipped classroom), học tập dựa trên dự án, hoặc sử dụng các công cụ công nghệ nhằm tăng tương tác với học sinh.
Các bài giảng điện tử với hình ảnh, âm thanh sinh động giúp học sinh cảm thấy hứng thú hơn, tránh cảm giác nhàm chán. Các phần mềm học tập thường tích hợp trò chơi giáo dục, bài tập tương tác hoặc mô phỏng thực tế, kích thích sự tò mò và khám phá của học sinh. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ vào dạy và học, còn giúp học sinh khám phá thêm các nguồn tài liệu bổ sung, video hướng dẫn, các khóa học trực tuyến liên quan đến nội dung sách giáo khoa, mở rộng hiểu biết ngoài sách vở.
Tuy nhiên, để tối ưu hóa lợi ích, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên, học sinh và hệ thống hỗ trợ công nghệ.
"Sách giáo khoa thông minh kèm theo các tính năng kỹ thuật số như nội dung tương tác, liên kết đa phương tiện và bài giảng điện tử tạo điều kiện để học sinh tham gia tích cực hơn vào quá trình học tập như: khơi dậy hứng thú và động lực học tập của học sinh; khuyến khích học sinh tự học và nghiên cứu; tăng cường tính tương tác và cá nhân hóa trong quá trình học tập; tạo cơ hội học mọi lúc, mọi nơi đối với người học", thầy Kiên bày tỏ.

Ứng dụng công nghệ vào sách giáo khoa giúp phát huy năng lực tự học của học sinh
Việc tích hợp bài giảng điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào sách giáo khoa còn giúp học sinh nâng cao khả năng tự học. Các bạn có thể đọc tài liệu mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có thiết bị điện tử.
Thầy Trần Đình Hường - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: "Hiện nay, nhà trường đã và đang triển khai việc ứng dụng công nghệ trong dạy học gắn với sách giáo khoa thông minh, bài giảng điện tử ở tất cả các bộ môn. Đặc biệt, nhà trường sử dụng bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam làm nền tảng cho quá trình giảng dạy này.
Thầy cô chủ động khai thác tài liệu số, học liệu điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thiết kế bài giảng nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy. Việc đổi mới này được đội ngũ giáo viên các môn học hưởng ứng nhiệt tình, góp phần nâng cao chất lượng và tính linh hoạt trong quá trình dạy học.
Về phía học sinh, các em cũng từng bước tiếp cận và khai thác hiệu quả sách giáo khoa thông minh, các nguồn tài liệu số cũng như các công cụ AI để hỗ trợ cho việc học tập".
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi cho biết thêm, việc ứng dụng công nghệ, bài giảng điện tử và phần mềm tích hợp cùng sách giáo khoa đã hỗ trợ nhiều cho giáo viên trong quá trình thiết kế bài giảng, giúp nội dung trở nên sinh động, hấp dẫn và trực quan hơn. Nhờ đó, các phương tiện dạy học được khai thác hiệu quả, thời gian giảng dạy được tối ưu, tạo điều kiện để học sinh phát huy năng lực tự học, tiếp cận kiến thức nhanh chóng và có thêm thời gian rèn luyện các kỹ năng cần thiết theo yêu cầu của từng bài học.
Trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ vào dạy và học, nhà trường cũng gặp không ít khó khăn. Một bộ phận giáo viên còn tâm lý e ngại đổi mới, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin giữa các giáo viên chưa đồng đều. Việc quản lý, theo dõi quá trình tự học của học sinh khi sử dụng bài giảng điện tử còn nhiều hạn chế; ý thức tự giác và khả năng khai thác các công cụ học tập số của một số học sinh chưa cao.

Còn Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh cho rằng, việc tiếp cận sách giáo khoa thông minh và bài giảng điện tử sẽ tạo ra một môi trường học tập linh hoạt, giúp học sinh phát huy tính chủ động. Bằng cách sử dụng công nghệ, các em không chỉ tiếp thu kiến thức một cách trực quan, sinh động mà còn có thể tương tác trực tiếp với bài giảng, từ đó hình thành các kỹ năng quan trọng như giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và sáng tạo. Điều này cũng giúp người học dễ dàng tiếp cận tài liệu học tập phong phú, từ đó đáp ứng đa dạng nhu cầu học tập của từng em.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ trong dạy học còn góp phần giúp học sinh phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, tạo cơ hội để học sinh ở các vùng miền khác nhau được tiếp cận nguồn tài nguyên học tập một cách bình đẳng, thu hẹp khoảng cách về điều kiện học tập giữa các khu vực.

Để tăng hiệu quả của việc tích hợp công nghệ vào sách giáo khoa và dạy học, theo thầy Kiên cần chú trọng đến một số biện pháp.
Thứ nhất, nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ của giáo viên thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn, khuyến khích tinh thần tự học, tự bồi dưỡng cũng như phát huy vai trò hỗ trợ lẫn nhau giữa các giáo viên trong nhà trường.
Thứ hai, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới dạy và học theo hướng hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên triển khai hiệu quả các bài giảng điện tử.
Thứ ba, cần tăng cường phối hợp giữa các trường và sở giáo dục và đào tạo trong việc xây dựng, chia sẻ học liệu số phù hợp với thực tiễn giảng dạy. Điều này nhằm nâng cao chất lượng bài giảng, tiết kiệm nguồn lực và thúc đẩy phát triển nội dung số một cách đồng bộ.
Thứ tư, ứng dụng AI vào các bài giảng và sách giáo khoa điện tử thông minh, nhằm cá nhân hóa việc học, hỗ trợ giáo viên và nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Thứ năm, tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh có thói quen học và tự học qua môi trường số, góp phần nâng cao hiệu quả tiếp cận và sử dụng các nguồn học liệu số.