Cần xử lý nghiêm khắc những trường hợp nợ và trốn đóng bảo hiểm xã hội

03/10/2019 07:09
Ngọc Hân
(GDVN) - Một số đại biểu đánh giá, vấn đề nợ bảo hiểm xã hội và một số doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cần được quan tâm để có biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý.

Tại phiên thảo luận, cho ý kiến về việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chiều ngày 2/10 trong khuôn khổ phiên họp toàn thể của Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, một số đại biểu đánh giá, vấn đề nợ bảo hiểm xã hội và một số doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cần được quan tâm để có biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Chiều 02/10, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 15, Ủy ban về các vấn đề Xã hội cho ý kiến về việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, dự toán ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2019 và giai đoạn 2020-2022 thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, năm 2019, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, toàn ngành đã nghiêm túc, kiên trì thực hiện các mục tiêu đề ra trên tất cả các lĩnh vực được giao, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp.

Theo đó, đã hoàn thành 03 chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội được giao: tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-62%, giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 1-1,5%. An sinh xã hội được đảm bảo; làm tốt công tác chính sách đối với người có công; công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường; đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Bộ đã hoàn thành phân bổ cho các đơn vị sử dụng ngân sách trong tháng 12/2018 theo đúng tổng mức, cơ cấu, nội dung, biểu mẫu và thực hiện công khai phân bổ theo quy định; đảm bảo các chỉ tiêu thu nộp ngân sách.

Về kế hoạch tài chính- ngân sách trong giai đoạn 2020-2022, Bộ đã xây dựng kế hoạch tài chính, theo đó, đảm bảo bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Trên cơ sở đó, Bộ đề xuất nhu cầu đầu tư trong kế hoạch đầu tư 03 năm gồm các nguồn vốn: vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư và vốn viện trợ ra nước ngoài.

Các ngành, lĩnh vực đầu tư bao gồm xã hội, y tế, dân số và gia đình, giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, khoa học công nghệ.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh quochoi.vn
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh quochoi.vn

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban về các vấn đề Xã hội tán thành với một số kết quả đã đạt được của ngành trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế cần phải quan tâm như: giáo dục nghề nghiệp còn chậm đổi mới, chưa gắn với nhu cầu xã hội; chất lượng bền vững của việc làm chưa cao; năng suất lao động thấp; đời sống của một số đối tượng chính sách còn khó khăn; công tác quản lý cai nghiện ma túy còn nhiều tồn tại; cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu…

Do đó, Ủy ban đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có các giải pháp nâng cao chất lượng lao động; chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thực tiễn; đẩy mạnh việc giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính; đảm bảo các khoản chi đối với nhiệm vụ được giao, cân đối ngân sách theo tổng vốn đã được cấp…

Nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cần được quan tâm để có biện pháp thanh tra, kiểm tra. Ảnh: Quochoi.vn
Nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cần được quan tâm để có biện pháp thanh tra, kiểm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã đánh giá, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều nỗ lực để ngành đạt được các chỉ tiêu đã đề ra.

Tuy nhiên, nhiều số liệu về thực hiện chính sách đối với người có công vẫn chưa được cập nhật, cần ưu tiên tập trung chỉ đạo để huy động nguồn lực, giải quyết vấn đề nhà ở cho người có công; vấn đề giải quyết việc làm và thất nghiệp, chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa được giải quyết hiệu quả và cần phải có giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Ngoài ra, một số đại biểu đánh giá, vấn đề nợ bảo hiểm xã hội và một số doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cần được quan tâm để có biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm.

Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét giải quyết nhanh các trường hợp người lao động chưa được giải quyết chế độ khi doanh nghiệp bị phá sản hoặc chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Kết luận nội dung làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, Ủy ban tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên về những tồn tại, hạn chế, đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải pháp khắc phục; Ủy ban sẽ phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Ủy ban Kinh tế để phối hợp thẩm tra, hoàn thiện báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.

Ngọc Hân