Thanh tra xử phạt an toàn thực phẩm gặp khó vì "tình làng nghĩa xóm"

05/11/2019 06:09
Ngọc Hân
(GDVN) - Công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đã được cải thiện nhưng vẫn còn khá nhiều khó khăn, nhất là cấp cơ sở.

Qua 3 năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, Hà Nội bước đầu đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương.

Để đạt được những chuyển biến tích cực trên có phần đóng góp quan trọng không chỉ Hà Nội, mà nhiều địa phương trên cả nước đó là sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). 

Nhưng bên cạnh những nỗ lực trong kiểm soát an toàn thực phẩm, song vẫn còn đó những khó khăn, bất cập, nỗi lo của người tiêu dùng trước tình trạng thực phẩm mất an toàn.

Từ năm 2016, Hà Nội đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện và 10 phường, xã. Đến tháng 7/2019, Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình này trên toàn Thành phố.

Việc thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực này của chính quyền địa phương, bước đầu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trên địa bàn.

Nỗ lực trong kiểm soát an toàn thực phẩm thời gian qua đã gặt hái được những thành công quan trọng.
Nỗ lực trong kiểm soát an toàn thực phẩm thời gian qua đã gặt hái được những thành công quan trọng.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến về “Triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại Hà Nội: Thuận lợi và thách thức” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội tổ chức cuối tuần qua.

Bà Nguyễn Ánh Nguyệt - Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội cho biết, sau giai đoạn thí điểm, Hà Nội đã thu được nhiều kết quả nhất định. Trong đó, nhận thức từ các cấp quản lý đến cơ sở sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng đều được cải thiện.

Bà Nguyện nhấn mạnh: “Nhờ sự xuất hiện của những đoàn thanh, kiểm tra thường xuyên, liên tục, theo đúng quy trình, kết quả thanh, kiểm tra tăng lên so với thời điểm trước khi triển khai. Công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng tăng lên rõ rệt.

Điều này khẳng định mô hình thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm đã giúp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sản xuất, kinh doanh”.

Hà Nội triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 584 xã, phường, thị trấn từ 10/7.
Hà Nội triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 584 xã, phường, thị trấn từ 10/7.

Là địa bàn triển khai thí điểm từ năm 2016, kinh nghiệm của quận Nam Từ Liêm cho thấy, khi bắt đầu triển khai, quận đã lựa chọn 2 phường làm thí điểm, cả 2 phường đều đa dạng các mặt hàng, cán bộ có trình độ, năng lực và sự nhiệt tình tham gia hoạt động.

Đặc biệt, khi quận tổ chức thanh tra, có sự tham gia của phường và thanh tra tuyến phường, có sự tham gia của quận, với hình thức “cầm tay chỉ việc”. Nhờ đó, trong thời gian thí điểm, quận thanh, kiểm tra 140 cơ sở tại phường Mỹ Đình 1 và Mỹ Đình 2.

Các cơ sở vi phạm được xử lý 100%. Số cơ sở bị phạt tiền tăng gấp 5 - 7 lần so với lực lượng kiểm tra liên ngành trước kia. Nếu như trước đó, trong cả năm, xử phạt 10 phường là 67 triệu đồng thì trong thời gian thanh tra thí điểm, riêng 2 phường đã xử phạt hơn 90 triệu đồng. 

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các đơn vị, trong quá trình thanh tra ở tuyến cơ sở, đặc biệt là ở môi trường nông thôn có nhiều khó khăn, hạn chế, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh.

Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Xuân Thu cho hay: “Các cơ sở tại tuyến quận Nam Từ Liêm khi ra quyết định xử phạt đều nộp phạt 100%. Nhưng ở tuyến phường chấp hành chỉ 80%, do vẫn mang nặng tình làng nghĩa xóm.

Khi được thông báo thanh tra, chủ cửa hàng đóng cửa không gặp, còn thanh tra đột xuất, chủ cơ sở không có mặt ở nhà, phải chờ đợi mất thời gian”.

Lực lượng chức năng kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại một siêu thị ở Hà Nội vào đầu tháng 7.
Lực lượng chức năng kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại một siêu thị ở Hà Nội vào đầu tháng 7.

Đồng quan điểm, Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thu Hà chỉ rõ, bên cạnh những khó khăn về việc cơ sở kinh doanh trên địa bàn nhỏ lẻ, thường xuyên biến động dẫn tới khó phát hiện, điều tra và rà soát thì ở cấp xã, vẫn có nơi chưa quyết liệt khi xử lý vi phạm.

Nguyên nhân là do đa phần các hộ kinh doanh là người quen biết, nên khi kiểm tra, cán bộ cấp xã chủ yếu là nhắc nhở thay vì xử phạt.

Bên cạnh đó, việc thanh tra của các đơn vị còn gặp nhiều vướng mắc ở khâu nhân lực. Đơn cử như thời gian đào tạo lực lượng thanh tra ngắn, thiếu nhân lực, thanh tra viên tại các địa phương vẫn chủ yếu là kiêm nhiệm, nhất là trong thời điểm Hà Nội thực hiện tinh giản cấp xã, cấp phường.

Hơn nữa, trong quá trình thanh tra phải theo quy trình, trong khi, số lượng cơ sở thanh tra rất ít nên chỉ tiêu thành phố giao, các quận, huyện khó thể thực hiện được. Qua đó, các đơn vị kiến nghị, thành phố xem xét lại số chỉ tiêu để giao phù hợp với tình hình địa phương.

Đối với quận Tây Hồ, ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Y tế quận cho biết, quận không thiếu hụt về nhân lực, nhưng quận mong muốn có thêm nhiều đợt đào tạo, bổ sung kiến thức, tập huấn cho các cán bộ trong những khoảng thời gian hợp lý, bổ sung thiết bị chuyên dùng để công tác thanh tra đạt hiệu quả cao.

Ngọc Hân