Trẻ tự kỷ tăng liên tục, chuẩn đoán thì sai và không chính xác

03/04/2017 06:23
Diệu Thuần
(GDVN) - ''Cứ 160 trẻ thì có 1 trẻ bị bệnh tự kỷ. Thế nhưng, hiện nay việc chuẩn đoán bệnh tự kỷ ở nước ta không chính xác và có nhiều sai xót''.

Ajinomoto đồng hành cùng chuyên mục sức khỏe

Đó là khẳng định của các bác sĩ, chuyên gia về bệnh tự kỷ tại Hội thảo chính sách ASEAN ''Tự kỷ - vấn đề, nhu cầu và giải pháp'', do Mạng lưới tự kỷ Việt Nam tổ chức tại Đại học Tôn Đức Thắng trong hai ngày 1-2/4.

Hội thảo được tổ chức là để kỷ niệm ngày thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4). Ngoài bàn về vấn đề trên, chương trình còn có các hoạt động thể thao, văn nghệ...để giúp mọi người hiểu hơn về người tự kỷ.

Theo phó giáo sư Phạm Minh Mục, Giáo đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt Viên Khoa học giáo dục Việt Nam, nghị định 56/1995 đã giao nhiệm vụ giáo dục trẻ khuyết tật cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì thế, chức năng, nhiệm vụ chính cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng thuộc về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều bấp cập liên quan đến trẻ bị bệnh tự kỷ. Các chuyên gia, bác sĩ, nhà tâm lý cho rằng, vấn đề bất cập hiện nay là về nguồn nhân lực làm công việc chuẩn đoán, tư vấn về bệnh tự kỷ ở các bệnh viện, phòng khám còn rất mỏng và chưa chuẩn xác...

Trẻ tử kỷ cứ tăng theo cấp số nhân

Tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt, do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. 

Tự kỷ có thể xảy ra với bất kỳ ai, không phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội, giới tính hay chủng tộc.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, cứ 160 trẻ thì có 1 trẻ bị bệnh tử kỷ. Đáng chú ý là các trẻ từ độ tuổi từ 1 đến 3.

Theo số liệu ở khoa Nhi bệnh viên Nhi Trung ương, trước đây mỗi ngày chỉ có khoảng 5-6 trường hợp trẻ đến để kiểm tra, đo, khám về tự kỷ nhưng hiện nay đã tới khoảng 230 ca/ngày.

Bác sĩ Triết và các chuyên gia cho rằng, nguồn nhân lực khám và điều trị cho người bị bệnh tự kỷ ở nước ta còn rất mỏng và yếu - Ảnh: T.A
Bác sĩ Triết và các chuyên gia cho rằng, nguồn nhân lực khám và điều trị cho người bị bệnh tự kỷ ở nước ta còn rất mỏng và yếu - Ảnh: T.A

Ông Phan Thiệu Xuân Giang, bác sĩ Tâm thần kinh và Khuyết tật về phát triển cho rằng, hiện nay, trẻ tự kỷ ở nước ta đang tăng theo cấp số nhân. Có rất nhiều nguyên nhân làm cho trẻ bị tự kỷ. Cho đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân nào là chuẩn xác.

Thạc sĩ Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, đã có rất nhiều phụ huynh biết con mình bị tự kỷ nhưng lại dấu thông tin, không cung cấp thông tin đầy đủ cho người chuẩn đoán.

''Phụ huynh có nhiều kiến thức tự kỷ nhưng không đầy đủ. Có phụ huynh sống ở thành phố nhưng không biết gì về tự kỷ. Có phụ huynh sợ con bị kỳ thị nên giấu, không chịu cung cấp thông tin cho người chuẩn đoán.

Chính vì vậy đã làm cho trẻ dễ tự kỷ. Có trẻ bệnh trở nên nặng hơn'', ông Triết nói.

Chuẩn đoán không đúng và còn sai rất nhiều

Điều mà các bác sĩ, chuyên gia y tế quan tâm là số người bị bệnh tự kỷ cứ tăng lên, nhưng việc chuẩn đoán bệnh, khám và tư vấn không đúng, còn sai rất nhiều.

Theo bác sĩ Giang, hiện nay, có những thạc sĩ tâm lý, không được đào tạo tự kỷ cũng ngồi vào phòng khám, phòng tư vấn rồi phán bừa.

''Một bác sĩ, một chuyên gia tư vấn tâm lý về bệnh tự kỷ phải được đào tạo bài bản, được cấp chứng chỉ, có thực hành, có va chạm thực tế và hiểu về bệnh tự kỷ thì mới làm được việc. 

Đừng có cái chuyện học một khóa ngắn hạn vài ngày, hiểu sơ sơ về tự kỷ rồi ngồi khám, ngồi tư vấn tâm lý, như thế là không đúng, dễ dẫn đến chuẩn đoán sai''.

Bác sĩ Giang cũng cho biết, hiện nay ở các tỉnh không có bác sĩ điều trị bệnh tự kỷ, vì thế các phụ huynh có con bị bệnh là đưa lên thành phố nên làm cho các bệnh viện tuyến trên luôn quá tải. 

''Các trung tâm, phòng khám, phòng tư vấn tâm lý... mọc lên như nấm, không có kiểm soát. Thế nhưng cam thiệp chữa bệnh như thế nào là khoa học thì lại không có. Các cơ sở chỉ làm theo kiểu tự phát mà thôi'', ông Giang nói. 

Và đó chính là nguyên nhân làm cho người bị bệnh tự kỷ ngày càng tăng. ''Vấn đề đặt ra bây giờ, phải huấn luyện làm sao cho những người làm về bệnh tự kỷ chuẩn đoán làm sao cho đúng, tư vấn làm sao cho chuẩn. Nếu làm không đúng, không khoa học thì sai một ly đi một dặm'', bác sĩ Giang nói thêm.

Đồng tình với ý kiến trên, bác sĩ Triết cho rằng, hiện nay, việc chuẩn đoán bệnh tự kỷ không đồng đều. Nơi chuẩn đoán thế này, nơi chuẩn đoán thế kia. 

Xảy ra trình trạng trên là bởi, việc đào tạo nguồn nhân lực nước ra còn rất mỏng, không đảm bảo chất lượng. 

Hiện các trường đại học có đào tạo về tâm lý, y khoa nhưng không đảm bảo chất lượng. Các sinh viên theo học các ngành trên không có nơi để thực tập, vì thế không có điều kiện va chạm thực tế.

"Các trường có giảng dạy y khoa nhưng về bệnh tự kỷ lại không chuyên sâu. Sinh viên theo học không có nơi để thực tập, thực hành. Một sinh viên học mấy năm đại học về lý thuyết mà chỉ có một ngày để quan sát bác khoa tâm lý đánh giá trẻ thì không được.

Hệ đào tạo sau đại học cũng chỉ đào tạo nhỏ lẻ. Chỉ giới thiệu chứ chưa có thực hành. Các cơ sơ phải mời chuyên gia nước ngoài vào đào tạo'', bác sĩ Triết nêu.

Bác sĩ Triết kiến nghị, các trường đại học đào tạo cần phải đưa kiến thức về bệnh tự kỷ vào giảng dạy nhiều hơn. Phải cho các sinh viên va chạm thực tế nhiều hơn nữa.

Phó giáo sư Phạm Minh Mục, Giáo đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt Viên Khoa học giáo dục Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay những người có kiến thức chuyên môn về tự kỷ chưa nhiều, dẫn đến việc truyền thông để xã hội có cái nhìn chính xác về tự kỷ một cách toàn diện cũng chưa được thực hiện. 

''Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn yêu cầu chúng tôi phải có những nghiên cứu thỏa đáng để công bố chính xác số lượng trẻ tự kỷ và đề xuất các giải pháp can thiệp, hỗ trợ và giáo dục cho những em đã mắc hội chứng này.

Thế nhưng, cho đến hiện nay, Việt Nam chưa có nghiên cứu hay báo cáo nào đủ độ tin cậy về bệnh tự kỷ cả'', ông Mục nói.

Ông cho biết, hiện nay có hàng loạt trung tâm dành cho trẻ tự kỷ mọc lên nhưng không phải là mục đích chính là chăm sóc, hỗ trợ trẻ tự kỷ.

''Đây là vấn đề rất bức xúc. Bởi quản lý chuyên môn, nhân sự, các điều kiện chăm sóc và giáo dục để đảm bảo rằng hoạt động giáo dục cho trẻ tự kỷ phải giúp trẻ phát triển trong tình hình hiện nay là rất khó khăn.

Nếu như các phương pháp hỗ trợ, can thiệp, giáo dục trẻ tự kỷ không phù hợp với đối tượng, nhu cầu, mức độ phát triển thì không những không giúp được trẻ tự kỷ tiến bộ mà còn làm cho mức độ trầm trọng hơn'', phó giáo sư Mục nói.

Theo ông Mục, tự kỷ có thể xảy ra ở bất cứ gia đình nào. Phụ huynh phải nhận biết được thực sự những khó khăn của con em mình để cùng với chuyên gia có kinh nghiệm hỗ trợ, chăm sóc con ở nhà cũng như ở trường.

Phụ huynh cũng cần thận trọng lựa chọn các trung tâm để con được chăm sóc, hỗ trợ. Ngoài ra, các phụ huỳnh cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan truyền thông để phổ biến cho mọi người nhận thức đúng về trẻ tự kỷ. 

Bởi dù các em bị tự kỷ có khó khăn nhất định nhưng các em vẫn có khả năng phát triển, sống độc lập, trở thành một công dân có ích cho cộng đồng.

Diệu Thuần