Vì sao người dân Hà Nội vẫn chưa an tâm khi mua rau quả, thịt ngoài chợ?

04/11/2019 17:00
Ngọc Hân
(GDVN) - Để quản lý được an toàn thực phẩm, ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý còn có sự đóng góp của người dân, cử tri, tránh vô tình tiếp tay cho vi phạm.

Ngày 4/11, phát biểu tại Phiên giải trình "Về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hà Nội” do Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội tổ chức, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh: Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, chương trình công tác năm 2019 của Hội đồng nhân dân Thành phố, đây là phiên giải trình lần thứ 3 trong năm 2019 được Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố tổ chức.

Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố lựa chọn nội dung này để yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố và các cơ quan liên quan giải trình vì 3 lý do chính.

Thứ nhất, Thành phố có trên 70.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, 454 chợ, 120 siêu thị và 22 trung tâm thương mại có kinh doanh thực phẩm.

Tuy nhiên, việc sản xuất thực phẩm của Thành phố mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại phải nhập từ các tỉnh lân cận.

Làm gì để kiểm soát tốt bếp ăn trường học, không xảy ra ngộ độc tập thể?
Làm gì để kiểm soát tốt bếp ăn trường học, không xảy ra ngộ độc tập thể?

Vì vậy, việc quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy và người dân Thành phố, trong đó nhất là với sản xuất tiêu dùng và lưu thông.

Do đó, an toàn thực phẩm là một trong những vấn đề Thành phố đặc biệt quan tâm và coi đây là vấn đề có ý nghĩa rất lớn về kinh tế - xã hội, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Chỉ thị số 10 năm 2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn Thành phố. Tại các kỳ họp thứ 3, thứ 4 Hội đồng nhân dân Thành phố khóa 15, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn được Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố lựa chọn để chất vấn, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm.

Thứ hai, sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10 của Thành ủy, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả, nhưng tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn ra gây lo ngại, bức xúc trong nhân dân.

Tình hình vận chuyển, buôn bán, nhập lậu thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm tại Hà Nội tuy giảm nhưng còn diễn biến phức tạp; việc kiểm tra kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, rau củ quả và các loại thực phẩm tươi sống kinh doanh ở các chợ, các điểm lẻ còn khó khăn; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại trong các khu dân cư chưa đảm bảo vệ sinh thú y, gây mất vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát; việc triển khai quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm còn chậm; công tác chỉ đạo điều hành kiểm tra giám sát của cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quyết liệt và thường xuyên; ý thức của người dân, người sản xuất về thực phẩm, chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm chưa cao.

Thứ ba, đây là nội dung cử tri rất quan tâm và tập trung nhiều ý kiến trong các hội nghị tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội thẳng thắn cho rằng, người dân chưa thực sự an tâm, nhất là tại các chợ tạm, chợ cóc thì câu trả lời là chưa.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội thẳng thắn cho rằng, người dân chưa thực sự an tâm, nhất là tại các chợ tạm, chợ cóc thì câu trả lời là chưa.

Cũng tại Phiên giải trình, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đánh giá, với 15 lượt đại biểu đặt câu hỏi, 16 lượt trả lời của đại diện các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường và trả lời của Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố, phiên giải trình đã đạt mục đích đề ra.

Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố hoan nghênh Ủy ban nhân dân Thành phố đã quyết liệt chỉ đạo công tác tổ chức phiên giải trình, trong đó chuẩn bị phóng sự theo các địa chỉ do chính các quận, huyện giới thiệu; công khai cho các sở, ngành, quận, huyện, để các địa phương, đơn vị thấy được cái làm được và chưa làm được, có đánh giá khách quan; hoan nghênh ý kiến tiếp thu thẳng thắn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố trước 10 nhóm vấn đề.

Đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ Mê Linh) nêu vấn đề, trên địa bàn một số địa phương, vẫn còn tình trạng hoa quả, thực phẩm nông sản không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng như phóng sự nêu ở chợ Mai Lĩnh (phường Đồng Mai, quận Hà Đông), chợ cóc, chợ tạm không đảm bảo an toàn thực phẩm như ở phường Thịnh Quang (quận Đống Đa). Để xảy ra tình trạng trên, đề nghị chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường Đồng Mai, Thịnh Quang và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận nêu trên làm rõ nguyên nhân tồn tại như phóng sự nêu, trách nhiệm, biện pháp xử lý trong thời gian tới?

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ Thanh Xuân) nêu vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại các trường học, các khu công nghiệp vẫn còn tồn tại một số tình trạng khó kiểm soát như không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; nhân viên không khám sức khỏe, không mặc đồng phục, không được tập huấn xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; việc lưu mẫu thức ăn chưa đảm bảo đúng quy định. Đề nghị Giám đốc Sở Y tế cho biết nguyên nhân và trách nhiệm khắc phục các tình trạng nêu trên?

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ đại biểu quận Thanh Xuân) nêu vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại các trường học, các khu công nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ đại biểu quận Thanh Xuân) nêu vấn đề kiểm soát an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại các trường học, các khu công nghiệp.

Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố, câu hỏi đặt ra là khi người dân sử dụng rau củ quả, thịt… trên thị trường Hà Nội đã thực sự an tâm, nhất là tại các chợ tạm, chợ cóc? Câu trả lời là “chưa”.

Rõ ràng, kiểm soát rau củ quả, thực phẩm đã có nhưng chưa triệt để, nơi này nơi khác còn bị buông lỏng.

“Cơ sở giết mổ có cấp phép đã được kiểm soát, nhưng những nơi giết mổ không cấp phép do ai kiểm soát?

Kiểm soát thức phẩm, thịt, rau từ sản xuất đến lưu thông, chế biến đúng là còn không ít tồn tại, cần nhiều cố gắng. Với 10 triệu người dân hàng ngày sử dụng thực phẩm trên địa bàn, với thói quen dựng xe xuống là mua ngay được thực phẩm, thì để quản lý an toàn thực phẩm ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý còn cần Nhân dân, cử tri đóng góp”, bà Ngọc đặt vấn đề.

Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu đặt câu hỏi cho rằng, an toàn thực phẩm là vấn đề có ý nghĩa rất lớn về kinh tế - xã hội, sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường. Nhiều đại biểu thừa nhận, công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố có chuyển biến tích cực với sự vào cuộc của các cấp, các ngành.

Các cơ sở chế biến sản xuất nước, lương thực thực phẩm tươi sống được siết chặt, quản lý nguồn gốc các chất bảo quản; kỹ năng kiểm tra của các cán bộ phường được nâng cao. Hàng loạt cửa hàng, tuyến phố điểm về “đảm bảo an toàn thực phẩm” được nhân rộng; các chuỗi cung ứng sản xuất liên hoàn ra đời… Đồng thời, cơ chế xử phạt các cơ sở có vi phạm cũng hoàn thiện hơn.

Với 10 triệu người dân hàng ngày sử dụng thực phẩm trên địa bàn, với thói quen dựng xe xuống là mua ngay được thực phẩm, để quản lý an toàn thực phẩm thực sự không dễ dàng.

Do đó, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cũng cần sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri và người dân, mỗi người dân phải tự ý thức về sử dụng các sản phẩm đảm bảo an toàn hơn nữa, tránh vô tình "tiếp tay" cho vi phạm.

Ngọc Hân