Nhà xuất bản Giáo dục nhập 4 bộ sách thành 2 bộ, nay lại “đẻ” thêm sách mới

11/08/2021 07:08
Minh Ngọc
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Câu chuyện biên soạn, thẩm định, phát hành sách giáo khoa luôn là chủ đề quan tâm của xã hội, thậm chí vấn đề này đã từng gây “nóng” ở Nghị trường Quốc hội.

Hồi tháng 11/2020, đã rất nhiều tác giả bức xúc, phản ánh tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiến hành hợp nhất 4 bộ sách giáo khoa (Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Chân trời sáng tạo) thành 2 bộ mang tên Kết nối tri thức với cuộc sống và bộ Chân trời sáng tạo mà không tổ chức họp lấy ý kiến các nhóm tác giả về tên của 2 bộ sách này. Việc làm này theo các tác giả, vô hình trung đã xoá sổ tên 2 bộ sách giáo khoa với triết lý giáo dục riêng là bộ “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” và “Cùng học để phát triển năng lực”.

Ngày 9/8, thông tin với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sỹ Nguyễn Thị Nhung - Tổng chủ biên của sách Mỹ Thuật - Bộ sách giáo khoa "Chân trời sáng tạo" thay mặt những tác giả tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa Mỹ thuật cho biết vừa có Thư kiến nghị tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cùng các cơ quan chức năng.

Trong Thư gửi đề nghị làm rõ vấn đề: Tại sao hồi tháng 11/2020 Nhà xuất bản gộp 4 bộ sách thành 2 bộ Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo nhưng đến tháng 7/2021 Nhà xuất bản lại trình Hội đồng thẩm định Quốc gia thêm một số đầu sách thứ 2 của bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo”.

Tháng 7/2021 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trình Hội đồng thẩm định Quốc gia 2 đầu sách của môn Mĩ thuật lớp 3 trong bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo”.

Tháng 7/2021 Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trình Hội đồng thẩm định Quốc gia 2 đầu sách của môn Mĩ thuật lớp 3 trong bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo”.

Trong đó trình bày cụ thể: Ngày 11/7/2021, khi kiểm tra và kí bản mẫu sách giáo khoa Mĩ thuật lớp 3, lớp 7 để nộp Hội đồng thẩm định cấp Quốc gia, nhóm tác giả phát hiện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 2 bản sách ở các môn Mĩ thuật 3, Mĩ thuật 7 đều thuộc bộ sách “Chân trời sáng tạo”. Ngoài môn Mĩ thuật thì còn có Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Tin học cũng bị trường hợp y hệt.

Nhóm tác giả rất hoang mang, bức xúc và đã gửi văn bản lên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam từ 11/7 đến nay nhưng chưa thấy Nhà xuất bản phản hồi.

Điều đáng nói, trước đó ngày 19/5/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 1472/SGDĐT-VP gửi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đề nghị Nhà xuất bản làm thêm một số bản mẫu môn Mĩ thuật, Hoạt động trải nghiệm, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Tin học do các tác giả Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn.

Ngày 19/5/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 1472/SGDĐT-VP gửi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Ngày 19/5/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 1472/SGDĐT-VP gửi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Ảnh tư liệu)

“Trong công văn này, chúng tôi thấy có 2 Phó Tổng biên tập của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tham gia làm cố vấn cho 2 bộ sách giáo khoa mới đề nghị là ông Đinh Gia Lê- Tổng chủ biên của bộ sách giáo khoa Mĩ thuật của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống lớp 1, lớp 2, lớp 6 và ông Phan Vĩnh Thái cố vấn cho bộ sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm”, bà Nhung nhấn mạnh.

Nhóm tác giả đặt câu hỏi băn khoăn: Không hiểu quy trình làm sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được thực hiện như thế nào với bộ sách mới xuất hiện này khi ngày 19/5/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh mới có công văn đề xuất mà đầu tháng 7/2021 (trong vòng chưa tới 3 tháng) Nhà xuất bản đã xong cả bản mẫu sách giáo khoa, hồ sơ dạy thực nghiệm và các hồ sơ khác theo quy định tại Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT để mang đi thẩm định Quốc gia (trong khi tháng 5 hầu hết các tỉnh trên cả nước đã cho học sinh tạm dừng đến trường do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì không hiểu Nhà xuất bản tổ chức cho giáo viên dạy thực nghiệm sách thế nào để đảm bảo đầy đủ được các đối tượng học sinh và các vùng miền khác nhau trên khắp cả nước).

Nhóm tác giả cho rằng: “Rõ ràng, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã vi phạm cam kết với các tác giả (thể hiện ở Thông báo số 1290/TB-NXBGDVN ngày 29/6/2020 thông báo Kết luận cuộc họp của Chủ tịch Hội đồng thành viên với Tổng chủ biên, Chủ biên sách giáo khoa về công tác hợp nhất các bộ sách) khi nhập 4 bộ sách thành 2 bộ rồi lại làm thêm những đầu sách giáo khoa mới lại mang tên các đầu sách giáo khoa chính danh đã hợp nhất và có tính chất phân biệt vùng miền”.

“Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh làm những đầu sách giáo khoa riêng mang tính địa phương, vùng miền có phù hợp và được phép không? Nếu các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh khác cũng đề nghị được làm một bộ sách giáo khoa riêng như vậy thì có được chấp nhận không?”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhung mong Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp vấn đề này.

Minh Ngọc