Ngay sau khi nhận được một bức tâm thư của một số cán bộ, giảng viên thuộc Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, phản ánh những bất ổn tại nhà trường trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có chỉ đạo một tổ công tác của Bộ đến trường, làm việc với lãnh đạo, lắng nghe những bức xúc của các cán bộ, giảng viên.
Cần sớm ổn định tình hình
Theo đại diện tổ công tác này, Bộ trưởng đã yêu cầu, các đơn vị chức năng của Bộ cần tổ chức kiểm tra ngay những vấn đề mà cán bộ, giảng viên phản ánh.
Vụ việc này cần phải sớm được kết luận, có hướng xử lý đảm bảo tính khách quan, công bằng, kiên quyết và kịp thời, công khai cho toàn bộ giảng viên, cán bộ của nhà trường được biết.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, Đảng ủy và Ban Giám hiệu Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường, khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại để nhằm sớm đưa các hoạt động của nhà trường đi vào ổn định.
Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: P.L) |
Đồng thời, ông Phùng Xuân Nhạ cũng đề nghị, thời điểm của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019, tuyển sinh đại học năm nay đã cận kề, Bộ trưởng mong muốn các cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhau đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức thành công kỳ thi này an toàn, hiệu quả và thành công.
Nội dung bức tâm thư nói gì?
Ngày 6/6/2019, hàng chục cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng đồng loạt ký tên, trong một bức tâm thư gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Lý do hai Phó Giáo sư của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh xin từ chức |
Nội dung của bức tâm thư này có đoạn viết:
Những đơn kiện, thư nặc danh, các thông tin cáo buộc được cho là vi phạm pháp luật chỉ xuất hiện ồ ạt, kể từ khi nhiệm kỳ Hiệu trưởng của giáo sư Mai Hồng Quỳ sắp kết thúc (hiện bà Quỳ đã nghỉ hưu, chuyển sang làm Hiệu trưởng một trường đại học tư thục).
Và đặc biệt, hiện nay, khi mà Luật Giáo dục Đại học năm 2018 sắp sửa có hiệu lực, sẽ trao quyền cho Hội đồng trường trong việc quyết định ai là Hiệu trưởng.
Đa số các thông tin, đơn thư nói trên đều nhắm tới người đang, hoặc có thể sẽ gánh vác trách nhiệm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng của nhà trường, đe dọa lợi ích của một nhóm nhỏ.
Nguy hiểm hơn nữa, hàng loạt thông tin được đưa ra trong thời gian gần đây, khi Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhiều trường đại học khác trong cả nước sắp bước vào kỳ thi tuyển sinh vào đại học.
“Trong bối cảnh đó, chúng tôi mong Bộ trưởng sẽ có những chỉ đạo, để các hành vi nếu bị coi là vi phạm pháp luật tiếp tục được thanh tra, xử lý theo đúng quy trình, phù hợp với các quy định của pháp luật.
Chúng tôi mong mỏi Bộ trưởng sẽ có những chỉ đạo, tạo điều kiện để tinh thần dân chủ, chân chính tiếp tục được tôn trọng trong tập thể Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, môi trường giáo dục Việt Nam nói chung”.