LTS: Trước những phản ánh của một số giáo viên về việc Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng các trường không tham gia dạy thao giảng, thầy giáo Sông Trà cho rằng không có quy định bắt buộc Ban giám hiệu phải làm việc này.
Tác giả cũng cho rằng các thầy cô giáo nên thấu hiểu công việc của Ban giám hiệu và bớt so bì để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để rộng đường dư luận Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết và mong nhận được thêm nhiều ý kiến trao đổi!
Thông tư 29/2009/TTBGDDT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về Chuẩn hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông nhiều cấp học và Thông tư 14/2011 về Chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học.
Trong đó, có quy định, mỗi Hiệu trưởng phải trực tiếp giảng dạy 2 tiết/ tuần, Phó Hiệu trưởng 4 tiết/ tuần.
Theo phân tích, lý giải của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc đứng lớp này là để Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng thường xuyên nắm bắt được tình hình dạy - học của giáo viên và học sinh.
Từ đó, giúp cho công tác quản lý, chỉ đạo, kiểm tra cụ thể, sâu sát hơn, đồng thời có trực tiếp giảng dạy, các thầy, cô giáo Ban giám hiệu mới được nhận tiền phụ cấp đứng lớp.
Giáo viên nên hiểu hơn công việc của Ban giám hiệu. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Quy định như vậy đã, đang vấp phải ý kiến trái chiều, trong đó có sự không đồng tình của nhiều cán bộ quản giáo dục ở cơ sở vì cho đây là quy định hình thức nhất của Thông tư.
Không phải bỗng dưng mà học sinh quen với thầy, cô giáo bộ môn, việc Hiệu trưởng chen ngang vào dạy phần nào, dạy lớp nào cũng là điều cần tính toán, cân nhắc kỹ.
Trong khi đó chỉ với 2 tiết thì chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa” tuy chẳng khó khăn, nặng nề gì nhưng hầu như không ai thực hiện quy định này.
Cô N.T.T, Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Quảng Nam cho biết: “Quy định thì phải thực hiện, song giải pháp an toàn nhất là chọn dạy 2 tiết đạo đức.
Chọn như thế sẽ không làm phá vỡ, ảnh hưởng đến thời khóa biểu dạy - học của giáo viên và học sinh lâu nay.
Do quy định mang tính hình thức nên nhiều trường né bằng cách giờ sinh hoạt của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng dưới cờ cũng được tính vào giờ dạy học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Vì sao Phó hiệu trưởng chuyên môn lại không dám dạy thao giảng? |
Ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông nhiều nơi cũng có thực tế như thế, nếu các thầy cô Ban giám hiệu dạy môn nhiều tiết như Toán, Ngữ văn thì nhà trường rất khó phân thời khóa biểu.
Một lớp có đến hai người dạy, mỗi người dạy một phần, một khúc, học sinh nắm bắt bài vở, kiến thức, điểm số gặp trở ngại…
Biện pháp gỡ rối, nhà trường đành bố trí Ban giám hiệu dạy các tiết hoạt động ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp nghề.
Có mấy Ban giám hiệu nào muốn dạy những chuyên môn, hoạt động khác đâu?
Gần đây, nhiều giáo viên ở các địa phương có phần so bì, tính hơn thua với Ban giám hiệu, nhất là Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn.
Giáo viên thì thỉnh thoảng phải thao giảng để tổ, nhóm, cả trường dự giờ, góp ý còn Ban Giám hiệu lại không phải thao giảng một tiết nào, trong khi đó cán bộ quản lý được tiếp cận, tập huấn, bồi dưỡng nhiều về đổi mới giáo dục, phương pháp dạy học…
Ban giám hiệu không thao giảng thật là uổng phí, giáo viên thiếu nể phục (vì không thực tiễn, dạy mẫu), bản thân Ban giám hiệu sẽ chủ quan, lơ là trong đầu tư chuyên môn.
Về dự giờ, thao giảng, Thông tư số: 12 /2009/TT-BGDĐT, ngày 12/5/2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định cụ thể:
“Lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) đảm bảo dự ít nhất 01 tiết dạy / giáo viên; tổ trưởng, tổ phó đảm bảo dự giờ giáo viên trong tổ chuyên môn ít nhất 04 tiết dạy / giáo viên;
Mỗi giáo viên thực hiện ít nhất 02 bài giảng có ứng dụng công nghệ thông tin, 04 tiết dạy của hội giảng hoặc thao giảng do nhà trường tổ chức và 18 tiết dự giờ đồng nghiệp trong hoặc ngoài nhà trường”.
Căn cứ theo Thông tư trên, chúng tôi thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đâu có quy định, bắt buộc cán bộ quản lý phải thao giảng, hội giảng mà việc đó chỉ dành cho giáo viên.
Do quy định rõ ràng như vậy nên trong thực tế rất ít hoặc hiếm có Ban giám hiệu trường nào dạy thao giảng, hội giảng cả.
Không phải tôi là cán bộ quản lý mà bênh vực, đấu tranh dành phần thắng cho phía mình.
Công tâm, khách quan mà nói, nhiều giáo viên chưa nắm bắt, hiểu hết tính chất công việc của những người quản lý dưới cơ sở.
Làm đúng nghĩa, vai trò, trách nhiệm của Ban giám hiệu rất vất vả, áp lực hơn giáo viên nhiều, như ông, bà từng nói: “Một người lo bằng kho người làm”.
Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng dạy 2 và 4 tiết/ tuần là có cái lý của nó, dạy chỉ để nắm bắt thực tiễn thôi, cái chính là quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Thiết nghĩ, giáo viên mình nên bớt so bì, tính toán thiệt hơn đi, việc ai, người nấy làm, để những người quản lý - những đầu tàu toàn tâm, toàn ý vào chức năng quản lý, chỉ đạo, điều hành cho tốt mọi công việc, hoạt động của đơn vị trường học.
Nhiều trường học phát triển, chất lượng giáo dục khá tốt, trong đó không thể không nhắc đến vai trò, tầm lãnh đạo của cán bộ quản lý ở đó.