LTS: Việc Hiệu phó của nhiều trường đang nhờ giáo viên lên lớp hộ là thực tế được nhiều giáo viên khẳng định.
Trong bài viết này, cô giáo Thuận Phương chỉ ra một số lý do khiến các thầy, cô Hiệu phó né tránh việc thao giảng.
Cô giáo Thuận Phương cũng nhờ các độc giả hiến kế để giải quyết vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bài viết “Hiệu phó của nhiều trường đang nhờ giáo viên lên lớp hộ” của tác giả Đỗ Quyên đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự đồng tình của nhiều độc giả.
Mọi người đều khẳng định chuyện Hiệu phó chuyên môn ở các trường học không bao giờ dạy một tiết thao giảng, hội giảng trước giáo viên.
Nếu là giáo viên thì ai cũng hiểu điều này, còn những người ngoài ngành chắc chắn đều có thắc mắc “Vì sao lại có chuyện này? Vì sao phần lớn các Hiệu phó lại sợ phải dạy thao giảng trước giáo viên – việc mà giáo viên vẫn thường dạy ở trường trước biết bao đồng nghiệp?”.
Vì sao các Hiệu phó lại không đứng lớp thao giảng? (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Thiếu năng lực chuyên môn
Thường thì giáo viên nào được đề bạt lên làm Hiệu phó phải hội tụ đủ về phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn.
Thế nhưng trong thực tế lại hoàn toàn khác, bên cạnh một số giáo viên thật sự xứng đáng, nhiều giáo viên tuy không nổi trội hơn đồng nghiệp về chuyên môn nhưng được đánh giá là “hiền lành, dễ bảo, nói gì nghe nấy” hoặc một số người lên chức bằng cách đi “con đường vòng” mà nhiều người thường nói vui là “đi bằng đầu gối”.
Bởi thế, bỗng dưng được làm lãnh đạo, họ lại trực tiếp chỉ đạo chuyên môn một trường học nên phải gồng mình lên để thể hiện, để chứng tỏ.
Phụ trách chuyên môn một trường, lời của Hiệu phó trở thành mệnh lệnh để giáo viên thực thi.
May mắn cho trường có Hiệu phó giỏi, nếu gặp Hiệu phó dở thì chuyên môn trường đó chắc chắn thuộc dạng bết bát. Giáo viên dù cứng lý đến đâu cũng ít người dám phản biện vì họ lại sợ liên lụy, sợ trù úm.
Hiệu phó quản lý tất cả chuyên môn của trường từ giáo viên đến học sinh. Trực tiếp chỉ đạo và kiểm tra giáo viên từ hồ sơ sổ sách, chuyên đề, tiết dạy, tiết thao hội giảng…
Kiểm tra lúc nào, bao giờ kiểm tra… đều do chủ định của Hiệu phó đưa ra.
Tránh thao giảng, hội giảng
Trong giảng dạy, để góp ý một tiết dạy thì vô cùng dễ, càng những ai không giảng dạy, nói lại càng hay bởi do xa rời thực tế nên họ phải đầu tư kiến thức bằng cách đọc nhiều lý thuyết, xem nhiều tiết dạy mẫu trên băng hình hay dự giờ giáo viên thường xuyên… nên dù góp ý tiết dạy rất hay nhưng đôi khi rất khó áp dụng vào việc giảng dạy trên lớp.
Còn khi dạy trước học sinh, trước một bài học cụ thể, do thiếu thực tế vì lâu ngày không đứng lớp, nhiều Hiệu phó cũng tỏ ra lúng túng và thường mắc lỗi sai mà mình đã từng góp ý giáo viên…
Nếu thế thì “mất mặt” quá, giáo viên sẽ ít tin tưởng, ít nể phục đương nhiên Hiệu phó sẽ “khó ăn nói” sau này.
Hàng năm, mỗi trường học đều có kế hoạch thực hiện các chuyên đề từ cấp tổ đến cấp trường.
Tổ trưởng có nhiệm vụ lên chuyên đề, thực hiện chuyên đề và từng giáo viên trong tổ luân phiên thực nghiệm.
Nếu là chuyên đề của trường, Phó Hiệu trưởng lên chuyên đề (lý thuyết), phân công giáo viên trong trường thể hiện.
Giáo viên được chọn dạy tiết thể nghiệm cũng được “chọn mặt gửi vàng”.
Để lên một tiết chuyên đề của trường thành công, thường giáo viên phải soạn bài trước trình lên Phó Hiệu trưởng xem, nhận xét, bổ sung, chỉnh sửa rồi cuối cùng thực hành giảng dạy trước giáo viên toàn trường.
Lẽ ra, đây phải là thời điểm để Hiệu phó chuyên môn các trường thể hiện năng lực của mình trước giáo viên là trực tiếp giảng dạy một tiết do chính mình lên chuyên đề nhưng hầu như ai cũng né.
Lục nghề
Vì kiểu né tránh thao hội giảng trước giáo viên nên nhiều Hiệu phó đã bị “lục nghề” (một cách nói quen thuộc mà giáo viên thường dùng).
Một số Hiệu phó trẻ còn đỡ, những Hiệu phó đã có thâm niên hàng chục năm trở lên thì một tiết dạy trên lớp của họ cũng vô cùng khó khăn.
Do không thường xuyên giảng dạy, chưa bao giờ lên tiết thao, hội giảng lại chẳng bị ai kiểm tra, họ chẳng cần phải xem bài, nghiên cứu phương pháp, hình thức dạy sao cho hiệu quả…
Nghẹt nỗi, nhiều người dở lại không biết mình dở nên cũng chẳng cần học hỏi, tự cho mình cái quyền chỉ đạo, kiểm tra người khác nên không ít Hiệu phó đã từng “làm mưa làm gió” ở trường như việc đì giáo viên vì dám phản biện, dám không nghe lời.
Nhiều giáo viên cũng sợ Hiệu phó của mình sử dụng “quyền kiểm tra” nên phần lớn đều “cúc cung tận tụy” để được yên thân.
Cách nào thay đổi được thực trạng trên? Câu trả lời xin chờ cao kiến của các độc giả.