Giao chỉ tiêu đóng góp!
Là công trình mang ý nghĩa tâm linh, thế nhưng ngay từ lúc bắt đầu thực hiện, công trình Đền thờ Liệt sỹ huyện Yên Thành, Nghệ An đã gặp nhiều phản ứng trái chiều. Người dân cho rằng văn bản của lãnh đạo UBND huyện kêu gọi nhân dân góp mang tính áp đặt và mức đóng góp quá cao với một vùng quê thuần nông như nơi đây.
Cụ thể, trong lá thư kêu gọi xây dựng Đền thờ liệt sỹ, ông Phan Văn Tân - Bí thư Huyện ủy Yên Thành (ngày 18/6/2014) thì UBND huyện Yên Thành đã ban hành thông báo giao chỉ tiêu đóng góp. Theo đó, chỉ tiêu giao phải đóng góp được quy định cụ thể như sau: Nông dân ở các thôn xóm, mỗi gia đình từ 30 ngàn đồng trở lên; Trưởng, phó các phòng ban ngành cơ quan cấp huyện và xã, thị trấn mỗi người từ 15 ngày lương trở lên; cán bộ, công nhân viên chức mỗi người từ 05 ngày lương trở lên.
Mặc dù số tiền kêu gọi mới được quá ít so với dự kiến nhưng UBND huyện Yên Thành đã vội vàng cho nhà thầu rầm rộ thi công công trình Đền thờ liệt sỹ của huyện này. |
Chuyện tâm linh người dân ai cũng mong muốn làm, nhất là đối với các công trình tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ non sông đất nước. Nhưng oái oăm là cách kêu gọi của lãnh đạo huyện Yên Thành chẳng giống nơi đâu. Bởi đã kêu gọi làm công trình xã hội thì tùy người dân phụ thuộc vào hoàn cảnh. Người có nhiều sẽ đóng nhiều, người có ít sẽ đóng ít nhưng căn bản tấm lòng của họ. Nhưng ở đây với thư kêu gọi này chẳng hiểu vô tình hay cố ý mà UBND huyện Yên Thành đã đưa người dân vào hoàn cảnh “tự nguyện trên tinh thần ép buộc”. Do điều đó nên khi văn bản kêu gọi này được triển khai xuống cơ sở đã khiến dư luận bắt đầu dậy sóng.
Qua tiếp xúc với người dân, đa số bày tỏ quan điểm: Việc xây dựng Đền thờ cho các liệt sỹ là việc làm tâm linh nên chúng tôi ủng hộ. Nhưng Yên Thành là một huyện nghèo, đời sống của đại đa số cán bộ, nhân dân còn khó khăn.
Trong khi đó tại Yên Thành mỗi xã đã có một nghĩa trang liệt sỹ. Huyện cũng đã có một nghĩa trang liệt sỹ khang trang chung cho cả toàn huyện. Vậy nếu có làm thì làm vừa sức dân để dân còn ủng hộ, đóng góp chứ có hẳn nhất thiết phải làm lớn lên đến hơn 45 tỷ đồng như vậy.
Bởi làm lớn vậy là vượt quá sức dân, giờ bắt dân đóng góp lại thêm một gánh nặng cho người dân. Mà chủ yếu dân Yên Thành chúng tôi còn đang là nông dân tất cả thu nhập đều phụ thuộc vào mấy sào ruộng.
Trong khi đó Nghĩa trang liệt sỹ của huyện Yên Thành ở gần cạnh đang còn khang trang lại không được chú trọng quan tâm để trâu, bò ra vào tự do |
Một cán bộ trưởng ngành cấp huyện cho biết thêm: Cuộc họp UBND huyện để triển khai vận động nhân dân góp tiền đã không nhận được sự đồng thuận của rất nhiều đại biểu. Rất nhiều giáo viên trên địa bàn cũng đã phản ứng việc lãnh đạo huyện áp mức đóng góp cho họ.
Đời sống giáo viên còn khó khăn, chưa kể những giáo viên đang làm việc với chế độ hợp đồng, mức áp đóng góp 5 ngày lương rõ ràng là điều không hợp lý. Thế nhưng sự việc vẫn được lãnh đạo UBND huyện quyết định và chỉ đạo ra thông báo áp chỉ tiêu quyên góp!
“Đơn vị tôi chỉ có 11 nhân sự, mà huyện áp xuống đóng góp đến 12 triệu đồng!”, một cán bộ cơ sở bức xúc nói!
Tuy nhiên trái ngược với điều phóng viên ghi nhận được thì trong buổi làm việc lãnh đạo UBND huyện Yên Thành lại cho rằng: Đại đa số nhân dân ủng hộ chủ trương xây dựng Đền thờ Liệt sỹ vì đây là công trình mang ý nghĩa tâm linh.
Để khẳng định việc làm trên là đúng nên ông Nguyễn Tiến Lợi - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho rằng: Một số huyện phía Bắc đã làm những công trình như vậy làm rồi. Trong tỉnh Nghệ An thì huyện Diễn Châu cũng đã xây dựng rồi, nên lãnh đạo UBND huyện Yên Thành cũng quyết định xây dựng.
Mặc dù không đủ năng lực làm Tổ trưởng tư vấn đấu thầu nhưng ông Nguyễn Vương Ngọc - Trưởng phòng Công thương huyện Yên Thành vẫn chấm bảng điểm thầu cho các đơn vị đấu thầu |
Về số vốn lên đến 45 tỷ đồng, lãnh đạo huyện lý giải: Kêu gọi nhân dân đóng góp dự kiến khoảng 5 tỷ đồng, số còn lại dùng ngân sách của huyện hàng năm. Tuy nhiên theo số liệu của Văn phòng UBND huyện Yên Thành, tính đến ngày 31/7/2014 số tiền của các cá nhân, tổ chức ủng hộ mới thu được hơn 1 tỉ đồng.
Trong khi đó còn rất nhiều công trình xã hội cần thiết như điện, đường, trường, trạm… tại một số xã và tại một số tuyến đường trung tâm nối các xã với trung tâm huyện Yên Thành đang xuống cấp. Phải chăng nếu nguồn tiền 45 tỷ đồng đó đầu tư vào các công trình này sẽ hợp lý hơn. Bởi cái này là phục vụ thiết thực để nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với đó công trình Nghĩa trang liệt sỹ huyện Yên Thành đang còn mới và khang trang.
Công tác đấu thầu có nhiều sai phạm
Để sớm thi công công trình này ngày 22/11/2012, UBND huyện Yên Thành đã ký Quyết định số 6101/QĐ.UBND-ĐTXD, cho phép thành lập dự án đầu tư xây dựng công trình “Đền thờ liệt sỹ huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An”. Dự án này cũng đã được lãnh đạo UBND huyện Yên Thành phê duyệt vào ngày 19/2/2013; do ông Nguyễn Viết Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành làm Trưởng ban quản lý Dự án.
Kế hoạch đấu thầu xây dựng công trình Đền thờ Liệt sỹ cũng đã được thông qua. Đến ngày 14/6/2013, bằng quyết định số 2328/QĐ.UBND do Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành - Phan Văn Tuyên ký thì Tổ tư vấn đấu thầu công trình đã được thành lập gồm 03 thành viên đang công tác tại phòng Công thương huyện Yên Thành. Trong đó ông Nguyễn Vương Ngọc - Trưởng phòng Công thương được phân công làm tổ trưởng.
Điều đáng nói, mặc dù là công trình tâm linh đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước và công sức đóng góp của nhân dân thế nhưng lãnh đạo UBND huyện Yên Thành không hiểu do vô tình hay cố ý đã bỏ qua rất nhiều quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bởi theo Ban quản lý dự án có chức năng rất quan trọng liên quan đến hầu hết toàn bộ quá trình tiến hành xây dựng công trình như: Kiểm tra, thẩm định thiết kế, dự toán công trình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Tổ chức việc đấu thầu hoặc chọn thầu; Quản lý thi công xây dựng công trình; Kiểm tra chất lượng thi công, xác nhận tính pháp lý khối lượng hoàn thành và làm các thủ tục thanh toán…
Chính vì sự quan trọng đó nên tại Khoản 2 điều 43 Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 “Về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình” đã quy định rõ như sau: “ Giám đốc tư vấn quản lý dự án phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp với yêu cầu của dự án, có chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án.
Bên cạnh đó, đối với các dự án mà chủ đầu tư là UBND cấp huyện như Đền thờ liệt sỹ huyện Yên Thành thì Trưởng Ban quản lý Dự án buộc phải có thêm các điều kiện: Có chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án và có kinh nghiệm làm việc chuyên môn tối thiểu 3 năm.
Đối chiếu với các quy định trên, Trưởng ban Quản lý dự án công trình Xây dựng Đền thờ Liệt sỹ huyện Yên Thành là ông Nguyễn Viết Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện không đủ tiêu chuẩn. Bởi ông Hưng xuất thân từ giáo viên, tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm. Sau khi giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành, ông Hưng cũng chỉ được giao phân công quản lý mảng văn hóa, xã hội. Như vậy cho thấy ông Hưng không hề có kinh nghiệm chuyên môn liên quan đến lĩnh vực xây dựng cơ bản theo quy định.
Mặc dù vậy nhưng ông Hưng đã ký nhiều văn bản và chỉ đạo Ban Quản lý dự án tham mưu cho chủ đầu tư là UBND huyện Yên Thành các trình tự về kiểm tra, thẩm định thiết kế, dự toán công trình; chỉ đạo tổ chức việc đấu thầu và tham mưu lãnh đạo UBND huyện Yên Thành phê duyệt.
Cùng với đó theo “khoản 2, điều 9, Luật Đấu thầu 2005” thì Tổ tư vấn đấu thầu công trình cũng được quy định rõ phải đáp ứng các yếu tố sau: Ngoài các yếu tố chung theo quy định thì thành viên của Tổ tư vấn đấu thầu bắt buộc phải là người có trình độ chuyên môn liên quan đến gói thầu.
Quy định luật như vậy vì Tổ tư vấn đấu thầu sẽ làm công việc trực tiếp chấm điểm để lựa chọn ra nhà thầu đủ năng lực xây dựng công trình. Bởi chất lượng của công trình tốt hay xấu phụ thuộc rất lớn vào năng lực của nhà thầu xây lắp. Nhưng ông Nguyễn Vương Ngọc - Trưởng phòng Công thương là người không có chuyên môn về lĩnh vực xây dựng nhưng đã được UBND huyện quyết định cho vào danh sách tổ Tư vấn Đấu thầu. Ông Ngọc đã được phân công làm Tổ trưởng tổ Tư vấn Đấu thầu. Nhưng ông Ngọc chỉ tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc Dân. Trước khi giữ chức vụ Trưởng phòng Công Thương thì ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ khác nhưng không hề có kinh nghiệm về quản lý xây dựng công trình như chuyên môn của gói thầu yêu cầu.
Không đủ năng lực nhưng có lẽ vì được giao phó trọng trách quan trọng này nên trên cương vị Tổ trưởng, ông Ngọc đã chỉ đạo các thành viên tiến hành phân loại để chọn ra nhà thầu đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Rồi chính ông Ngọc là người đã trực tiếp chấm điểm để đánh giá về năng lực của nhà thầu.
Cụ thể, tại Bảng đánh giá hồ sơ dự thầu, ông Ngọc đã liên tiếp chấm “đạt” 100% về các tiêu chí kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính để giúp cho Công ty CP xây dựng Nhân Thắng để đơn vị này tiến sâu hơn và cuối cùng đơn vị này đã thắng thầu.
Sau khi mọi quy trình trong việc thực hiện công trình đã được ký duyệt hoàn tất trên cơ sở nhiều sai phạm như vậy. Cùng với đó vốn huy động chưa được bao nhiêu, thế nhưng công trình xây dựng Đền thờ Liệt sỹ huyện Yên Thành đã được khởi công khá rầm rộ và hiện nay doanh nghiệp trúng thầu là Công ty Cổ phần Xây dựng Nhân Thắng đã điều động xe, máy để san lấp mặt bằng, tiến hành thi công các hạng mục.
Phải chăng vì có sự nóng vội việc thi công công trình mà UBND huyện Yên Thành đã làm việc tắc trách dẫn đến những sai phạm pháp lý như trên. Vậy thực tế nhà thầu là Công ty CP Xây dựng Nhân Thắng trúng thầu đã đúng theo các quy định và đáp ứng đủ các yếu tố cần để thi công công trình hay chưa chúng tôi sẽ đề cập ở bài viết sau