Lính hải quân Trung Quốc, hình minh họa: Reuters. |
Đa Chiều ngày 24/5 bình luận, sự kiện hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc chạm trán nhau ngoài (không phận quốc tế) quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đã làm tình hình Biển Đông đang hết sức căng thẳng. Nhưng phản ứng của Trung Nam Hải lần này khác hoàn toàn các lần trước.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 21 nói không nắm rõ tình hình, ngày 22 cũng chỉ bày tỏ "vô cùng bất mãn" với hành động của Mỹ. Bộ Quốc phòng Trung Quốc thì không công bố thông tin nào về việc theo dõi, ngăn chặn máy bay Mỹ như cuộc khủng hoảng vùng nhận diện phòng không Hoa Đông năm 2013.
Theo thông lệ, khi máy bay hay tàu chiến Mỹ tiến sát các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa, Bắc Kinh sẽ nhanh chóng lu loa và khẩn trương can thiệp ngoại giao, đồng thời phái chiến đấu cơ cất cánh cảnh cáo như đã làm với máy bay quân sự Mỹ - Nhật ở Hoa Đông. Nhưng tại sao lần này Trung Nam Hải, Lầu Bát Nhất lại tỏ ra thụ động, "im hơi lặng tiếng" trước Hoa Kỳ ở Biển Đông?
2 cơ quan Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng chưa đề cập tới phương án cụ thể nào nếu máy bay, tàu chiến Hoa Kỳ tiến vào phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo để bác bỏ yêu sách "lãnh hải" (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc. Không chỉ "lý nhí" trong phản ứng trước vấn đề Mỹ kéo vào 12 hải lý, lần này Trung Quốc còn liên tục mời Hoa Kỳ cùng sử dụng các đảo nhân tạo này vào các mục đích phi quân sự. Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc nói điều này với Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ hôm 29/4.
Ngày 11/5, Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ tiếp tục nhắc lại đề nghị trên. Và ngay cả lần này khi Lầu Năm Góc xác quyết sẽ kéo tàu, máy bay vào vùng biển, vùng trời quốc tế 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Trường Sa, hôm 23/5 Ngô Kiến Dân, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Pháp và là chuyên gia tư vấn chính sách đối ngoại Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục mời Hoa Kỳ sử dụng chung các đảo nhân tạo này cho mục đích cứu hộ cứu nạn thiên tai.
Theo Đa Chiều, đáng chú ý hơn nữa là thái độ xuống nước của Trung Quốc ở Biển Đông không chỉ với Hoa Kỳ mà còn với Việt Nam trong vụ hạ đặt (bất hợp pháp) giàn khoan 981 (trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam) tháng 5 năm ngoái. Sau đó Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc đưa ra cái gọi là "tư duy song trục" giải quyết vấn đề Biển Đông, Lý Khắc Cường sau đó nhắc lại.
"Tư duy song trục" ở đây là "các bên liên quan trực tiếp giải quyết một cách hòa bình thông qua đàm phán, hòa bình và ổn định ở Biển Đông do Trung Quốc và ASEAN cùng bảo vệ". Nói cách khác, Bắc Kinh tìm cách gạt Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ hay bất kỳ bên thứ 3 nào khác. Lý Khắc Cường cũng nhắc lại điều này.
Đa Chiều cho rằng, sở dĩ có sự thay đổi này là bởi Biển Đông là điểm khởi đầu cũng là chỗ bế tắc của chính sách Con đường Tơ lụa mới trên biển mà Tập Cận Bình đang theo đuổi. Trung Quốc muốn gạt Mỹ khỏi Biển Đông, nhưng sự thực đến thời điểm này Bắc Kinh làm không nổi nên buộc phải thay đổi thái độ chấp nhận sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Biển Đông và tìm cách hóa giải.
Điều này không chỉ thể hiện rõ ở việc liên tục mời Mỹ sử dụng chung đảo nhân tạo, mà ngay cả khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry công khai tuyên bố "hỏi tội" Trung Quốc ở Biển Đông thì Trung Nam Hải vẫn đón tiếp trọng thị, và bây giờ là tỏ ra xuống nước với Mỹ ở Trường Sa.
Trong một động thái có liên quan, cũng theo Đa Chiều ngày 24/5, nhà phân tích chiến lược và kỹ thuật người Nga Vasily Kashin cho rằng nếu máy bay và tàu chiến Hoa Kỳ một lần nữa áp sát đảo nhân tạo hoặc tiến vào 12 hải lý, Trung Quốc có thể bắn cảnh cáo hoặc phái chiến đấu cơ xua đuổi, ngăn chặn.
Kashin cho rằng Hoa Kỳ điều máy bay trinh sát và tàu hải quân tuần tra trên Biển Đông "không phải là một động thái khôn ngoan hay hành vi có trách nhiệm, mà nó là hành động mạo hiểm"?! Ông Kashin lập luận, Washington sai lầm khi cho rằng Trung Quốc không dám làm gì, nhưng nếu Hoa Kỳ còn tiếp tục, Bắc Kinh sẽ phản ứng.