Trước ngày dự giờ, một lớp học 45 em nhỏ được cô giáo chủ nhiệm duyệt lại lần cuối cùng, nhiệm vụ được phân công rõ ràng, ai trả lời trước, ai trả lời sau, câu hỏi thế nào…đã được lập trình sẵn.
Một khung cảnh căng thẳng ngay từ khi một vài thầy cô dự giờ bắt đầu cầm sổ tiến vào, mọi thứ cứ lần lượt, đều đều diễn ra theo kịch bản, rồi kết thúc bằng tràng pháo tay giòn giã. Dĩ nhiên, tiết học thành công rực rỡ.
Đó là câu chuyện của ký ức nhiều năm về trước, mãi sau này lớn lên, mới biết - một phần rất lớn của buổi học đó - người ta không dùng vào mục đích giáo dục. Vì chắc chắn, những buổi học như vậy chỉ được “biên đạo” khi có yêu cầu.
Tiết học có giáo viên dự giờ (Ảnh minh họa: laodong.vn). |
Những thầy cô, họ hiển nhiên biết không thể nào có những giờ học “nghiêm túc” đến mức lạ thường như vậy, nhưng tuyệt nhiên không ai nói ra, vì đó là thành tích cá nhân - một loại định mức phải đạt và vượt trong năm học.
Lỗi nằm ngay chính trong cách người ta quan điểm về thành tích. Vì sao đó không phải là một tiết học bất kỳ? Vì sao người ta không muốn nhìn thấy giáo dục một cách gần gũi nhất, như chính nét mặt thường thấy của giáo viên khi học trò không thuộc bài?
Thành tích là phải đẹp, phải hay? Đương nhiên rồi! Nhưng từ bao giờ lại xuất hiện khái niệm “hay” và “đẹp” không gắn liền với cái “thật”. Mỹ học luôn quan niệm cái đẹp phải là “chân - thiện ”.
Vì vậy, dối trá chưa bao giờ được đồng hành với cái đẹp, thế mà người ta cứ vô tư chấp nhận nó để tạo ra thành tích.
Thành tích thái quá được gọi là một thứ bệnh trong giáo dục, có nghĩa rằng phần lớn chúng ta đã quy trúng vấn đề. Thế mà nhiều năm qua không ai chạy chữa thuốc thang, phải chăng thứ bệnh này vấn đem lại lợi ích cho ai đó?
Thật ra, không chỉ có giáo dục mới tồn tại loại bệnh này, mà rất nhiều lĩnh vực. Đến ngồi nghe một buổi lễ tổng kết ngành, lĩnh vực, hay xem một báo cáo tóm tắt hoạt động ABC…đều ngửi thấy mùi thành tích hão.
Nhưng, chỉ có bệnh thành tích trong giáo dục mới dễ thấy vì nó biểu hiện trực lên con người - với tư cách là sinh vật có ý thức duy nhất trên hành tinh.
Còn bao nhiêu thứ “không biết nói, không thể nói” bị hàm oan bởi căn bệnh này mà không thể há miệng!
Dông dài có thể thấy rất nhiều: Ví dụ, con bò trượt chân té xuống mương, làm vỡ bờ kênh, lộ ra kết cấu…bê tông cốt gỗ! Rồi cao tốc 34 ngàn tỷ đồng lồi lõm bong tróc do trời mưa nắng bất thường…mà những công trình này chắc chắn có tên trong bản báo cáo “những gì đã làm được” của ngành và địa phương!
Hàng trăm cái tát phạt học sinh được báo chí mổ xẻ phân tích nhiều ngày qua, nhưng suy đến cùng - cô giáo Thủy cũng chỉ là nạn nhân của môi trường giáo dục thiếu tính chân thật.
Chưa ai cổ vũ cách dạy học bằng bạo lực, nhưng ít ai thấy được sức ép vô hình đặt lên người giáo viên, không chỉ là cách quản trị lớp học mà còn vô số thứ khác, phần nào làm tha hóa nhiều người cầm phấn.
“Chỉ tiêu trên giao xuống” là chiếc vòng kim cô buộc phải tuân theo, ai cũng có thể chỉ ra bất cập, nhưng ngặt nỗi rất ít người có thể “bật” lại cấp trên.
Tất cả đều hô hào ra quân phấn đấu thi đua đầu mỗi năm học mà không ít lấn cấn mắc mớ chưa được hanh thông.
Cô giáo Thủy cảm thấy bị áp lực bởi thành tích phải đạt được, nhưng rất tiếc, nơi phải “giải bày” không phải là cơ quan cấp trên của mình nên cuối cùng học trò phải gánh chịu.
Nếu mường tượng ra những tiết học được dàn dựng sẽ làm vui cho ai đó, nhưng người ta vô tình bỏ qua suy nghĩ của con trẻ, đừng nghĩ bọn trẻ con không biết. Nhưng rồi bọn trẻ không thể bày tỏ điều đó với ai.
Chúng chấp nhận điều dối trá và chung sống với nó đến lúc trưởng thành, lâu dần trở thành thói quen tại hại, thói quen chấp nhận sự dối trá để yên thân.
Hết thế hệ này đến thế hệ khác, những đứa trẻ bị giáo dục dối trá rồi cũng trở thành người đứng trên bục giảng, trong tâm trí của những nhà giáo thế hệ “n” - dự giờ và dàn dựng sao cho đẹp mắt là điều đương nhiên.
Rồi cũng có thể, có người trở thành lãnh đạo các cấp trong ngành - và tiếp tục coi thành tích là thứ buộc phải có, bất kể được thực hiện dưới dạng nào. Bằng chứng là căn bệnh thành tích được nói đến rất lâu rồi mà không thể bỏ được.
Giáo dục nặng thành tích sẽ còn tồn tại nếu vẫn còn một bộ phận lớn người dạy học đồng ý thực hiện. Cứ thế, cứ nối tiếp từ năm này sang năm khác, thế hệ này sang thế hệ khác. Đến bao giờ thứ thành tích vô lý mới được xem là bất thường?
Vì sao những đứa trẻ có thể tát vào mặt bạn mình hàng trăm cái? Chúng thù ghét nhau đến vậy chăng? Không thể nào, mà chính mệnh lệnh từ người lớn buộc trẻ con phải làm vậy.
Người ta nói đến giáo dục phản biện - như là cách tốt nhất để cải cách, đổi mới và học. Nhưng đến cả giáo viên còn “đắn đo” việc phản biện lại chính sách bất cập của ngành thì làm sao học trò có thể?
Năm 2016, lúc bà Theresa May trúng cử Thủ tướng Anh, trên mạng phát tán một video của một bé gái 5 tuổi tên là Brooke ở London, đứa trẻ ấy hồn nhiên đầy nghiêm chỉnh gửi yêu sách đến tân Thủ tướng về vấn đề nhập cư.
Tạm dịch: “Tối hôm qua, khi con ra ngoài đường, con nhìn thấy hàng trăm, hàng triệu người vô gia cư. Có người còn đội mũ che đầu. Nhiều lắm luôn ạ!
Đáng nhẽ ra cô nên ở đó, cô Theresa May. Cô nên mang cho họ bánh quy, sô cô la nóng, bánh mì sandwich. Rồi cô nên xây luôn nhà cho họ nữa!”.
“Chúng ta đang phải đối mặt với nhiều cuộc chiến trên đất nước này. Và con không thích điều đó một chút nào, cô Theresa May ạ! Con đang rất giận dữ luôn…”.
Mọi thứ đều có nguyên nhân của nó, chúng ta đã thật sự muốn làm cái cần làm? Cải cách chỗ nào, bỏ cái gì, phát huy cái gì? Dạy ai, dạy cái gì, dạy ra sao? Đó xin được gọi là Triết lý giáo dục vậy.
Lỗi thầy được cho mặc sách? Vậy lỗi của sách là do ai? Chúng ta có thể thay đổi không chỉ là sách mà còn những thứ quan trọng hơn thế nữa.