Không phải chỉ sau sự cố bữa ăn bán trú trường học tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, mà công tác tổ chức bữa ăn bán trú hàng ngày cho học sinh tại Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) luôn được nhà trường chú trọng.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Võ Phương Bình – Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Quyền cho biết, do đặc thù của trường có đến gần 5.300 học sinh các khối từ 1 đến 5, trong đó số học sinh tham gia vào hoạt động bán trú buổi trưa lên đến gần 2.500 em, nên việc đảm bảo an toàn thực phẩm luôn là công việc hàng đầu được nhà trường chú ý.
Đảm bảo bữa ăn bán trú ở trường đông học sinh nhất thành phố
Theo đại diện Phòng Giáo dục tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, với số học sinh gần 5.300 em, Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Bình Tân) được coi là trường có đông học sinh nhất của thành phố.
Thầy Võ Phương Bình – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, ban đầu, khi tổ chức dịch vụ bán trú buổi trưa, số học sinh đăng ký ban đầu chỉ 300 em, nhưng số học sinh này tăng theo từng năm, do nhu cầu của phụ huynh cao.
Dù có số học sinh rất lớn, nhưng hiệu trưởng nhà trường khẳng định, đây là hoạt động mà trường nỗ lực rất lớn, luôn luôn phải kiểm soát tốt và thực hiện bài bản. Chất lượng bữa ăn và công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh luôn được trường đặt lên hàng đầu.
Mỗi ngày bán trú cho học sinh có trị giá là 35.000 đồng/em, trong đó bữa ăn trưa là 26.000 đồng và ăn xế chiều là 9.000 đồng. Trường giao cho một công ty cung cấp suất ăn công nghiệp thực hiện công tác nấu và chế biến ngay tại trường.
Thầy Võ Phương Bình mỗi buổi trưa luôn đến hỏi thăm việc ăn trưa của các em học sinh (ảnh: P.L) |
Việc này nhằm đảm bảo việc các suất ăn đến tay học sinh luôn ở tình trạng nóng hổi, đảm bảo chất lượng cao nhất, kiểm soát tốt ở khâu nhập và chế biến nguyên liệu, phân chia suất ăn cho học sinh.
Hàng ngày, cứ vào 5h30 sáng, trường cử đại diện lãnh đạo kim tra việc nhập nguyên liệu đầu vào, giám sát vào quy trình sơ chế, chế biến. Gần trưa, khi việc nấu nướng xong, luôn có lãnh đạo và nhân viên y tế trường và một số bộ phận đi kiểm tra thử thức ăn xem có vấn đề gì bất thường không, rồi sau đó lưu mẫu và phân chia suất ăn cho học sinh.
Do số lượng học sinh của trường tham gia bán trú rất đông, nên học sinh được phân ăn trưa theo ca, ưu tiên các em học sinh khối nhỏ trước. Học sinh luôn được hướng dẫn đi rửa tay, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rồi di chuyển tuần tự tới khu vực bàn ăn được sắp xếp từ trước của lớp mình để ăn trưa.
Khi học sinh ăn trưa, hàng chục bảo mẫu của trường và đơn vị chế biến đi quan sát, ghi nhận các trường hợp học sinh có dấu hiệu bất thường để kịp thời xử lý.
Gần 2.500 suất ăn trưa nóng hổi chờ đợi học sinh Trường Ngô Quyền vào mỗi buổi trưa (ảnh: P.L) |
Dù số học sinh đông như vậy, nhưng thầy Võ Phương Bình khẳng định rằng, sau nhiều năm thực hiện bán trú, cho đến nay trường vẫn chưa ghi nhận sự cố bất thường nào. Học sinh rất thích thú với bữa ăn trưa tại trường, đồng thời phụ huynh cũng yên tâm.
Hiệu trưởng chịu trách nhiệm an toàn cho bữa ăn học sinh
Ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian vừa qua, Sở đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trong trường học.
Sở đã chỉ đạo các trường phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện công tác giám sát việc chế biến, cũng như giá thành của một bữa ăn cho học sinh trong trường.
Lãnh đạo các trường phải trực tiếp chịu trách nhiệm liên quan đến việc kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm cho bếp ăn, thực phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Trong tháng 10 vừa qua, Sở cũng đã tổ chức tập huấn cho 24.000 nhân viên y tế trường học, chủ yếu vẫn là nội dung đảm bảo an toàn thực phẩm trong nhà trường. Sở cũng đồng thời có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện và thành phố Thủ Đức phối hợp công tác kiểm tra, giám sát nhằm giảm tối thiểu nhất các việc xảy ra với học sinh.
Với sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ngành giáo dục cũng đã thành lập các đoàn đi kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục, nhất là đối với tiểu học và mầm non, nắm lại tình hình các đơn vị cơ sở có thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm theo đúng quy định không.
Việc kiểm tra này được thực hiện đột xuất, phối hợp cùng với Ban An toàn thực phẩm tiến hành.