Bữa ăn bán trú của các trường ở Nghệ An được tổ chức như thế nào trong mùa dịch

15/12/2021 06:46
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các trường ở Nghệ An đã có nhiều phương án linh hoạt để đảm bảo việc tổ chức các bữa ăn bán trú vừa có chất lượng, vừa làm tốt an toàn phòng dịch.

Trong lúc dịch bệnh Covid – 19 còn đang diễn biến hết sức phức tạp, ngành giáo dục nhiều địa phương ngoài việc phải tranh thủ thời gian để tập trung cho việc dạy học trực tiếp thì còn phải lên các phương án để đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú cho các học sinh.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về các phương án để đảm bảo an toàn khi tổ chức các bữa ăn bán trú ở trường, thầy Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết: “Khi các học sinh được quay trở lại trường để đi học trực tiếp, việc sắp xếp các bữa ăn bán trú cho các em như thế nào để đảm bảo an toàn phòng dịch cũng là việc cực kỳ quan trọng.

Chính vì thế, để chủ động trong công tác phòng dịch và kiểm soát tốt các điều kiện sinh hoạt, đi lại của học sinh trong trường khi các em ăn bán trú tại trường, chúng tôi cũng đã quán triệt tinh thần là trường nào đảm bảo đủ các điều kiện thì mới cho tổ chức thực hiện việc này.

Thầy Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục Nghệ An. Ảnh: Trung Dũng

Thầy Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục Nghệ An. Ảnh: Trung Dũng

Qua đó, nhiều trường ở Nghệ An cũng đã có sự bố trí rất linh hoạt khi tổ chức các bữa ăn bán trú. Ở những trường nội trú thuộc địa bàn miền núi, nếu không có dịch thì họ mới tổ chức các bữa ăn tập thể, còn những vùng thuộc điểm nóng của dịch, khu vực thành phố thì họ lại chủ động cho nhà bếp chia các suất ăn về theo từng đơn vị lớp học để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người.

Tuy nhiên, nhận thấy tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay, chúng tôi cũng yêu cầu với các trường là cần tranh thủ thời gian vàng để tổ chức học trực tiếp, chưa đặt nặng việc 100% phải tổ chức bữa ăn bán trú ở trường nếu nhận thấy không an toàn. Còn trường nào tổ chức ăn bán trú được thì cần tìm các giải pháp phù hợp nhất, hạn chế tối đa việc tiếp xúc của học sinh các lớp với nhau.

Trên thực tế, nhiều trường ở các địa phương có đời sống khó khăn, dù nhà trường có tổ chức bữa ăn bán trú nhưng nhiều phụ huynh cũng chủ động nấu cơm ở nhà để mang đến trường cho con để tiết kiệm chi phí. Những học sinh có phụ huynh đưa cơm đến trường thì các em cũng tự túc ăn uống nên phần nào cũng hạn chế được sự tập trung tại các khu vực ăn uống trong trường đó.

Ngoài ra, một số trường cũng bố trí một cách linh động bữa ăn bán trú bằng việc chia nhỏ các nhóm học sinh. Chẳng hạn, nếu bình thường thì tất cả các học sinh cùng ăn tại bếp ăn tập thể vào lúc 11 giờ trưa, nhưng vì dịch bệnh nên có thể cho một nhóm ăn vào lúc 10 giờ 30, một nhóm ăn lúc 10 giờ 45 và một nhóm nữa vào lúc 11 giờ.

Khi chia nhỏ thành các nhóm thì có thể giảm bớt được mật độ học sinh trong cùng một thời điểm, từ đó đảm bảo được việc các học sinh sẽ ngồi giữ được khoảng cách với nhau. Tất nhiên, để làm được việc này thì các trường cũng phải cân đối một cách hài hòa trong thời khóa biểu học tập của các lớp trong trường.

Cũng có một phương án nữa mà chúng tôi cũng ghi nhận được từ việc sắp xếp linh hoạt của các nhà trường, đó là bố trí cho học sinh nhận cơm tại các bếp ăn tập thể nhưng các em sẽ đưa cơm về các điểm ăn được bố trí sẵn trong trường để ăn. Các điểm ăn này vừa đảm bảo vệ sinh nhưng cũng vừa thông thoáng và đảm bảo giãn cách giữa các học sinh. Mô hình này vẫn thường được các trường ở nông thôn hay miền núi có không gian rộng áp dụng”.

Ngành giáo dục của một số địa phương ở Nghệ An quán triệt tinh thần, trường nào đủ điều kiện thì có thể tổ chức ăn bán trú nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch. Ảnh: Trung Dũng

Ngành giáo dục của một số địa phương ở Nghệ An quán triệt tinh thần, trường nào đủ điều kiện thì có thể tổ chức ăn bán trú nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch. Ảnh: Trung Dũng

Trao đổi thêm về cách làm cụ thể của địa phương, thầy Phan Trọng Trung – Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông, Nghệ An cho biết: “Đầu tiên chúng tôi quán triệt rõ tinh thần với các trường nội trú là “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhằm hạn chế sự tiếp xúc của những em học nội trú với bên ngoài. Vì đặc thù của địa bàn miền núi, số lượng tập trung của các em ở lại nội trú là rất đông.

Bên cạnh đó, ngoài việc tập trung vào công tác kiểm định an toàn thực phẩm thì chúng tôi cũng chú trọng rà soát nguồn lây bệnh có thể đến từ các cô nuôi đang làm việc thường xuyên tại các bếp ăn của trường. Dù là nhân viên nấu ăn trong trường nhưng ngày nào đến trường cũng phải khai báo y tế và lộ trình di chuyển đầy đủ.

Đồng thời, chúng tôi cũng cho các trường ưu tiên tiêm vắc xin đầy đủ cho những đối tượng này. Bởi lẽ, hàng ngày tần suất tiếp xúc với học sinh của những cô nuôi này là rất nhiều, nếu không làm tốt công tác phòng dịch từ bộ phận này thì sẽ rất khó để kiểm soát được nguồn lây lan của dịch bệnh.

Về nguồn nhập thực phẩm vào các bếp ăn của nhà trường thì ngoài yêu cầu là đảm bảo rõ ràng về nguồn gốc thì còn yêu cầu những người làm nhiệm vụ vận chuyển thực phẩm từ các đơn vị cung ứng cũng tuyệt đối không được vào trong khuôn viên của nhà trường.

Hiện tại, ở các trường trên địa bàn huyện Con Cuông thì cơ bản là học sinh của lớp nào thì sẽ ăn tại vị trí của lớp đó. Bởi lẽ, khối tiểu học thì chưa tổ chức bữa ăn bán trú, còn mầm non thì hầu như là cho các cháu ăn tại lớp đó luôn. Còn cấp Trung học cơ sở và các trường nội trú thì vẫn cho ăn tại các bếp ăn tập thể, tuy nhiên nhà trường cũng sẽ sắp xếp để các em ngồi theo các đơn vị lớp.

Đồng thời, chúng tôi cũng cho các nhà trường chủ động để giãn cách thời gian ăn của các lớp với nhau. Bố trí lớp nào vào học sớm hơn sẽ ăn trước, ngược lại, những lớp vào học muộn hơn sẽ ăn muộn hơn. Việc các trường bố trí lệch giờ cho các lớp sẽ hạn chế được sự tụ tập đông đúc vào cùng một thời điểm, việc đảm bảo giãn cách cũng sẽ thực hiện hiệu quả hơn.

Tất nhiên, trong điều kiện của địa phương và các trường trên địa bàn còn nhiều khó khăn thì mọi sự tính toán cũng chỉ thực hiện được ở mức tương đối. Khó khăn đến đâu thì sẽ tìm cách để tháo gỡ đến đó. Vì quản lý khá chặt công tác ăn bán trú ở các trường nên từ đầu mùa dịch đến giờ, chúng tôi vẫn chưa ghi nhận được trường hợp nào dịch lây lan từ các bếp ăn bán trú ở trường cả”.

Trung Dũng