Tăng cường phòng chống dịch trong trường học khi COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp

14/09/2022 16:06
Lam An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tổ chức Y tế thế giới đánh giá: thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tăng cường phòng, chống dịch bệnh. 

Số ca mắc trong nước gia tăng trở lại, có ngày gần 4000 ca

Theo báo cáo của của Bộ Y tế, đến 11/9/2022, thế giới ghi nhận trên 613 triệu ca mắc COVID-19, trên 6,5 triệu trường hợp tử vong do COVID-19.

Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc.

Trong 7 ngày (5/9-11/9/2022) cả nước ghi nhận trung bình khoảng 2.900 ca mắc mới mỗi ngày (ngày 7/9 ghi nhận 3.878 ca, cao nhất trong gần 4 tháng qua), số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tiếp tục thực hiện kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch COVID-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu tiếp tục thực hiện kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch COVID-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Dự báo, trong thời gian tới dịch bệnh còn diễn biến khó lường trên thế giới. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại.

Tiến sĩ Shane Fairlie, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam nêu nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023 và khuyến cáo người dân Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, tiêm bao phủ vaccine và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng.

Tỉ lệ tiêm vaccine cho trẻ không đồng đều, nhiều địa phương tỉ lệ tiêm thấp

Trong ngày 12/9/2022 cả nước có 112.529 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm tại Việt Nam là 258.807.450 liều.

Trong đó tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi là 16.168.176 liều, tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi là 22.712.281 liều và tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 219.926.993 liều.

Tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt 77,0% và tỉ lệ tiêm mũi 3 người từ 12 đến dưới 18 tuổi là 55,2% (so với tổng dân số tỉ lệ này là 56%, cao gấp đôi tỉ lệ trung bình trên thế giới (28,0%)).

Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 85,8%; tỉ lệ tiêm mũi 2 đạt 57,6%.

Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Y tế cho biết mặc dù người dân đã đi tiêm chủng nhiều hơn sau khi xuất hiện biến chủng của virus và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng chính quyền cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông, tốc độ tiêm vaccine COVID-19 ở một số địa phương chưa đạt tiến độ; công tác vận động, khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng chưa đạt như mong muốn.

Theo thống kê của Bộ Y tế, các địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 4 thấp, gồm: Bạc Liêu (61,8%), Phú Yên (60,7%), Đồng Nai (55,5%), Tây Ninh (55,5%), Thành phố Hồ Chí Minh (51,5%), Đà Nẵng (50,6%).

Với nhóm từ 12 đến 17 tuổi, một số địa phương có tỉ lệ tiêm thấp, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (31,8%), Đà Nẵng (31%), Đồng Nai (25,3%), Phú Yên (18,8%), Bà Rịa-Vũng Tàu (16%).

Nhóm từ 5 đến 11 tuổi, tất cả các địa phương trên cả nước đã đạt tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ trên 55%. Một số địa phương có tỉ lệ tiêm thấp so với cả nước, gồm: Hà Nội (73,4%), Quảng Nam (73%), Bà Rịa-Vũng Tàu (67,7%), Đà Nẵng (61,3%), Thành phố Hồ Chí Minh (57,8%).

Tăng cường phòng chống dịch bệnh trong trường học

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành công văn 4268/BGDĐT-GDTC hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục thể chất, hoạt động thể thao và y tế trường học năm học 2022-2023.

Theo đó, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện kế hoạch tổng thể của ngành Giáo dục thích ứng với tình hình dịch COVID-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng.

Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của cơ quan có thẩm quyền và hướng dẫn của ngành Y tế về công tác phòng chống dịch COVID-19. Không chủ quan, lơi lỏng; chủ động nắm chắc tình hình, dự báo dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp để xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ em, học sinh sinh viên, cán bộ, nhà giáo và sẵn sàng ứng phó với tác động tiêu cực của dịch đối với ngành Giáo dục.

Xây dựng kế hoạch và phối hợp với ngành Y tế tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn trẻ em, học sinh, sinh viên, kiến thức, kỹ năng bảo vệ sức khỏe của bản thân, phòng chống dịch COVID-19, các loại dịch bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, cúm A, đậu mùa khỉ,... và các bệnh không lây nhiễm trong trường học.

Bên cạnh đó, cần kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên y tế trường học. Các Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch, triển khai kiện toàn và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên y tế trường học (chuyên trách và kiêm nhiệm) theo chương trình bồi dưỡng do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về công tác y tế trường học, phòng chống dịch bệnh, các bệnh không lây nhiễm cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học.

Lam An