Đề xuất tăng thời gian thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ từ tối đa 3 năm lên tối đa 5 năm được nêu tại Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2018/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về quản lý Chương trình khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đánh giá, đề xuất này tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ.

Tăng thời gian thực hiện chương trình khoa học công nghệ thêm 2 năm là đề xuất thiết thực

Trước đề xuất này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Phú Doanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ là tập hợp các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (gồm các đề tài, dự án...) được xây dựng theo một mục tiêu tổng thể, định hướng rõ ràng, có nội dung nghiên cứu liên kết và hỗ trợ lẫn nhau nhằm giải quyết các bài toán lớn, có tính cấp thiết của ngành.

z6813755902438-af90d6b0fbe74ec11c89f6d3cd6b5d83.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Phú Doanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Ảnh: NVCC.

"Các chương trình khoa học và công nghệ thường có nhiều nội dung cần thực hiện để tạo ra số lượng sản phẩm lớn, đặc biệt là các sản phẩm ứng dụng. Để đạt được các mục tiêu này, thời gian thực hiện cũng cần phải được tăng lên để vừa đảm bảo về số lượng, vừa đảm bảo về chất lượng của sản phẩm.

Đặc biệt, với các sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn, cần có quá theo dõi, đánh giá trong thực tiễn trước khi kết luận và nghiệm thu chương trình. Do đó, việc đề xuất tăng thời gian thực hiện chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ từ tối đa 3 năm lên tối đa 5 năm theo tôi là hợp lý để hướng tới nâng cao chất lượng của các chương trình nhằm giải quyết các bài toán lớn về khoa học công nghệ, theo định hướng của Nghị quyết số 57", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Phú Doanh bày tỏ.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng phân tích thêm, các chương trình khoa học và công nghệ thường có số lượng sản phẩm đầu ra lớn, đặc biệt là các sản phẩm có tính ứng dụng vào thực tiễn. Sản phẩm này thường mang tính chất liên ngành giữa các đề tài con của chương trình và cần phải có quá trình thử nghiệm, chuyển giao và đánh giá tác động tới thực tiễn. Do đó, với thời hạn 3 năm khó có thể thực hiện tốt được.

Cùng trao đổi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thị Thanh Thủy - Trưởng phòng, Phòng Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam bày tỏ, việc tăng thời gian thực hiện từ tối đa 3 năm lên tối đa 5 năm sẽ đảm bảo tính khả thi cao hơn cho việc quản lý và triển khai các chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ.

gdvn-c-thuy-4426.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thị Thanh Thủy - Trưởng phòng, Phòng Đào tạo và Hợp tác quốc tế, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Ảnh: Thi Thi.

"Thực tế, thời gian dành cho công tác quản lý về mặt hành chính như hoàn thành các hồ sơ, thủ tục để ra được quyết định phê duyệt chính thức cũng như thủ tục thanh quyết toán cho quá trình triển khai chiếm tỷ lệ thời gian tương đối lớn trong tổng thời gian thực hiện chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ. Điều đó ảnh hưởng tới thời gian triển khai nội dung nghiên cứu chính của chương trình, nhất là các chương trình có quy mô nghiên cứu rộng.

Bên cạnh đó, một số chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ có hướng tiếp cận nghiên cứu chính sách hoặc thử nghiệm mô hình cũng cần có khoảng thời gian cần thiết để nhận diện mức độ ảnh hưởng và các tác động xã hội nếu có từ chính sách hay mô hình đề xuất.

Do đó tăng thời gian tối đa lên 5 năm là hướng mở mang tính tích cực phù hợp với đối tượng, phạm vi của những chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ tương ứng", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thị Thanh Thủy cho hay.

Cô Thủy cũng đồng tình rằng, nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ mang tính liên ngành, đòi hỏi thử nghiệm, chuyển giao hoặc tác động đến chính sách công – những quá trình có độ trễ nhất định. Do đó, thời hạn 3 năm khó có thể phù hợp với tính chất này.

Cô lý giải: "Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ liên quan đến xây dựng và thực thi chính sách đòi hỏi nghiên cứu rất kỹ về các tác động xã hội mà những tác động đó phải có một thời gian nhất định để các tổ chức, công dân “cảm nhận” được những lợi ích hay giá trị mà nó đem lại cho cộng đồng nói chung. Mà những vấn đề này không thể hiện ngay lập tức và khó nhận diện bằng quan sát trong thời gian ngắn. Việc tăng thêm thời gian thực hiện sẽ giúp cho các chương trình có đủ thời gian cần thiết để đo lường và đánh giá thực tiễn một cách khách quan".

Những cơ chế quan trọng để thích ứng, không làm đứt gãy chương trình đang triển khai

Nhiều ý kiến bày tỏ, một chương trình khoa học và công nghệ có thời hạn 5 năm có thể dẫn tới các vấn đề như thay đổi nhân sự chủ chốt, biến động thị trường công nghệ, hoặc thay đổi ưu tiên ngành... Do đó, cần có cơ chế phù hợp để thích ứng với những thay đổi đó mà không làm đứt gãy chương trình đang triển khai.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Phú Doanh cho rằng, đây là một vấn đề gợi mở rất thực tế, đặc biệt trong bối cảnh khoa học công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, có nhiều công nghệ sau 5 năm có thể trở nên lạc hậu.

Vì vậy, để giải quyết các vấn đề này, theo thầy Doanh, chúng ta cần có các cơ chế, chính sách rõ ràng trước khi phê duyệt thực hiện chương trình khoa học và công nghệ.

gdvn-minh-hoa.jpg
Ảnh minh họa: Thi Thi.

Về nhân sự chủ chốt, phải được lựa chọn kỹ càng dựa trên năng lực chuyên môn và vị trí công tác thực tế hiện tại. Nhân sự này ngoài chuyên môn thì cần có thời gian để thực hiện chương trình và có sự xác nhận của đơn vị chủ trì. Cho phép thay thế chủ nhiệm chương trình hoặc đề tài trong trường hợp bất khả kháng (nghỉ hưu, chuyển công tác, không hoàn thành nhiệm vụ...).

Bên cạnh đó, cần có quy trình bổ nhiệm người thay thế dựa trên tiêu chí năng lực tương đương, thông qua hội đồng chuyên môn của bộ/ngành. Tuy nhiên, cần ưu tiên cơ chế đảm bảo tính ổn định nhân sự chủ chốt trong suốt vòng đời chương trình, tránh thay đổi gây gián đoạn.

Về cơ chế để cập nhật công nghệ, theo thầy Doanh, cần thiết kế chương trình theo hướng mở, cho phép tích hợp các công nghệ mới hoặc tiếp cận mới trong quá trình triển khai. Ngoài ra có thể xem xét bổ sung các đề tài/ dự án nhánh ngắn hạn nhằm tiếp cận xu hướng mới mà không cần làm lại toàn bộ chương trình.

Về vấn đề thay đổi ưu tiên ngành, khi có thay đổi ưu tiên ngành hoặc chuyển hướng chiến lược, có thể liên kết với các chương trình khoa học và công nghệ khác (ở cấp bộ hoặc cấp quốc gia). Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu - doanh nghiệp - cơ quan quản lý để chương trình có sức sống và tính thích nghi cao hơn.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thị Thanh Thủy cho rằng, để hạn chế sự biến động về nhân sự, cách thức quan trọng nhất là gia tăng các yêu cầu, tiêu chí đối với chủ nhiệm và các thành viên chính thực hiện chương trình khoa học và công nghệ.

"Lực lượng này phải là các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực của đề tài thì trong 5 năm triển khai dù có thay đổi về vị trí công tác, cơ quan công tác, khả năng tiếp tục theo đuổi đề tài vẫn không bị ảnh hưởng lớn. Còn nếu chỉ lấy tiêu chí về văn bằng, kinh nghiệm công tác mà không tập trung vào quá trình nghiên cứu thể hiện qua sản phẩm là các công bố cụ thể liên quan đến lĩnh vực của đề tài thì khi có biến động về tổ chức bộ máy thì có thể sẽ ảnh hưởng tới quá trình triển khai. Thực tế, một số chương trình khoa học và công nghệ có yêu cầu cao đối với chủ nhiệm nhưng đối với tiêu chuẩn của thành viên chính còn dễ", cô Thủy nhìn nhận.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Phú Doanh bày tỏ thêm, nếu thời hạn tối đa của chương trình khoa học và công nghệ cấp Bộ được tăng thêm 2 năm so với quy định hiện hành sẽ tạo ra rất nhiều thuận lợi đối với các nhà khoa học.

Thứ nhất, các nhà khoa học sẽ có nhiều thời gian hơn để đầu tư vào các nội dung nghiên cứu, chất lượng của các kết quả nghiên cứu từ đó cũng sẽ tốt hơn, mang lại nhiều giá trị hơn về mặt khoa học công nghệ cũng như ứng dụng trong cuộc sống.

Tiếp theo, nếu tăng thời gian thực hiện chương trình thì khi các sản phẩm ứng dụng vào thực tế sẽ có nhiều thời gian để kiểm tra, đánh giá thực tiễn, mang lại hiểu quả cao.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm nghiên cứu khi thực hiện quá trình giải ngân, thanh toán chi phí thực hiện của đề tài.

"Tôi cho rằng việc sửa đổi Thông tư số 09 là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn triển khai nghiên cứu khoa học hiện nay", thầy Doanh nhấn mạnh.

Thi Thi