PGS Hoàng Anh Huy: "Chương trình KHCN cần thời gian dài hơn để đạt kết quả bền vững"

23/07/2025 06:42
Tuệ Nhi
Theo dõi trên Google News

GDVN - Đề xuất tăng thời gian thực hiện chương trình Khoa học và công nghệ cấp Bộ từ 3 lên 5 năm để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn quản lý và triển khai.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2018/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về quản lý Chương trình khoa học và công nghệ cấp bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong đó, đề xuất tăng thời gian thực hiện Chương trình Khoa học và công nghệ cấp Bộ từ 3 năm lên 5 năm để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn quản lý và triển khai.

Theo đó, dự thảo nêu: "Thời gian thực hiện chương trình tối đa là 05 năm (60 tháng). Thời gian thực hiện nhiệm vụ thuộc chương trình không vượt quá 02 năm (24 tháng) và có thể được xem xét gia hạn một lần nhưng không quá 12 tháng…".

Chương trình khoa học công nghệ cần thời gian dài hơn để đạt được kết quả bền vững

Liên quan đến đề xuất nêu trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đánh giá cao đề xuất tăng thời gian thực hiện Chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ từ tối đa 3 năm lên 5 năm.

"Đây là một bước điều chỉnh phù hợp với thực tiễn nghiên cứu khoa học hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh mới của đất nước, chương trình khoa học và công nghệ của các Bộ, ngành cần tập trung giải quyết các vấn đề có tính chiến lược, liên ngành nên cần thời gian dài hơn để đạt được kết quả bền vững.

Thời hạn 3 năm trước đây thường gây áp lực về tiến độ, đặc biệt với các nghiên cứu cần thử nghiệm, kiểm chứng hoặc triển khai ứng dụng thực tiễn. Việc kéo dài thời gian lên tối đa 5 năm sẽ tạo điều kiện để các nhà khoa học triển khai nghiên cứu chuyên sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả của kết quả nghiên cứu. Hơn nữa, thời gian này cũng phù hợp hơn với chu kỳ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ ở nhiều lĩnh vực, từ đó nâng cao tính khả thi và tác động của các chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy chia sẻ.

anh-1.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Ảnh: HUNRE.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy cũng đồng tình rằng, nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ mang tính liên ngành, đòi hỏi thử nghiệm, chuyển giao hoặc tác động đến chính sách công – những quá trình có độ trễ nhất định. Do đó, thời hạn 3 năm khó có thể phù hợp với tính chất này.

Theo lý giải của thầy Huy, các nhiệm vụ khoa học công nghệ liên ngành thường đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều lĩnh vực, từ nghiên cứu lý thuyết, thực nghiệm, đến chuyển giao công nghệ hoặc đề xuất chính sách. Quá trình này không chỉ cần thời gian nghiên cứu để phát triển ý tưởng mà còn phải triển khai thử nghiệm, đánh giá và hiệu chỉnh để có thể chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn.

Thầy Huy dẫn chứng, trong các nghiên cứu liên quan đến công nghệ xanh hoặc y tế, việc thử nghiệm và đánh giá tác động có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Thời hạn tối đa 3 năm thường không đủ để hoàn thiện các giai đoạn này, dẫn đến việc một số nghiên cứu bị cắt ngắn hoặc không đạt được hiệu quả mong muốn. Việc kéo dài thời gian lên tối đa 5 năm sẽ giúp các nhà khoa học có thêm không gian để triển khai các bước một cách bài bản, từ đó tạo ra các sản phẩm nghiên cứu có giá trị cao hơn, đặc biệt là trong việc đóng góp vào chính sách công và phát triển bền vững.

Tăng thời gian thực hiện chương trình khoa học công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà khoa học và kết quả nghiên cứu

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy, nếu thời hạn tối đa của chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ được tăng thêm 2 năm so với quy định hiện hành sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi đối với nhà khoa học, kết quả nghiên cứu cũng như cơ sở.

Đối với nhà khoa học, được tăng thêm 2 năm giúp họ có thời gian thực hiện các nghiên cứu liên tục đối với một vấn đề, từ ý tưởng đến ứng dụng, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên ngành hoặc yêu cầu thử nghiệm dài hạn.

Đối với kết quả nghiên cứu, thời hạn 5 năm tạo điều kiện để các nghiên cứu được triển khai đầy đủ qua các giai đoạn, từ nghiên cứu lý thuyết, thực nghiệm, đến ứng dụng và chuyển giao. Điều này đặc biệt quan trọng với các nghiên cứu có mục tiêu tác động đến chính sách công hoặc phát triển sản phẩm công nghệ, vốn cần thời gian để kiểm chứng và đánh giá hiệu quả. Kết quả nghiên cứu sẽ có tính ứng dụng cao hơn, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với cơ sở nghiên cứu, thời hạn của chương trình kéo dài giúp tăng hiệu quả của chương trình trong công tác đào tạo nhân lực về hoạt động khoa học cho các sinh viên, học viên sau đại học, cán bộ trẻ ở các trường đại học và các nhóm nghiên cứu mạnh ở các cơ sở nghiên cứu. Các đơn vị cũng có thêm thời gian để xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư vào thiết bị và nhân lực phục vụ cho chương trình KHCN. Bên cạnh đó, điều này giúp các cơ sở nghiên cứu có điều kiện phối hợp dài hơi với các đối tác trong và ngoài nước, từ đó nâng cao uy tín và năng lực nghiên cứu.

"Tóm lại, việc tăng thêm thời gian không chỉ tạo điều kiện thuận lợi mà còn là động lực để các nhà khoa học và cơ sở nghiên cứu đạt được những bước tiến lớn trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ", thầy Huy nhấn mạnh.

anh-3.jpg
Ảnh minh họa: HUNRE.

Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng cho rằng, một chương trình có thời gian kéo dài 5 năm có thể dẫn tới các vấn đề như thay đổi nhân sự chủ chốt, biến động thị trường công nghệ, hoặc thay đổi ưu tiên ngành... Do đó, để thích ứng và đảm bảo tính liên tục của chương trình, thầy Huy đề xuất một số cơ chế.

Thứ nhất, cơ chế quản lý nhân sự linh hoạt: Cần xây dựng quy định rõ ràng về việc thay thế hoặc bổ sung nhân sự chủ chốt trong trường hợp có biến động. Chẳng hạn, có thể yêu cầu nhóm nghiên cứu lập kế hoạch dự phòng, rủi ro trong nghiên cứu, trong đó xác định phương án, yêu cầu về thành viên thay thế, yêu cầu về hoạt động đào tạo của tổ chức chủ trì để có nhân sự đảm nhận vai trò nghiên cứu khi cần.

Thứ hai, cập nhật định kỳ kế hoạch nghiên cứu của các đề tài tham gia chương trình: Các chương trình khoa học công nghệ cần có cơ chế đánh giá và điều chỉnh kế hoạch định kỳ của từng nghiên cứu. Điều này cho phép nhóm nghiên cứu điều chỉnh mục tiêu hoặc phương pháp để phù hợp với các biến động của thị trường công nghệ hoặc ưu tiên ngành mà không làm mất đi tính liên tục của nghiên cứu.

Thứ ba, tăng cường giám sát và báo cáo: Bộ Giáo dục và Đào tạo nên triển khai hệ thống giám sát chặt chẽ hơn, bao gồm các báo cáo tiến độ định kỳ và các buổi đánh giá giữa kỳ và tận dụng nền tảng số cho việc báo cáo, tổng hợp, đánh giá dữ liệu. Điều này giúp phát hiện sớm các vấn đề rủi ro tiềm ẩn và đưa ra giải pháp kịp thời.

Thứ tư, hỗ trợ tài chính linh hoạt: Cần có cơ chế cho phép điều chỉnh ngân sách hoặc gia hạn nguồn tài trợ trong trường hợp có thay đổi lớn về công nghệ hoặc chính sách, đảm bảo các nhóm nghiên cứu không bị gián đoạn do thiếu kinh phí.

"Những cơ chế này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro mà còn đảm bảo rằng các chương trình khoa học công nghệ có thể thích ứng với bối cảnh thay đổi mà vẫn đạt được mục tiêu đề ra", thầy Huy bày tỏ thêm.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả của việc triển khai chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ trong thời hạn 5 năm, cần lưu ý một số điểm như sau.

Một là, tăng cường hỗ trợ tài chính và cơ sở vật chất: Để tận dụng tối đa thời gian kéo dài, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đảm bảo nguồn kinh phí ổn định và hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu nâng cấp trang thiết bị. Điều này đặc biệt quan trọng với các nghiên cứu yêu cầu công nghệ cao hoặc thực nghiệm dài hạn.

Hai là, xây dựng cơ chế khuyến khích hợp tác liên ngành: Các chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ nên khuyến khích sự hợp tác giữa các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như giữa khoa học tự nhiên, kỹ thuật và khoa học xã hội. Điều này không chỉ tăng tính sáng tạo mà còn đảm bảo các nghiên cứu có tác động toàn diện hơn.

Ba là, đẩy mạnh công bố quốc tế và chuyển giao công nghệ: Với thời gian 5 năm, các chương trình khoa học công nghệ nên đặt mục tiêu cụ thể về số lượng bài báo khoa học quốc tế hoặc sản phẩm công nghệ được chuyển giao. Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể hỗ trợ bằng cách kết nối các nhóm nghiên cứu với các tổ chức quốc tế hoặc doanh nghiệp.

Bốn là, tăng cường đào tạo và phát triển nhân lực trẻ: Thời gian kéo dài nên được tận dụng để đào tạo các nghiên cứu sinh, học viên sau đại học tham gia vào các chương trình khoa học công nghệ. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng nghiên cứu mà còn góp phần xây dựng đội ngũ nhà khoa học trẻ cho tương lai.

Năm là, cải thiện quy trình đánh giá và nghiệm thu: Cần có quy trình đánh giá minh bạch, tập trung vào chất lượng thực sự của kết quả nghiên cứu, thay vì chỉ dựa trên số lượng sản phẩm. Điều này sẽ khuyến khích các nhà khoa học tập trung vào các nghiên cứu có giá trị cao.

"Tôi tin rằng, với những điều chỉnh và hỗ trợ phù hợp, việc tăng thời gian thực hiện chương trình khoa học công nghệ cấp Bộ lên tối đa 5 năm sẽ tạo ra những bước đột phá trong nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ trên trường quốc tế", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Huy bày tỏ thêm.

Tuệ Nhi