Tháng 11, giữa những bộn bề của việc dạy học trực tuyến, triển khai hỗ trợ giáo viên đại trà mô đun 4 chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên cốt cán tỉnh Đồng Nai chúng tôi lại bước vào tập huấn mô đun 5.
Tưởng chừng những áp lực sẽ đè nặng lên chúng tôi, nhưng 2 ngày bồi dưỡng do các thầy cô giảng viên sư phạm chủ chốt Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn với những kiến thức mới mẻ về tư vấn, hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và học tập đã cuốn hút, lan tỏa đến chúng tôi những đổi mới.
Lần đầu được tập huấn về tư vấn, hỗ trợ học sinh một cách chuyên nghiệp
Thực tế, vấn đề tư vấn và hỗ trợ học sinh không phải là mới đối với giáo viên chúng tôi trong quá trình giáo dục và dạy học. Ở trường sư phạm, chúng tôi cũng đã được học các môn Tâm lý học, Giáo dục học, Phương pháp dạy học… có những nội dung về tâm sinh lý, tư vấn tâm lý học sinh.
Ra trường, đi dạy chúng tôi cũng đã ít nhiều được tập huấn về vấn đề này. Thế nhưng, những kiến thức chuyên sâu về hoạt động tư vấn quả còn thiếu hụt khá nhiều.
Chỉ đến lần tập huấn, bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở mô đun 5 thì giáo viên chúng tôi mới được tiếp cận chuyên sâu cả về kiến thức lẫn thực hành.
Lớp tập huấn mô đun 5 cho giáo viên cốt cán tỉnh Đồng Nai của chúng tôi được các thầy Đỗ Công Nam và cô Hoàng Tuấn Ngọc, giảng viên sư phạm chủ chốt trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh giảng dạy trên lớp học ảo.
Ảnh do tác giả cung cấp |
Học trực tuyến trong thời đại dịch Covid-19 là cơ hội cho giáo viên cốt cán chúng tôi làm quen thêm các phần mềm, hình thức thiết kế bài giảng, phương pháp dạy trực tuyến từ giảng viên.
Bằng những kinh nghiệm, các thầy cô giảng viên sư phạm đã khéo léo tổ chức cho giáo viên cốt cán các hoạt động học tập nhẹ nhàng mà lôi cuốn, người học cảm thấy vô cùng hào hứng.
Với các trò chơi, các hoạt động, những chia sẻ, tương tác giữa giảng viên sư phạm chủ chốt và giáo viên cốt cán đến quên cả thời gian nghỉ trưa, có ngày cả lớp học bị “văng” ra khỏi phòng học vì đã hết giờ.
Nói vậy để thấy sức hút của các trò chơi, hoạt động như Nhà suy luận thông thái, Thử tài, Liên tưởng tài tình, Hoàn tất ý tưởng, Truy tìm từ khóa, Ô chữ kỳ diệu… đã thật sự cuốn hút chúng tôi.
Ảnh do tác giả cung cấp |
Cũng như các lần tập huấn ở mô đun trước, chúng tôi tham gia tích cực, đầy nhiệt tình vào các hoạt động trên lớp như học trò mình vậy. Thảo luận nhóm, thi đua với các trò chơi sôi động đầy hứng thú.
Đó còn là việc giáo viên cốt cán chúng tôi được bồi dưỡng nhiều nội dung có tính mới, hết sức quan trọng: Một số yêu cầu về đạo đức khi tư vấn, hỗ trợ học sinh, nội dung, hình thức, phương pháp, các giai đoạn, kĩ năng tư vấn, hỗ trợ học sinh, đặc điểm tâm sinh lí của học sinh, những khó khăn của học sinh tiểu học trong cuộc sống học đường, nhu cầu tư vấn, hỗ trợ của học sinh tiểu học trong hoạt động giáo dục và dạy học, quy trình phân tích trường hợp thực tiễn về tư vấn, hỗ trợ học sinh tiểu học…
Những kiến thức lý thuyết bổ ích giúp chúng tôi nhìn nhận vấn đề về tâm sinh lý học sinh, những khó khăn các em gặp phải để tổ chức thực hiện việc tư vấn, hỗ trợ hiệu quả, thành công hơn.
Bên cạnh đó, thiết thực nhất là các nội dung thực hành, trao đổi giữa các nhóm giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt qua việc xây dựng, lựa chọn, thực hiện chuyên đề tư vấn tâm lí cho học sinh tiểu học và phân tích trường hợp thực tiễn trong hoạt động giáo dục, dạy học.
Những khó khăn của học sinh được đặt ra như khó khăn trong học tập, khó khăn trong giao tiếp, khó khăn trong phát triển bản thân.
Đây là những trường hợp chúng tôi thường thấy trong công tác chủ nhiệm và giảng dạy thực tế ở trường.
Ảnh do tác giả cung cấp |
Thế nhưng, việc tưởng chừng như quen thuộc trong xử lý và thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ của giáo viên chúng tôi bấy lâu nay chỉ làm theo những kinh nghiệm.
Và khi được hướng dẫn các bước tư vấn, hỗ trợ học sinh qua xây dựng kế hoạch tư vấn và hỗ trợ, phân tích một trường hợp thực tiễn tư vấn, hỗ trợ học sinh tiểu học trong hoạt động giáo dục và dạy học… chúng tôi cảm thấy tài liệu bồi dưỡng mô đun 5 thật sự hay và có ý nghĩa.
Được chia sẻ kinh nghiệm quý báu từ giảng viên sư phạm và đồng nghiệp
Vấn đề tôi và nhiều giáo viên cốt cán tâm đắc nhất là cô Hoàng Tuấn Ngọc và thầy Đỗ Công Nam đã chia sẻ, hướng dẫn chúng tôi hỗ trợ những trường hợp học sinh gặp khó khăn đang là vấn đề xã hội quan tâm: Có cảm xúc âm tính, thiếu tình thương gia đình khi cha mẹ bỏ nhau, học sinh bị bắt nạt, kỳ thị, học yếu, chán học, hay phá phách, chọc ghẹo bạn, không muốn tiếp xúc với bạn bè, ngỗ nghịch, tự ti, khó kiểm soát cảm xúc, dễ nổi giận,…
Đặc biệt là các em học sinh gặp khó khăn trong việc học trực tuyến trong đại dịch Covid-19: Học sinh nghèo không có thiết bị học tập trực tuyến, không có mạng, khó khăn khi tiếp cận công nghệ thông tin để học trực tuyến.
Nhiều biện pháp, hướng tư vấn, hỗ trợ và các bước thực hiện được đưa ra nhằm đạt được mục tiêu, hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, chúng tôi còn học hỏi được từ thầy cô giảng viên những yêu cầu về đạo đức của giáo viên khi tư vấn, hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học.
Người giáo viên khi tư vấn, hỗ trợ cần bảo mật các thông tin của học sinh, tôn trọng học sinh, trung thực và trách nhiệm.
Học sinh cần được giữ bí mật những vấn đề riêng tư về sự phát triển bản thân, tình cảm, quan hệ. Giáo viên không được phán xét những hành vi, suy nghĩ, thái độ của học sinh. Tạo sự tin tưởng ở học sinh qua việc thể hiện thái độ trung thực và trách nhiệm.
Đó còn là những kinh nghiệm về việc thiết lập kênh thông tin phối hợp với gia đình trong tư vấn, hỗ trợ học sinh…
Có thể nói, các thầy cô giảng viên sư phạm chủ chốt trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh đã mang đến cho lớp giáo viên cốt cán chúng tôi một khóa học bổ ích, chúng tôi lần đầu tiên được tập huấn về tư vấn, hỗ trợ học sinh một cách chuyên nghiệp. Và đúng như nhiều giáo viên cốt cán có cùng suy nghĩ là lớp học ảo nhưng kết quả thì thật tuyệt vời.
Ảnh do tác giả cung cấp |
Lan tỏa những đổi mới về tư vấn, hỗ trợ học sinh đến đồng nghiệp
Thực trạng bạo lực, trẻ bị bắt nạt trong học đường, trẻ gặp khó khăn khá nhiều trong những năm gần đây làm những ai quan tâm đến giáo dục hết sức trăn trở thì việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào mô đun này bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 được các chuyên gia giáo dục, nhà tâm lý, giáo dục học đánh giá rất cao.
Mô đun này là một trong những điểm mới và có tính đột phá trong việc tập huấn giáo viên.
Đưa nội dung tư vấn, hỗ trợ học sinh trong giáo dục và dạy học giúp giáo viên trở thành nhà tư vấn “chuyên nghiệp” hơn, hoạt động giáo dục và dạy học chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi.
Đồng nghiệp tôi đã có gần 30 năm giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm ở tiểu học từng nhiều lần thật lòng thừa nhận rằng, có nhiều học sinh gặp khó khăn trong học tập, trong quan hệ, giao tiếp với bạn bè anh đều tìm cách hỗ trợ. Thế nhưng, một số em anh chưa hỗ trợ có kết quả thì đã hết năm học, các em lên lớp 6.
Điều anh bạn băn khoăn đó là các “ca” tư vấn, hỗ trợ chưa kết thúc, kết quả dở dang. Trường hợp của thầy giáo trên không phải là cá biệt. Công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh của giáo viên các cấp đang còn thiếu hụt cả về lý thuyết lẫn thực tiễn.
Chính vì vậy, việc hỗ trợ đồng nghiệp của giáo viên cốt cán là rất cần thiết. Một giảng viên sư phạm chủ chốt cho rằng: “Muốn đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 thành công thì phải nâng cao năng lực giáo viên. Nhiệm vụ đó là của đội ngũ giáo viên cốt cán cả nước với cầu nối lan tỏa những đổi mới đến giáo viên đại trà”.
Với kiến thức lĩnh hội được trong 2 ngày tập huấn trực tiếp trên lớp học ảo, những kinh nghiệm trong tư vấn, hỗ trợ học sinh, tôi và giáo viên cốt cán sẽ lan tỏa đến các giáo viên khác, tạo hiệu ứng tích cực về tư vấn, hỗ trợ học sinh trong học tập, giao tiếp và phát triển bản thân nhằm góp phần vào phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực cho học sinh.