Phạm Thị Thảo 9 tuổi đang học lớp 3 trường tiểu học Nam Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa phải bỏ dở việc học hành để lên viện điều trị căn bệnh Ung thư lá lách. Căn bệnh quái ác này khiến cơ thể em quắt queo hơn trước.
Lên viện cùng mẹ từ 1/4/2011, Thảo thèm được đến trường, gặp lại bạn bè và khỏi bệnh để được như những đứa trẻ bình thường khác.
9 tuổi còn 19 cân
Tôi chú ý đến cô bé Phạm Thị Thảo 9 tuổi khi mới bước từng bước vào lớp học Hy vọng bởi cái dáng hình nhỏ bé, hốc hác, chỉ còn da bọc xương của em. Em ít nói, chỉ ngồi một chỗ để nghe thầy cô giảng bài. Hiện giờ, hóa chất đã khiến đầu em trọc hết, đôi mắt sâu vào hốc mắt, da xanh xao, tiều tụy. Em chỉ còn có 19 cân và “mỗi ngày ăn một bát cháo mà khóc mất tiếng đồng hồ mới hết được”.
“Cháu nó yếu quá nên không xuống lớp ngồi học được. Cháu thích học tiếng Anh lắm cô ạ. Nhiều lần về khoe với mẹ muốn giơ tay phát biểu mà mệt quá không làm được..”, chị Phạm Thị Oanh (mẹ của Thảo) xót xa kể lại.
Nghe bác sỹ nói về bệnh tình của con mình, chị Oanh đau xót xác định rằng: “Sống trong hy vọng, sống được ngày nào hay ngày ấy”.
Người mẹ ấy cũng chỉ biết nhờ đến trời phật phù hộ cho con mình nhanh khỏi bệnh. Chị khẳng định rằng dù có phải bán hết tất cả, thậm chí đi làm mướn cả đời cũng dành hết để chữa bệnh cho con. Gia đình chị chỉ trông cậy vào mấy sào ruộng ở quê, vào con trâu con bò nên chị đành cắm sổ đỏ ngôi nhà ở quê được 30 triệu để chi trả dần cho con, mong một ngày nào đó con mình khỏe mạnh, trở về.
Tết… quá xa vời đối với mẹ con Thảo
Mẹ của Thảo bộc bạch rằng cháu nó yếu quá nên 8 tháng ở trên viện chỉ cho về được 4 lần. Nhưng lần nào về được 1, 2 hôm Thảo cũng đòi mẹ chở đến lớp gặp lại thầy cô, bạn bè. Chị Oanh quay sang nhìn con, xúc động nói: “Nhưng tủi thân lắm, cả làng cả xã có mỗi con mình bị bệnh này. Khi cháu đến lớp, bạn bè trêu trọc kêu không học với con trọc đầu. Cháu khóc, tôi cũng khóc thương con…”.
Sáng hôm có đoàn nghệ thuật Nhà hát múa rối Thăng Long về biểu diễn ở bệnh viện Nhi, Thảo đòi mẹ bế xuống để xem vì Thảo tò mò không biết con rối như thế nào. Vừa xem, Thảo còn ghi âm, quay phim bằng chiếc máy điện thoại của mẹ để về xem lại, để về khoe với anh trai ở quê khi khỏi bệnh.
Chị Oanh ứa nước mắt khi kể lại những câu nói của Thảo nói trong phòng. “Mẹ chữa cho con khỏi bệnh, sau này con sẽ trả”. Mặc dù ít nói, trầm tính, nhưng mỗi lần Thảo nói với mẹ, cả phòng đều xót xa, khóc thương cô bé.
Khi tôi hỏi: “Bao giờ hai mẹ con về ăn Tết?”. Mẹ con chị im lặng, chị nhẹ nhàng lau những giọt nước mắt nhìn con, nghẹn ngào nói với tôi: “Xa lắm cô ạ, tận 350 cây số. Cháu yếu quá không đủ sức về cô ạ. Bác sỹ nói tuần sau xem sức khỏe của cháu khá lên sẽ mổ cho cháu…”.
Lặng đi một lúc, tôi nghẹn ngào không biết nói gì. Chị buông tiếng thở dài ước không phải dành cho chị mà cho đứa con nhỏ bé, đáng thương của mình. Trong suy nghĩ của chị thường trực một ước mơ đó là cho con mình khỏi bệnh, trở về với gia đình. Dường như, cái Tết ấm áp, sum vầy bên gia đình là điều gì quá xa xỉ đối với mẹ con họ.
Theo sự thống nhất giữa Bệnh viện Nhi Trung ương và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, toàn bộ nguồn ủng hộ cho Lớp học Hy vọng sẽ do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam quản lý và chỉ dùng phục vụ cho Lớp học như: trang bị sách, vở, đồ dùng học tập; các thiết bị trong lớp học; các hạng mục phục vụ lớp học; chi phí bồi dưỡng tình nguyện viên; chi phí hỗ trợ trực tiếp cho các hoàn cảnh khó khăn của lớp học. Mọi sự ủng hộ Lớp học Hy vọng xin gửi về: - Quỹ Tấm lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam - Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội - Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888 - Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy - Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn |
Có thể bạn quan tâm |
|