Thanh Hóa: Hậu sáp nhập trường nghề, một phần CSVC dôi dư bố trí cho trường ĐH

07/03/2023 06:34
Tuệ Nhi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hậu sáp nhập, một phần cơ sở vật chất dôi dư đã được bố trí để xây dựng bệnh viện của Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội.

Theo kế hoạch Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ, nước ta tiếp tục thực hiện sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm tăng sức cạnh tranh và sáng tạo trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên câu chuyện hậu sáp nhập với vấn đề trong quản lý, điều hành cũng như thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn là những nội dung quan trọng được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hoá thành lập năm 2021 trên cơ sở sáp nhập Trường Cao đẳng nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá và Trường Cao đẳng Nông lâm Thanh Hoá. Sau hơn 2 năm chính thức hoạt động kể từ khi sáp nhập đến nay, trường vẫn đang từng bước trong quá trình xây dựng thương hiệu.

Được biết, nhà trường đang đào tạo 13 ngành nghề trình độ cao đẳng, 12 ngành nghề trình độ trung cấp, 26 nghề trình độ sơ cấp và 38 chương trình đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng.

Hậu sáp nhập: Trường nghề vẫn “chật vật” với bài toán tuyển sinh

Phó giáo sư Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: NVCC

Phó giáo sư Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: NVCC

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa cho biết:

“Sau sáp nhập, nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp, tạo điều kiện của các ban, sở, ngành…

Cùng với đó, việc sáp nhập cũng tạo điều kiện giúp trường có thêm sức mạnh nội tại lớn hơn khi được tập trung được nguồn lực con người, về cơ sở vật chất từ hai đơn vị; là điều kiện thuận lợi hơn để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư cho nhà trường. Đồng thời, phát huy được truyền thống hơn 60 năm xây dựng và phát triển của hai trường tiền thân. Tập thể cán bộ, viên chức và người lao động đoàn kết, có phẩm chất và năng lực tốt, trình độ chuyên môn cao, luôn nỗ lực phấn đấu, cống hiến vì sự phát triển nhà trường.

Trường đứng chân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là tỉnh lớn, đất rộng, người đông, khu vực nông nghiệp, nông thôn rộng lớn. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho trường chuyên ngành về Nông nghiệp phát triển”.

Tuy nhiên, hậu sáp nhập, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt trong vấn đề đào tạo và tuyển sinh. Năm 2022 trường đã tuyển sinh được 899 học sinh, sinh viên, tăng 18,6% so với năm 2021. Đây là một kết quả khả quan và tích cực, tuy nhiên nhìn chung số lượng vẫn còn khá khiêm tốn.

Về những khó khăn của đơn vị, Phó giáo sư Huyền cho biết, các ngành nghề đào tạo của nhà trường chủ yếu thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản không hấp dẫn người học; Chưa kể, Thanh Hóa là một tỉnh có địa bàn rộng với rất nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp (toàn tỉnh có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp - tính đến năm 2021, 2 trường đại học và 3 phân hiệu của các trường đại học đóng tại Thanh Hóa). [1]

“Sự cạnh tranh gay gắt trong tuyển sinh giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh, giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các cơ sở giáo dục đại học,... đã gây khó khăn không nhỏ cho công tác tuyển sinh của nhà trường”, Phó giáo sư Huyền chia sẻ.

Ngoài ra, hậu sáp nhập, trường cũng gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý khi có những xáo trộn bước đầu về tâm tư tình cảm của một bộ phận cán bộ, giáo viên về việc phải đổi vị trí công tác, địa điểm làm việc.

Một phần cơ sở vật chất hậu sáp nhập được bố trí ra sao?

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa cho biết, nhà trường đã thực hiện các bước sắp xếp bố trí cán bộ quản lý các phòng, khoa, trung tâm và giáo viên, viên chức, lao động hợp đồng theo đúng quyết định số: 4203/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Sáp nhập Trường Cao đẳng nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào Trường Cao đẳng Nông Lâm và đổi tên thành Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa” và Quyết định số 1901/QĐ-UBND ngày 02/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa.

Hậu sáp nhập, một phần cơ sở vật chất dôi dư đã được bố trí để xây dựng bệnh viện của Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Hậu sáp nhập, một phần cơ sở vật chất dôi dư đã được bố trí để xây dựng bệnh viện của Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Báo Thanh Hóa

Theo đó, kết quả hiện nay đã triển khai thực hiện thành lập 10 đơn vị trực thuộc trường, thực hiện quy trình bổ nhiệm 29 cán bộ lãnh đạo quản lý các phòng, khoa, tổ bộ môn trực thuộc theo phương án sắp xếp được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Bố trí cán bộ, viên chức và lao động hợp đồng làm việc đảm bảo các quy định của Đảng và Nhà nước.

Phương án về tài sản, tài chính, trụ sở sau khi sáp nhập, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa có trụ sở chính tại Km16 - Quốc lộ 47, xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa là trụ sở của trường cao đẳng Nông Lâm cũ. Giữ nguyên trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị tại trụ sở của Trường Cao đẳng nghề Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (số 104, đường Bạch Đằng, phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) để tuyển sinh và đào tạo một số ngành nghề về khai thác và nuôi trồng thủy sản; khai thác máy tàu thủy phục vụ phát triển kinh tế biển.

Cơ sở II của Trường Cao đẳng nghề nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Số 579 Quang Trung 2, phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa) được Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí để xây dựng bệnh viện của Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội.

Là đơn vị đã thực hiện sáp nhập và đang trong quá trình từng bước phát triển, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa chia sẻ, khi sắp xếp quy hoạch lại mạng lưới các trường theo hướng giảm số lượng, tinh gọn đầu mối cũng là một trong những yếu tố để nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh việc thực hiện quy hoạch về số lượng trường, để nâng cao chất lượng đào tạo, về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo; phát triển đội ngũ giảng viên gắn với phát triển đội ngũ nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề.

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đầu tư các thiết bị mô phỏng cho thực hành, thực tập; gắn lý thuyết với rèn luyện kỹ năng nghề…

Đồng thời, về phía người học, cần thực hiện hướng nghiệp, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông có lựa chọn đúng nhất để tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn; hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp.

Nhà trường và nhất là gia đình phải hướng dẫn để các em phải hiểu bản thân, hiểu năng lực và điều mình mong muốn để có lựa chọn phù hợp nhất, tránh lãng phí nguồn lực xã hội và giúp các em phát triển tốt nhất khi được đặt đúng môi trường của mình.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://thanhhoa.dcs.vn/tinhuy/pages/2022-3-11/Hoat-dong-cac-co-so-giao-duc-nghe-nghiep-tren-dia-8jqg46rv97am.aspx

Tuệ Nhi