"Chật vật" hậu sáp nhập: Một trường nghề có tới 3 cơ quan quản lý chuyên môn

06/03/2023 06:45
Khánh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Theo đại diện phía trường nghề, sau khi sáp nhập lại thành cơ sở đào tạo quy mô lớn hơn thì việc đầu tư cho trường lại trở nên khó khăn nhiều hơn.

Năm 2025, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sẽ giảm khoảng 20% so với năm 2020. Đây là mục tiêu đặt ra trong quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 73/QĐ-TTg.

Theo đó, trường trung cấp công lập sẽ giảm khoảng 40%; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ lên khoảng 45%; hoàn thành việc sáp nhập các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện.

Trước việc làm này, có ý kiến lo lắng rằng, việc quy hoạch, sáp nhập các trường nghề lại với nhau có thực sự nâng cao được chất lượng khi nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi sáp nhập được nhiều năm vẫn gặp nhiều bất cập, vướng mắc chưa giải quyết được.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Quang Thành, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính - Kế hoạch, Trường Cao đẳng Bình Phước cho hay, sau khi sáp nhập từ cuối năm 2019 đến nay, trường có mặt thuận lợi là bộ máy được tinh gọn hơn nhưng vẫn tồn tại một số khó khăn.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Trước hết, về chương trình đào tạo, do Trường Cao đẳng Bình Phước được thành lập từ việc sáp nhập 03 trường: Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước, Trường Cao đẳng Y tế Bình Phước vào Trường Cao đẳng nghề Bình Phước đã dẫn tới việc 01 trường cao đẳng nhưng có tới 03 cơ quan quản lý chuyên môn. Trong đó, lĩnh vực sư phạm thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, lĩnh vực y tế thuộc Bộ Y tế, các khoa về nghề thì thuộc Bộ Lao động Thương binh và xã hội.

Việc làm này đã vô tình kéo theo một số bất cập như chế độ phụ cấp đứng lớp của cán bộ giảng viên của trường hiện nay mỗi người một kiểu: giảng viên các ngành y tế được hưởng 25%, các ngành đào tạo nghề là 30% và ngành sư phạm thì 40%.

Điều này đã gây ra bức xúc cho nhiều giảng viên bởi lĩnh vực sư phạm chỉ đào tạo mỗi ngành sư phạm mầm non, nhiều khi không có giờ dạy nhưng lại được hưởng phụ cấp nhiều hơn.

“Cùng một trường nhưng phụ cấp lại không đồng đều, công bằng nên không chỉ khiến giảng viên thắc mắc mà công tác quản lý của trường cũng gặp nhiều khó khăn.

Trường cũng từng làm công văn trình lên Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) về vấn đề này nhưng theo quy định hiện hành nên vẫn không thay đổi phụ cấp đứng lớp của giảng viên”, thầy Thành chia sẻ.

Bên cạnh đó, sau khi sáp nhập, Trường Cao đẳng Bình Phước cũng gặp một số khó khăn về cơ cấu tổ chức, địa điểm.

Trước khi sáp nhập, trường chỉ có một địa điểm duy nhất nên hoạt động được gắn kết, tập trung. Nhưng kể từ khi sáp nhập, trường bị phân tán thành nhiều địa điểm nên vấn đề quản lý bị hạn chế hơn rất nhiều.

Có địa điểm cách trụ sở chính hàng chục cây số nên cán bộ quản lý không thể thường xuyên đến hỗ trợ, sát sao; giảng viên khi có tiết dạy ở địa điểm học nào thì phải đến địa điểm đó dạy dẫn tới việc di chuyển rất bất tiện.

Không những vậy, kể từ khi sáp nhập đến nay, mặc dù trường cũng nhận được sự quan tâm sát sao của tỉnh nhưng việc đầu tư, nâng cấp, sửa chữa của trường do là một trường lớn hơn nên bị hạn chế nhiều so với các trường riêng biệt.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước cũng đã chỉ đạo trường xây dựng đề án tái cấu trúc trường để sắp xếp lại bộ máy sao cho phù hợp với xu thế phát triển và nhu cầu hiện nay như: hợp nhất khoa khoa học cơ bản và khoa sư phạm lại với nhau và thành lập thêm một số khoa, ngành khác; tập trung phát triển theo hướng đào tạo nghề chất lượng cao,...

Về việc sắp xếp đội ngũ cán bộ giảng viên của các trường sau khi sáp nhập, thầy Thành cho biết, Trường Cao đẳng Bình Phước thực hiện công tác này rất tốt. Cụ thể, từ khi sáp nhập từ cuối năm 2019 đến nay, dù vẫn còn một số ít khoa, phòng ban bị dôi dư nhưng trường đã tinh giản từ hơn 200 nhân sự còn khoảng 132 cán bộ viên chức.

Từ khi sáp nhập, nhà trường đã tìm hiểu nguyện vọng của các cán bộ viên chức, ai có nhu cầu thế nào thì trường sẽ sắp xếp cho phù hợp để hạn chế tình trạng dôi dư nguồn nhân lực gây lãng phí. Có thể chuyển công tác trong tỉnh hoặc nghỉ hưu, chuyển công việc khác.

Để việc sáp nhập các trường nghề lại với nhau nâng cao được chất lượng, thầy Thành đề xuất, việc sáp nhập các trường cần phải tính toán lại một cách hợp lý, các trường cùng một cơ quan quản lý mới nên sáp nhập lại với nhau để có định hướng phát triển thống nhất và thuận lợi hơn.

Hơn nữa, nước ta hiện nay mới đang tập trung vào giải quyết vấn đề về cơ cấu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp chứ chưa tập trung giải quyết vấn đề về chất lượng. Thậm chí, vẫn chưa ban hành được chương trình đào tạo nghề chuẩn cho hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề vẫn trường nào xây dựng chương trình đào tạo cho mình, chưa có sự thống nhất chung để đánh giá, kiểm tra chất lượng đào tạo.

“Không chỉ Trường Cao đẳng Bình Phước mà nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay vẫn phải dùng các trang thiết bị lỗi thời trong khi trường nghề cần được đầu tư nhiều các trang thiết bị hiện đại để sinh viên học tập và thực hành.

Do vậy, các bộ, ban ngành có liên quan phải có định hướng cụ thể để chỉ đạo các trường hợp tác với các doanh nghiệp khắc phục vấn đề này.

Các doanh nghiệp thường cập nhật các máy móc hiện đại thường xuyên để sản xuất sản phẩm phù hợp bán được ra thị trường. Nếu cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên liên kết được với doanh nghiệp để sinh viên thực hành trực tiếp luôn tại doanh nghiệp, vừa giúp người học được trải nghiệm thực tế, vừa giúp tiết kiệm kinh phí cho nhà trường và Nhà nước”, thầy Thành bày tỏ quan điểm.

Theo chia sẻ từ cô Lê Thị Thu Thảo, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh cho hay, phía tỉnh có dự kiến sẽ sáp nhập Trường Trung cấp Nghề khu vực Nam Tây Ninh và Trường Trung cấp Kinh tế- Kỹ thuật Tây Ninh vào Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh.

Tuy nhiên, hiện tại tỉnh vẫn đang thực hiện từng bước nên mới chỉ có 02 trường trung cấp hợp nhất lại với nhau, còn việc sáp nhập vào Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh thì dự kiến phải đến 2025 mới thực hiện được.

“Theo tôi được biết, hiện 2 trường trung cấp sau khi sáp nhập vào nhau cũng đã quá rối ren do không đồng quan điểm trong điều hành, tổ chức nhân sự nên chắc chắn khi hợp nhất vào Trường Cao đẳng Nghề Tây Ninh cũng sẽ gặp một số khó khăn ban đầu”.

Cô Thảo cho biết, những khó khăn này chủ yếu nằm ở việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên do các trường chỉ sáp nhập lại với nhau nhưng vẫn giữ nguyên các địa điểm cơ sở hoạt động.

Đơn cử như một số ngành thuộc khối nông-lâm nghiệp vốn đã khó tuyển sinh nên giảng viên thường làm thêm công việc kiêm nhiệm. Do đó, khi sáp nhập lại chắc chắn sẽ dôi dư ra một số giảng viên của những ngành học này.

Ngoài ra, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh cũng mong muốn, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và xã hội) và địa phương cần quan tâm và chia sẻ, hỗ trợ nhiều hơn với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc nâng cấp các cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Bởi, khó khăn lớn nhất của một số trường nghề hiện nay là chưa có cơ sở vật chất tương đương với sự phát triển của doanh nghiệp, chưa ngang tầm với nhu cầu của xã hội. Phía các doanh nghiệp hiện nay hầu như cũng chỉ đón nhận nguồn nhân lực nhưng chưa có động thái chia sẻ, hỗ trợ với các nhà trường về các máy móc, thiết bị.

Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên của nhà trường phải liên tục trau dồi kiến thức, tự mình nâng cao tay nghề, năng lực của bản thân để đáp ứng chuẩn yêu cầu của nhà giáo cũng như nâng cao sự cạnh tranh tại địa phương và cả khu vực.

Khánh An