Ngày 6/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018 – 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020.
Tại điểm cầu ở Thành phố Hồ Chí Minh, tham dự hội nghị này, ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố đã có những đề xuất rất đáng chú ý trong lĩnh vực nhân sự của ngành giáo dục.
Theo ông Lê Thanh Liêm, là một đô thị đặc thù, trung tâm của cả nước, hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục, nhất là công tác nhân sự.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến, điểm cầu ở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L) |
Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, theo Nghị định 24 của Chính phủ, thì Thành phố Hồ Chí Minh chỉ được có 1 Giám đốc, 4 Phó Giám đốc.
Nhưng tại Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BGDĐT-BNV giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Nội vụ thì lại quy định, thành phố chỉ được có 3 Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Giáo dục chỉ ra tình trạng tinh giản biên chế cứng nhắc |
Với quy mô thành phố có khoảng 1,6 triệu học sinh ở tất cả các cấp học, là một áp lực rất lớn đối với đội ngũ quản lý của thành phố như hiện nay.
Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Nội vụ quan tâm đến việc này, điều chỉnh Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BGDĐT-BNV để phù hợp hơn với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý, để tiến hành thí điểm mô hình tự chủ, nhất là trong lĩnh vực tài chính, nhân sự. Đây là một giải pháp hữu hiệu để kêu gọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư, hỗ trợ cho sự phát triển của ngành giáo dục, hay là tinh giản biên chế.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên quan tâm, nghiên cứu, bổ sung biên chế đối với giáo viên tư vấn tâm lý, giám thị cho các trường, giúp tăng cường công tác quản lý học sinh, đảm bảo các điều kiện để học sinh phát triển cân bằng trong môi trường an toàn, thân thiện.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng có đề nghị, cần quan tâm hơn đến định biên, chế độ, chính sách đãi ngộ dành cho giáo viên tiếng Anh, Tin học ở bậc tiểu học.
Việc chưa có định biên, chế độ tính tiết nghĩa vụ 23 tiết/tuần đối với giáo viên tiếng Anh tiểu học sẽ không thể thu hút các thầy cô giáo giỏi, có tâm huyết.
Trong thời buổi hội nhập như hiện nay, lại còn chuẩn bị triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, những giáo viên như vậy luôn đóng vai trò hết sức cần thiết.