Thành quả đổi mới GDĐH giai đoạn 1987-1997 có còn giữ nguyên giá trị đến nay?

22/08/2024 08:21
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam

GDVN -"Tôi nghĩ rằng, Ngành ta hoàn toàn có quyền tự hào về những gì giáo dục đại học đã làm được dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Trần Hồng Quân ở thời kỳ 1987-1997".

LTS: Tiếp tục loạt bài viết tưởng nhớ tới những công lao của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân đối với nền giáo dục nước nhà khi tròn 1 năm ngày mất của thầy (25/8/2023-25/8/2024), hôm nay, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trân trọng gửi tới độc giả bài viết thứ 2 ghi nhận những đóng góp của nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân – một nhà đổi mới giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học.

(Bài 1)

Giai đoạn 1987-1997 là thời kỳ sôi động nhất, luôn mang đến những gì mới mẻ nhất cho giáo dục đại học Việt Nam. Trong bài viết này, tôi xin được liệt kê ra một số thành tựu nổi trội nhất ở thời kỳ này, còn mang đậm dấu ấn của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân cùng những cộng sự gần gũi của Anh.

Thứ nhất, chuyển đổi hệ thống giáo dục đại học Việt Nam từ mô hình Liên xô cũ (chỉ thích hợp với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung) qua mô hình mới, phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần, hội nhập quốc tế

Theo Nghị định 90-CP của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu khung hệ thống giáo dục quốc dân và hệ thống văn bằng (tháng 11/1993), ở bậc giáo dục đại học có 4 trình độ là: cao đẳng (3 năm), cử nhân (4 năm trở lên), thạc sĩ và tiến sĩ. Hai cấp đào tạo sau đại học là mới và đồng bộ với nhau. Việc đào tạo có thể tiến hành theo nhiều hình thức (tập trung và hình thức không tập trung) nhưng chỉ có một chuẩn chất lượng về văn bằng, kiên quyết xóa bỏ tình trạng chất lượng quá thấp, đặc biệt ở các hình thức đào tạo không tập trung.

Hệ thống này vẫn được duy trì cho tới nay và hoàn toàn phù hợp với hệ thống giáo dục đại học của phần đa quốc gia trên thế giới hiện nay (ISCED-2011). Điều đáng tiếc là hiện nay trình độ cao đẳng đã bị đẩy ra khỏi bậc giáo dục đại học, bị “nghề hóa”, gây khó cho việc triển khai “liên thông” và làm méo mó cơ cấu nhân lực quốc gia.

Thứ hai, đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo đại học. Cấu trúc lại nội dung đào tạo ở bậc đại học theo mô hình giáo dục đại học khai phóng

Mục tiêu đào tạo đại học trước đây nhằm phục vụ nền kinh tế “bao cấp”, nay phải chuyển sang đào tạo phù hợp với nền kinh tế thị trường và mở cửa. Về cơ bản, phải đào tạo ra những con người tự chủ, năng động và sáng tạo, có khả năng cơ động tìm việc làm, tự lo việc làm, tiến thân, lập nghiệp trong “thị trường sức lao động”. Do đó nội dung, chương trình đào tạo đại học trên tinh thần vừa gắn chặt với yêu cầu phát triển đất nước, vừa phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại. Có những nội dung mang tính chất chung của thế giới và thời đại: khoa học, công nghệ, quản lý… và có những nội dung mang tính đặc thù của đất nước, văn hóa truyền thống dân tộc, do đó phải có cách lựa chọn phù hợp.

Những đòi hỏi đó phù hợp với tư tưởng cơ bản của giáo dục đại học khai phóng – một xu hướng hiện đại của giáo dục đại học quốc tế (đặc điểm cốt lõi của giáo dục khai phóng bao gồm kiến ​​thức đa ngành toàn diện, cùng với sự bồi dưỡng những phẩm chất trí tuệ như tư duy phản biện, giao tiếp, sáng tạo, tự học, giải quyết vấn đề và trách nhiệm xã hội. Phương pháp sư phạm mang tính tương tác và lấy người học làm trung tâm).

Theo tinh thần đó, từ năm 1992, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương sắp xếp các chương trình đào tạo đại học và cao đẳng trên cơ sở chính thức quy định cấu trúc và khối lượng nội dung bậc đại học dựa trên những quan niệm mới phù hợp với những định hướng về mục tiêu đào tạo con người mới xã hội chủ nghĩa đã được khẳng định tại các Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc, với sự chuyển đổi kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời tạo tiền đề để tiến tới sự tương đương văn bằng đại học với các nước trong khu vực (tại các quyết định số 2677 và 2678/GD-ĐT ngày 3/1/1993 và công văn hướng dẫn số 59/ĐH ngày 4/1/1994).

Với những quy định này, nội dung đào tạo ở bậc đại học được cấu trúc lại gồm hai bộ phận tách biệt, đó là: nội dung giáo dục đại cương (General Education) và nội dung giáo dục chuyên nghiệp (Professional Education).

Trong đó, nội dung giáo dục đại cương bao gồm các học phần mang tính cơ bản và liên ngành, nhằm giúp cho người học tầm nhìn rộng, có thế giới quan khoa học và nhân sinh quan đúng đắn, hiểu biết về tự nhiên, xã hội và con người (trong đó có bản thân), nắm vững phương pháp tư duy khoa học, biết trân trọng các di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại, có đạo đức, nhận thức trách nhiệm công dân, yêu Tổ quốc và có năng lực tham gia bảo vệ Tổ quốc, trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Nội dung giáo dục chuyên nghiệp, trên cơ sở cơ bản hóa, phải xây dựng theo bình diện rộng, phải đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu của xã hội. Đối với đa số ngành đào tạo phần lớn nội dung giáo dục đại cương được giảng dạy ở giai đoạn I, một phần nội dung này (như một số học phần về khoa học Mác Lênin) được dạy tiếp tục qua giai đoạn II. Nội dung giáo dục chuyên nghiệp nói chung chỉ được dạy ở giai đoạn II. Để thuận lợi cho việc thực hiện “liên thông” nội dung Giáo dục đại cương được cấu trúc thành 7 chương trình.

Thứ ba, triển khai quy trình đào tạo mới

Quy trình đào tạo cấp đại học theo 2 giai đoạn hay còn gọi là Quy trình đào tạo mới được đề xuất từ năm 1987 nhằm 3 mục tiêu quan trọng:

Một là, tiêu chuẩn hóa và nâng cao chất lượng mặt bằng kiến thức cơ bản của bậc đại học (phần giáo dục đại cương);

Hai là, giúp cho cơ sở đào tạo và người học cơ hội để lựa chọn lại một lần nữa cho phù hợp giữa người và nghề; nói cách khác tạo khả năng dịch chuyển ngành nghề, liên thông và lọc lựa sau giai đoạn 1;

Ba là, góp phần đại chúng hóa nền đại học, giúp cho những đối tượng từ nhiều địa bàn và nhiều lĩnh vực khác nhau có cơ hội tiếp nhận học vấn đại học.

Mục tiêu của việc tổ chức lại quy trình đào tạo mới là: đào tạo theo diện rộng, phân chia quá trình đào tạo đại học thành 2 giai đoạn, áp dụng một học chế mềm dẻo theo nguyên tắc tích lũy kiến thức, nâng cao tính chủ động và phát huy sở trường của cá nhân từng người học.

3.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân để lại nhiều dấu ấn, đặt nền móng cho công cuộc đổi mới giáo dục đại học ở nước ta cho tới nay.

Ngày 12/9/1995, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định 3244/GD-ĐT ban hành tạm thời bộ chương trình mẫu về giáo dục đại học đại cương (giai đoạn I) dùng trong các trường đại học và các trường cao đẳng sư phạm.

Với bộ chương trình này, sinh viên thuộc phần lớn trường đại học và một số trường cao đẳng (chủ yếu là trường cao đẳng sư phạm đào tạo giáo viên trung học cơ sở) được đào tạo tập trung ở 3 học kỳ đầu (giai đoạn I) theo 7 chương trình: Các chương trình 1, 2 và 3 áp dụng đối với sinh viên các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật-công nghệ, y-dược, nông –lâm- ngư,.... Chương trình 4 được áp dụng cho sinh viên các ngành kinh tế và quản trị kinh doanh. Chương trình 5 nhấn mạnh các kiến thức về khoa học xã hội ; trong khi chương trình 6 chỉ áp dụng cho sinh viên các ngành nhân văn, văn hóa, nghệ thuật. Chương trình 7 dành cho sinh viên nhóm ngành ngoại ngữ.

Với kết cấu nội dung đào tạo giai đoạn I như trên, khi chuyển sang giai đoạn II sinh viên từ cùng một chương trình có thể đăng ký vào nhiều ngành đào tạo khác nhau và ngược lại, cùng một ngành đào tạo ở giai đoạn II có thể nhận sinh viên từ một số chương trình khác nhau chuyển lên.

Những quy định như trên cùng với việc ban hành Quy chế về tổ chức đào tạo, kiểm tra, thi và công nhận tốt nghiệp cho các hệ đào tạo đại học và cao đẳng chính quy tại Quyết định số 3968/GD-ĐT ngày 14/10/1995 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và nếu như việc tuyển sinh vào đại học và cao đẳng được thực hiện chỉ theo 7 chương trình (mà không phải theo ngành học như trước đây) thì vấn đề liên thông chuyển đổi sinh viên giữa các trường và giữa các nhóm chương trình đào tạo cũng như việc ổn định hoạt động cho các cụm trường liên kết tổ chức theo từng địa phương (trong đó có các trường sư phạm) về cơ bản đã được giải quyết.

Như vậy, nếu cả 3 giải pháp trên được các cơ sở giáo dục đại học nghiêm chỉnh triển khai đồng bộ (mà không chịu chi phối bởi các tư duy cục bộ, bản vị- như cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã chỉ ra) thì ngay từ năm học1995-1996 chúng ta đã xây dựng được một hệ thống giáo dục đại học mở thực sự. Về sau mục tiêu xây dựng hệ thống giáo dục mở đã lại được nhắc đến tại Nghị quyết 29 và Luật Giáo dục sửa đổi 2019.

Cho dù vậy nhưng một đóng góp to lớn không thể không nhắc tới là theo chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Trần Hồng Quân, Vụ Giáo dục Đại học đã vận dụng quy trình đào tạo mới và 7 chương trình giáo dục đại học đại cương giúp triển khai thành công chủ trương “đại học hóa” cho hệ thống các trường đào tạo theo chức danh (công an, quân đội), các trường của hệ thống chính trị-đoàn thể (tuyên huấn, công đoàn, thanh niên, phụ nữ) và các trường nghiệp vụ (kiểm sát, tòa án).

Thứ tư, sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng

Chấp hành Chỉ thị 287/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương bố trí lại mạng lưới trường đại học, cao đẳng theo hướng hình thành ba loại trường cơ bản: Viện đại học đa lĩnh vực, trường đại học/cao đẳng chuyên ngành và trường cao đẳng cộng đồng/đại học địa phương.

Mạng lưới mới này cần “phân bố hợp lý trên phạm vi cả nước (tránh để tồn tại những trường có quy mô quá nhỏ, những trường có ngành nghề trùng lặp không cần thiết, những trường có ngành nghề diện quá hẹp…), có tác dụng mở rộng đào tạo và bồi dưỡng nhân lực có trình độ cao, nâng cao dân trí, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, khoa học của từng vùng cũng như của cả nước. Tập trung xây dựng một số trung tâm chất lượng cao (trường, ngành học) ngang tầm với trình độ cao trong khu vực, làm những thí điểm đi trước vào hiện đại, tạo tiền đề mở rộng số lượng những trường, ngành học có chất lượng cao”. Đó trước hết là các Viện đại học.

“Viện đại học phải là loại trường đại học không phải chỉ gồm nhiều ngành mà gồm nhiều lĩnh vực đào tạo. Chính những Viện đại học như thế mới giúp nâng cao chất lượng đào tạo cho phần nội dung giáo dục đại cương trong chương trình đại học, đảm bảo sự liên kết và tích hợp tốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, đảm bảo trở thành một trung tâm giáo dục khoa học, văn hóa lớn. Viện đại học là nơi sáng tạo, bảo tồn và chuyển giao tri thức của dân tộc. Chúng ta có thể xây dựng nhiều loại hình trường khác nhau nhưng trong cả nước ít nhất cần có vài Viện đại học đủ mạnh”. Ngoài ra, tâm đắc với chỉ đạo của Hội đồng Bộ trưởng, Giáo sư Trần Hồng Quân cũng cho rằng: “…việc sắp xếp mạng lưới các Viện đại học gắn với việc sắp xếp các Viện nghiên cứu sẽ tạo cơ hội lớn cho các Viện đại học của chúng ta thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ; nhà trường là trung tâm khoa học và công nghệ”. Quan điểm chỉ đạo này vẫn được giữ nguyên cho tới nay.

Về mặt tổ chức tại Tờ trình Hội đồng Bộ trưởng số 1315/ĐH ngày 17/3/1992 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ: Đại học đa lĩnh vực “ không phải là một cơ quan quản lý trung gian mà thực chất là một đơn vị đào tạo thật sự quan trọng được lập ra trên cơ sở hợp nhất và tổ chức lại hàng loạt trường đại học và viện nghiên cứu khoa học để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống, bảo đảm hiệu suất đào tạo cao, thích ứng với một xã hội có nền kinh tế thị trường”.

Tuy nhiên, quá trình triển khai lại không phải như vậy. Vì nhiều lý do khác nhau, cuối cùng ở tất cả các đại học đa lĩnh vực được thành lập, cấu trúc 3 cấp là trường – khoa – bộ môn (kiểu quản trị của Liên Xô cũ) về căn bản vẫn được giữ nguyên ở các trường thành viên. Kết quả là các đại học đa lĩnh vực đều có cấu trúc 4 cấp quản lý: đại học - trường đại học – khoa – bộ môn. Với cấu trúc như vậy, theo các chuyên gia Word Bank, mô hình đại học của Việt Nam “không giống ai” trên thế giới .

Cũng theo nhận xét của nhiều chuyên gia sau hơn 30 năm qua các đại học đa lĩnh vực của ta vẫn tồn tại dưới dạng một “liên hiệp các trường đại học chuyên ngành” với cấu trúc “đại học hai cấp”. Do các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết là về mặt đào tạo, nên đại học chưa có được sức mạnh tổng hợp như xã hội và người học vẫn mong đợi.

Hệ thống các trường đại học địa phương/cao đẳng cộng đồng cũng được thành lập theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Quân. Theo Bộ trưởng, hệ thống trường này cần được thành lập ở phần lớn các tỉnh chủ yếu nhằm 2 mục đích:

Một là, thực hiện sự phân cấp quản lý hợp lý đối với hệ thống giáo dục đại học nhằm khắc phục những hạn chế của một hệ thống giáo dục tập trung cồng kềnh vốn là sản phẩm của thời kỳ tập trung quan liêu bao cấp.

Hai là, mở ra sự công bằng hơn trong giáo dục đại học, tạo thuận lợi cho các vùng miền có mức độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, nhất là ở những địa phương kinh tế-xã hội còn chậm phát triển, sớm đạt được sự phát triển đồng đều nhờ có nguồn nhân lực trình độ cao bám sát nhu cầu đặc thù của chính địa phương đó, do người dân của địa phương đó có thêm cơ hội thuận lợi được tiếp cận với giáo dục đại học.

Khác với các loại hình cơ sở giáo dục đại học khác, các trường địa phương/cộng đồng cần tuyệt đối tuân theo triết lý “của dân”, “vì dân “ và “do dân”: Trường đại học địa phương là trường đại học của địa phương, được thành lập để phục vụ cho nhu cầu đào tạo nhân lực và dân trí của cộng đồng địa phương, do đó phải được Chính quyền và cộng đồng người dân địa phương nuôi dưỡng bằng khoản trích ra từ tiền thuế do chính họ đóng góp cho chính quyền địa phương .Tuy nhiên điều đáng buồn là tư tưởng này của Giáo sư Trần Hồng Quân đã không được các thế hệ sau tiếp thu trọn vẹn. Mới đây một số địa phương vì những khó khăn trước mắt nên đã sẵn sàng "hy sinh " đứa con của mình.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân cũng đã từng chỉ ra hướng phát triển cho các cơ sở giáo dục đại học địa phương: Trường Cao đẳng sư phạm => Trường Cao đẳng Cộng đồng => Trường Đại học địa phương, tùy theo tốc độ tăng trưởng của mỗi địa phương. Đáng tiếc là chúng ta đã không đi theo hướng phát triển đúng đắn đó, dẫn tới tình trạng hệ thống các cơ sở giáo dục đại học địa phương đang có nguy cơ bị “xóa sổ” hoặc bị “nghề hóa” thậm chí bị sáp nhập vào các trường trung ương để được “trung ương hóa”.

Thứ năm, giải quyết bài toán giáo viên phổ thông

Đáp ứng nhu cầu giáo viên cho hệ thống giáo dục phổ thông luôn là vấn đề nhức nhối của giáo dục Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua và ngay cả cho tới nay: khi thừa khi thiếu, vùng này thừa vùng khác thiếu, ngành này thừa nhưng ngành khác thiếu, lúc có được nguồn tuyển sinh chất lượng nhưng cũng có lúc phải chấp nhận “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, …

Để giải quyết bài toán khó này tại Hội nghị chuyên đề “Quy trình đào tạo mới trong các trường đại học” vào tháng 10/1990 Bộ trưởng Trần Hồng Quân đã chỉ đạo:

“…Đào tạo đội ngũ giáo viên là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của ngành sư phạm. Hiện nay cả nước có 80 vạn giáo viên phổ thông các cấp. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa thì đội ngũ này vẫn bám trường, bám lớp để duy trì hệ thống giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, sự đối xử của xã hội đối với giáo viên phổ thông rất không thỏa đáng. Họ phải chấp nhận mức thu nhập thiệt thòi vì đối với đa số giáo viên không có các khoản thu nhập nào khác ngoài lương. Do đó địa vị xã hội của người giáo viên rất thấp. Kết quả là các trường sư phạm rất khó tuyển chọn học sinh giỏi. Nhiều năm như vậy, nhiều thế hệ như vậy cứ thế kế tiếp nhau, dẫn tới hiện tượng “lịm dần” về chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, ảnh hưởng sâu xa đến chất lượng nền giáo dục quốc dân.

Thực tế cho thấy hiện nay phần lớn địa phương đã hết chỉ tiêu nhận giáo viên. Do vậy nếu không tính toán cách khác thì xu hướng tất yếu là phải ngừng việc đào tạo giáo viên các trường sư phạm.

Để giải quyết bế tắc này, chúng ta cần thay đổi quan niệm. Đó là các trường sư phạm không nên chỉ đào tạo giáo viên phổ thông và giáo viên phổ thông cũng không nên chỉ được đào tạo ở các trường sư phạm. Các trường đại học sư phạm nên được tổ chức lại để trở thành những trường khoa học cơ bản đào tạo giáo viên, cán bộ nghiên cứu khoa học đặc biệt là khoa học giáo dục, cán bộ quản lý xã hội, đồng thời đào tạo nguồn vào giai đoạn II cho các trường đại học chuyên ngành khác. Đại học sư phạm cũng nên là một trường đào tạo giáo viên cho nhiều cấp: cả đại học, cả cao đẳng, cả sư phạm cấp 1, sư phạm mẫu giáo… Với cách đặt vấn đề như vậy, các trường đại học sư phạm sẽ có nhiều mục tiêu đào tạo. Các vụ chức năng của Bộ phải phối hợp với nhau để giúp các trường đại học sư phạm làm điều đó.

Mặt khác, một số loại hình giáo viên phổ thông nên được đào tạo ở các trường đại học kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao… Theo hướng đó cần sớm thành lập ở những trường này các khoa hoặc bộ môn sư phạm.

Trong tương lai, các trường cao đẳng sư phạm địa phương sẽ dần chuyển thành các trường đa lĩnh vực (tức trường đại học địa phương), trong đó vẫn giữ nhiệm vụ nòng cốt là đào tạo giáo viên…”.

Thứ sáu, chuyển các trường trung học chuyên nghiệp đủ điều kiện lên cao đẳng, đặt tiền đề cho sự phân luồng sinh viên ở bậc giáo dục đại học

Trước khi đất nước đổi mới hệ thống trường trung học chuyên nghiệp có trách nhiệm đào tạo những cán bộ thực hành có trình độ trung học kỹ thuật, nghiệp vụ kinh tế, giáo dục, văn hóa, y tế và những cán bộ trung học chuyên nghiệp /kỹ thuật viên có nhiệm vụ tổ chức và hướng dẫn công nhân thực hiện những quy trình công nghệ đã được quy định hoặc thực hiện từng phần trong công tác nghiên cứu thiết kế. Trường trung học chuyên nghiệp tuyển sinh hai trình độ:

Đối với các ngành đào tạo không yêu cầu cao về mặt công nghệ, tuyển sinh học sinh tốt nghiệp phổ thông cơ sở đào tạo trong thời gian 3 + 3,5 năm, khi tốt nghiệp có trình độ văn hóa tương đương phổ thông trung học và trình độ chuyên môn bậc trung học nhằm phục vụ chủ yếu cho nhu cầu các địa phương và được cấp bằng trung học chuyên nghiệp.

Đối với các ngành đòi hỏi trình độ công nghệ cao và nghiệp vụ phức tạp thì tuyển học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, đào tạo trong thời gian 2 + 2,5 năm và được cấp bằng trung học chuyên nghiệp. Những cơ sở giáo dục loại này có thời gian còn mang tên gọi là trường trung cao (thí dụ: Trường trung cao Cơ –Điện).

2.jpg
Sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tĩnh năm 1996 (ảnh: nguồn Báo Giáo dục và thời đại)

Tuy nhiên trong xu thế phát triển của đất nước, xuất hiện nhu cầu cần có những kỹ thuật viên được đào tạo ở những trình độ cao hơn. Nắm bắt nhu cầu đó Bộ trưởng Trần Hồng Quân đã chỉ đạo tại hội nghị Giáo dục đại học 1993 rằng: “Hiện nay ở nước ta rất thiếu các cơ sở đào tạo nhân lực lao động có trình độ cao đẳng thực sự và điều này tạo ra sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các thành phần cán bộ ở trình độ sau trung học (cán bộ có trình độ đại học quá nhiều, cán bộ có trình độ cao đẳng ít; trong khi ở các nước tỷ lệ này thường là 1:1). Nhằm khắc phục sự mất cân đối đó, cần xác định mục tiêu và nội dung, chương trình đào tạo kỹ thuật viên và nhanh chóng chuyển những trường trung học chuyên nghiệp mạnh lên bậc cao đẳng”.

Với chủ trương này hàng trăm trường cao đẳng chuyên nghiệp cấp bằng cao đẳng “thứ thiệt” đã được nâng cấp từ các trường trung học chuyên nghiệp, đáp ứng kịp thời yêu cầu về nguồn nhân lực kỹ thuật viên bậc cao cho sự nghiêp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Động thái này cũng tạo ra tiền đề để những năm tiếp sau hình thành trong hệ thống giáo dục quốc dân luồng giáo dục đại học chuyên nghiệp/công nghệ/ứng dụng bên cạnh luồng giáo dục đại học định hướng nghiên cứu /học thuật đã có từ trước. Ở luồng mới này liên thông không diễn ra theo quy trình đào tạo mới (giai đoạn I-giai đoạn II) mà theo lộ trình: Từ đào tạo Kỹ thuật viên (Technician) đến đào tạo Chuyên viên công nghệ (Technologist). Điều đáng buồn là với quyết định hợp nhất loại trường này với loại trường cao đẳng nghề theo Luật Giáo dục nghề nghiệp thì nhân lực kỹ thuật viên hoàn toàn bị loại bỏ khỏi dây chuyền sản xuất ở nước ta những năm gần đây.

Thứ bảy, đặt nền móng hình thành hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập

Nghị quyết Trung ương 4 khóa 7 (năm 1993) về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã công nhận sự tồn tại của các loại trường đại học dân lập,bán công và tư thục mà trước đây chưa hề có tại Việt Nam, với ý định hệ thống trường này sẽ bổ sung cho hệ thống đại học công lập đang có nhằm thỏa mãn yêu cầu quá cao của nhân dân về chỗ học.

Quan điểm của Bộ trưởng Trần Hồng Quânkhi đó là cần phải có sự chia sẻ chi phí từ phía xã hội, hay như ngày nay thường gọi là xã hội hóa giáo dục.Theo giáo sư trong điều kiện cụ thể nước ta, nhà nước nên có quan điểm xem giáo dục công lập và giáo dục ngoài công lập giống như hai chiếc cánh của hệ thống giáo dục quốc dân; cả hai cánh đều phải khỏe, cân đối thì Giáo dục Việt Nam mới có thể bay cao, bay xa. “…Bộ sẽ thể chế hóa các loại hình trường mới này theo tinh thần một mặt tạo thuận lợi cho việc mở trường và không bóp nghẹt đi những sáng kiến riêng, mặt khác vẫn có thể kiểm soát chặt chẽ về mặt chất lượng đào tạo và hoạt động tài chính...”. Trên tinh thần đó trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Trần Hồng Quân các quy chế đầu tiên về các loại hình trường đại học dân lập, bán công và tư thục đã lần lượt được xây dựng và ban hành, tạo căn cứ pháp lý cho sự ra đời của hàng loạt các trường đại học ngoài công lập.

Còn một loại trường nữa, chẳng phải công chẳng phải tư cũng chẳng phải bán công, đó là trường trực thuộc các tập đoàn kinh tế lớn nhà nước, cũng ra đời lần đầu tiên theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Quân. Ở đây tôi muốn nói tới Học viện Công nghệ Bưu chính-Viễn thông trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), được thành lập như một thử nghiệm nhằm bắn một mũi tên trúng nhiều mục tiêu: giảm gánh nặng từ ngân sách nhà nước, gắn kết doanh nghiệp với nhà trường, gắn kết hoạt động đào tạo với nghiên cứu khoa học, định hướng công nghệ mũi nhọn. Đây là “nhân tố mới” trong giáo dục đại học rất cần được tổng kết và nhân rộng ra cả nước. Nhưng điều đáng tiếc là hiện Học viện đã bị chuyển về trực thuộc Bộ để hoạt động theo cơ chế “tự chủ tài chính”.

Thứ tám, duy trì và mở rộng quy mô đào tạo đại học

Nhằm tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo đại học tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học và cao đẳng toàn quốc ở Hà Nội (8/1993) Bộ trưởng Trần Hồng Quân đã chỉ đạo triển khai các giải pháp :

Cho các trường đại học và cao đẳng được chủ động đề xuất chỉ tiêu tuyển sinh tối đa:

“ Từ năm học1993-1994, những ràng buộc của cơ chế tập trung bao cấp đã bị xóa bỏ, các trường được quyền định cho mình chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào khả năng đào tạo, nhu cầu xã hội và chất lượng đầu vào. Do đó, trên thực tế từ năm học này, cả 2 hệ đào tạo chính quy và mở rộng đã hội tụ làm một.

Một số trường có nhu cầu đào tạo cho các đối tượng đang đi làm, có tuổi ngoài độ tuổi tuyển sinh chính quy. Đối với những đối tượng như vậy, ngoài loại hình đào tạo tại chức và chuyên tu đã có (được đào tạo theo các chương trình riêng và cấp văn bằng riêng), từ năm học 1993-1994 Bộ cho mở thêm hệ bán thời gian. Sinh viên hệ toàn thời gian (chính quy thông thường) và sinh viên hệ bán thời gian về cơ bản học cùng nội dung, chương trình, được đánh giá theo cùng một chuẩn mực; hai hệ này chỉ khác nhau về phương thức tuyển sinh và thời gian đào tạo; do đó sinh viên tốt nghiệp ở hai hệ sẽ được cấp cùng một loại văn bằng chính quy. Cũng nên nhận thấy rằng với việc hệ đào tạo tại chức đang dần dần đổi mới nội dung chương trình đào tạo theo xu hướng tích cực, sau một vài năm nữa cả hai hệ bán thời gian và tại chức sẽ chụm lại làm một, mặc dù trước mắt, giữa hai hệ này vẫn còn một số điểm khác biệt”.

Xây dựng và phát triển hệ thống trường đại học mở “... nhằm tạo ra sự bình đẳng cho nhân dân về cơ hội được tiếp nhận học vấn đại học, đồng thời góp phần tăng nhanh số lượng sinh viên đại học.

Khác với các trường đại học truyền thống, các trường đại học mở chấp nhận nguồn tuyển sinh tự do; nói chung không hạn chế số lượng người đăng ký học; có phương thức đào tạo đa dạng: từ xa, tại chỗ, tại các cơ sở vệ tinh; có chi phí đào tạo thấp (có thể chỉ bằng 1/10 chi phí đại học truyền thống) do tận dụng được lực lượng cán bộ giảng dạy và cơ sở vật chất ở tất cả các trường, các cơ sở nghiên cứu, dịch vụ và sản xuất còn dư công suất”.

Đại học mở xây dựng qui trình đào tạo thích hợp trên tinh thần mở rộng đầu vào và tạo mọi điều kiện dễ dàng cho người học, đồng thời có các biện pháp và công nghệ đặc biệt để đánh giá kết quả học tập đảm bảo chất lượng, kể cả cho hệ đào tạo từ xa và tại chỗ.

Đã có 2 trường đại học mở được thành lập theo chủ trương này. Tuy nhiên theo thời gian tính “mở” của 2 trường này đã dần biến mất mặc dù tên “đại học mở” vẫn giữ.

Thứ chín, triển khai quá trình dân chủ hóa trong sinh hoạt nhà trường.Tăng cường quyền tự chủ của các trường về mặt quản lý

Việc triển khai bầu Hiệu trưởng thực hiện ngay từ những năm đầu đổi mới đã được coi là sự thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc nhất trong sinh hoạt nhà trường. Đi kèm là chủ trương xóa bỏ việc bổ nhiệm thủ trưởng không thời hạn, thực hiện nhiệm kỳ hóa chức vụ Hiệu trưởng với việc giới hạn tối đa giữ chức vụ để tạo điều kiện cho lớp trẻ năng động, sáng tạo kế thừa và nối tiếp nhau tham gia quản lý nhà trường. Việc lựa chọn Hiệu trưởng là do quần chúng quyết định trong quá trình khảo sát, cân nhắc của cử tri. Cán bộ quản lý trong trường sẽ dần chuyển sang hưởng chế độ phụ cấp và mọi cán bộ quản lý chủ chốt của nhà trường sẽ hưởng thang lương chuyên môn.

Một số không ít trường sau khi bầu đã có những thay đổi sâu sắc và toàn diện được xã hội thừa nhận. Kết quả triển khai cuộc vận động cho phép đúc kết nhiều kinh nghiệm quý báu, củng cố lòng tin vào quần chúng, vào sự tự giác, trách nhiệm và đúng đắn trong lựa chọn của quần chúng. Kết quả cũng cho phép hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy trình, tiêu chuẩn để có thể tiến tới triển khai trong toàn ngành.

Từ những nội dung đã nêu, tôi nghĩ rằng Ngành ta hoàn toàn có quyền tự hào về những gì giáo dục đại học đã làm được dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Trần Hồng Quân ở thời kỳ 1987-1997. Chúng thực sự đóng vai trò khai phá, đặt nền móng cho công cuộc đổi mới giáo dục đại học ở nước ta cho tới nay.

Chùm bài viết này xin được tri ân về những đóng góp to lớn của Anh cho sự nghiệp phát triển giáo dục đại học Việt Nam, để mọi thế hệ sau biết tường tận hơn về Anh và luôn nhớ đến Anh.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo:

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Một số tư liệu về đổi mới giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 1987-1997, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam