Ra mắt sách “Đã là thuyền phải ra khơi”, hồi ký của GS TS Trần Hồng Quân

11/07/2024 15:52
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và gia đình cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân tổ chức lễ ra mắt sách “Đã là thuyền phải ra khơi”.

Sáng ngày 11/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và gia đình cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) đã tổ chức lễ ra mắt, giới thiệu sách ”Đã là thuyền phải ra khơi” của Giáo sư.

Đến tham dự buổi lễ có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí Thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nhà văn Nguyễn Tấn Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Cao Vinh – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, và đông đảo nhân sĩ, trí thức, đồng nghiệp, người thân của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân.

Về phía Hiệp hội có: Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Tiến sĩ Trình Quang Phú – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Về phía đại diện gia đình, có bà Mai Thị Năm - phu nhân của cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân cùng người thân.

"Đã là thuyền phải ra khơi" chính là cuốn hồi ký do Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân chắp bút, vừa được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn phát hành.

gdvn_sachQg.jpg
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ tại lễ ra mắt sách. Ảnh: V.D

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ: “Sau khi Giáo sư Trần Hồng Quân đi xa, gia đình Giáo sư có chuyển cho tôi tập bản thảo. Cầm tập bản thảo tôi nghĩ mãi tên sách "Đã là thuyền phải đi xa", càng nghĩ càng thấy sâu sắc.

Tựa đề quyển hồi ký Đã là thuyền phải ra khơi như một lẽ tự nhiên. Tựa đề quyển sách được lẩy ra từ câu thơ Đã là thuyền anh phải ra khơi/Là chim phải sống với bầu trời trong di cảo của Giáo sư Trần Hồng Quân".

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh: "Cả cuộc đời, sự nghiệp của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân luôn dành trọn cho sự nghiệp giáo dục, trọng giáo dục, trọng con người.

Anh không chọn chính trị, không chọn làm kinh tế. Khi cơ chế bao cấp không còn đủ sức nữa, Anh đã dám nghĩ đến vấn đề xã hội hóa giáo dục. Thời điểm đó là “sóng gió” đúng như Anh nói là "ra khơi". Ở thời điểm đó, chọn xã hội hóa, chọn cơ chế thị trường, chọn sử dụng nó là mạnh dạn. Anh cũng nhìn thấy đó là con đường không đơn giản.

Anh Quân không chỉ làm giáo dục ở vấn đề chương trình, của hệ thống, của mạng lưới, cách dạy cách học, kiểm tra thi cử mà Anh đã vượt xa hơn. Bản thân hoạt động giáo dục là một hoạt động văn hóa. Giáo dục với cái tầm suy nghĩ của anh Quân đã vượt qua giới hạn của văn hóa, không chỉ nhận thức, văn hóa đó đã ngấm vào nhân cách của Anh. Chúng tôi rất quý Anh vì điều đó. Anh ra đi nhưng nhân cách của Anh vẫn còn ở lại. Và hôm nay, cảm ơn chị Năm và gia đình đã sưu tập các tư liệu cho cuốn sách của Anh, cảm ơn Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông đã đóng góp nhiều công sức cho việc ra đời cuốn sách”.

gdvn_sachTranHongQuan.jpg
Sách hồi ký "Đã là thuyền phải ra khơi" do Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân chắp bút (ảnh: CTV)

Sách “Đã là thuyền phải ra khơi” của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân gồm 3 phần: Phần 1 là hồi ký Đã là thuyền phải ra khơi; phần 2 là Tiếng lòng và phần 3 là những bài nói, viết của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân.

Phần 1 sẽ cho ta cái nhìn rõ nét về cuộc đời đầy thăng trầm, từ thời thơ ấu ở quê nhà với gia đình, rồi lớn lên đi tập kết ra Bắc, phấn đấu học tập để trở thành một giảng viên Đại học Bách Khoa, đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài rồi trở về phục vụ, gắn bó gần như trọn đời với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà, với những trọng trách khác nhau, nhất là với vị trí “Tư lệnh” ngành trong giai đoạn đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới đầy khó khăn và thử thách.

Phần 2 là những bài thơ, bản nhạc đậm chất trữ tình do chính giáo sư sáng tác, thể hiện rõ “Tiếng lòng” của một chính khách, nhà quản lý, nhà khoa học đầy lãng mạn như Giáo sư Nguyễn Bá nhận xét “Giáo sư Trần Hồng Quân là một chính khách có tâm hồn thơ”.

Phần 3 với 21 bài viết và các bài phát biểu xuyên suốt cuộc đời hoạt động giáo dục của Giáo sư. Đây là những quan điểm, tầm nhìn, những điều tâm huyết và cả những trăn trở, ưu tư của Thầy; thể hiện tư duy cấp tiến, đi trước thời đại của Nhà giáo tài đức. Những nội dung này sẽ còn giá trị lâu dài đối với ngành giáo dục và đào tạo nói riêng, đất nước nói chung.

gdvn_sachQc.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phát biểu (ảnh: V.D)

Phát biểu tại lễ ra mắt, Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông cho biết, trước khi có Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/20213 ra đời, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân đã đề nghị tổ chức 10 cuộc hội thảo, và trong suốt 10 cuộc hội thảo này thì không cuộc nào Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân vắng mặt.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân đã có nhiều ý kiến đóng góp rất xác đáng, trí tuệ.

Sau này, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân còn đề xuất làm nhiều cuộc hội thảo về chủ đề đẩy mạnh đổi mới tự chủ đại học.

Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú nhấn mạnh, suốt cả cuộc đời, cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân đều dành cho sự nghiệp giáo dục, đã "lên thuyền" từ khi còn ở Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh, làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và về sau này khi nghỉ hưu vẫn còn trăn trở nhiều với giáo dục và nỗ lực vận động để thành lập Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam, sau là Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Trình Quang Phú chia sẻ: "Ban đầu, cuốn hồi ký này dự kiến có 240 trang, đọc rất xúc động, nhưng chúng tôi cảm thấy “con thuyền chỉ là mới lộng gió, chứ chưa có ra khơi”, nên mới đề nghị thêm gia đình, người thân, bạn bè sưu tập thêm các bài nói, bài viết của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân nữa.

Lúc này, người đọc sẽ cảm nhận rất rõ sự thể hiện ý tưởng ra khơi của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân, người đã dành rất nhiều tâm huyết, trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục nước nhà".

gdvn_sachQe.jpg
Các đại biểu tham dự lễ ra mắt sách "Đã là thuyền phải ra khơi" (ảnh: V.D)

Đến tham dự và có bài phát biểu tại lễ ra mắt sách, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, lãnh đạo Bộ kế nhiệm và đồng chí, đồng nghiệp đều ghi nhận, đánh giá rất cao về nhân cách mẫu mực, và công lao to lớn của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân đối với ngành.

gdvn_sachQd.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu (ảnh: V.D)

Bên cạnh những đóng góp mang tầm lý luận, khi đảm nhiệm trọng trách, Bộ trưởng Trần Hồng Quân còn đề xuất, triển khai nhiều chính sách cụ thể để phát triển hệ thống giáo dục và đào tạo như: Chương trình mục tiêu quốc gia về nghiên cứu khoa học; nhà trường gần với xã hội và lao động sản xuất; phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, xây dựng hệ thống trường sư phạm; xây dựng các trường chuẩn cho phổ thông cơ sở vùng khó khăn; xây dựng trường cho vùng bão lụt; xây dựng ký túc xá sinh viên, thí điểm bầu trực tiếp hiệu trưởng trường đại học; phát triển hệ thống trường ngoài công lập.

Về cuộc sống cá nhân, Giáo sư Trần Hồng Quân được đánh giá là một người hiền lành, nhân đức, chân thành, trong sáng. Thầy luôn cởi mở, lắng nghe và chia sẻ, trân trọng những ý kiến khác mình…nhờ vậy mà Giáo sư luôn được mọi người kính trọng, quý mến.

Thầy được đánh giá là một người chính khách tài năng, là nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà giáo thành công nhưng Thầy lại sống rất giản dị, khiêm tốn, gần gũi.

gdvn_sachQf.jpg
Các đại biểu, khách mời giao lưu, chia sẻ về cuốn sách. Ảnh: V.D
Việt Dũng