Thi thử tốt nghiệp THPT: Thầy cô rõ hơn năng lực học sinh để ôn luyện phù hợp

12/04/2025 06:45
ĐÀO HIỀN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Kỳ thi thử là dịp để học sinh lớp 12 làm quen với cấu trúc đề thi, cũng như giúp các em cải thiện kỹ năng làm bài và bổ sung kiến thức còn thiếu. 

Chỉ đạo tại Hội nghị tập huấn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đã đề nghị 100% các trường Trung học phổ thông phải tổ chức thi thử cho học sinh lớp 12. Đồng thời nhà trường phải sử dụng đa dạng phương thức ôn thi như học nhóm, thuyết trình, phối hợp thầy cô nhiều kinh nghiệm tổ chức ôn thi trên truyền hình… để mọi học sinh đều có cơ hội tiếp cận giáo viên giỏi. Việc tập dượt cũng giúp giáo viên làm quen với phương thức tổ chức thi mới của năm nay.

Kỳ thi thử có hiệu quả đối với cả giáo viên và học sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đàm Thanh Lạc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng (Kiên Giang) cho biết: Hàng năm, tỉnh Kiên Giang đều tổ chức các kỳ thi thử cho các em học sinh khối lớp 12 để giúp các em tập duyệt, không bỡ ngỡ trước khi bước vào kỳ thi chính thức.

Đối với các kỳ thi thử, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ ra đề, các trường tổ chức coi thi, chấm thi và báo cáo lại kết quả thực hiện cho Sở. Đồng thời, đối chiếu và rà soát kết kết quả để rút kinh nghiệm trong khâu tổ chức, triển khai.

Mặt khác xác định năng lực hiện có của học sinh trường mình để tiếp tục tăng cường ôn tập cho học sinh cho đến khi diễn ra kỳ thi chính thức.

Theo đánh giá của Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng, với các trường trung học phổ thông, kỳ thi thử có tầm quan trọng đặc biệt và mang lại nhiều tác dụng thiết thực.

Trước hết, kỳ thi thử giúp học sinh làm quen với dạng đề, cấu trúc đề thi và hệ thống kiến thức thường xuất hiện trong các kỳ thi chính thức. Mặc dù chỉ là kỳ thi thử nhưng từ khâu ra đề, in ấn, coi thi cho đến chấm thi đều được Sở Giáo dục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc như một kỳ thi thật. Vì vậy, có thể xem đây là một đợt tập dượt mang tính chất quan trọng, giúp học sinh và giáo viên làm quen với không khí và quy trình của kỳ thi chính thức.

Thông qua kỳ thi này, học sinh sẽ nhận được kết quả phản ánh đúng năng lực của bản thân, từ đó xác định được điểm mạnh, điểm yếu, các kỹ năng làm bài còn thiếu hay lỗ hổng kiến thức cần bổ sung.

Đối với giáo viên, đây cũng là cơ hội để đánh giá lại quá trình ôn tập, xem xét liệu mình đã cung cấp đầy đủ kiến thức cho học sinh hay chưa, qua đó kịp thời điều chỉnh phương pháp giảng dạy, hỗ trợ các em tốt hơn.

thầy Lạc.png
Thầy Đàm Thanh Lạc - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng (Kiên Giang). Ảnh: NVCC

Theo chia sẻ của thầy Lạc, Trường Trung học phổ thông Giồng Riềng có nhiều thuận lợi về điều kiện tổ chức các kỳ thi thử. Theo đó, trong nhiều năm qua, nhà trường đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang tin tưởng chọn làm điểm thi chính thức của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhờ đó, các điều kiện về cơ sở vật chất như phòng thi, bàn ghế, hệ thống ánh sáng, quạt mát… đều được đầu tư đầy đủ và đạt chuẩn. Khu vực sao in đề thi được bố trí riêng biệt, đảm bảo tính bảo mật và an toàn tuyệt đối. Đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các kỳ thi lớn, nắm vững quy trình và xử lý tốt các tình huống có thể xảy ra trong quá trình thi.

Tương tự tại Trường Trung học phổ thông Thái Thuận (Bắc Giang), kỳ thi thử cũng đã được tổ chức 2 lần trong năm học 2024 - 2025. Theo chia sẻ của thầy Lê Đình Khương - Phó Hiệu trưởng nhà trường, công tác tổ chức, triển khai kỳ thi thử dành cho học sinh lớp 12 của đơn vị không quá khó khăn vì đã nằm trong kế hoạch thường niên.

Theo đó, ban lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Thái Thuận đều đánh giá và nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tác dụng của việc tổ chức các kỳ thi thử. Dù chỉ là kỳ thi mang tính chất kiểm tra, đánh giá nội bộ, nhưng nhiều năm qua nhà trường vẫn tổ chức một cách nghiêm túc, bám sát quy chế thi chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Qua kỳ thi thử, giáo viên và nhà trường có thể nhìn rõ hơn bức tranh tổng thể về năng lực học sinh. Kết quả bài thi phản ánh khá chính xác trình độ hiện tại của các em, qua đó dễ dàng phát hiện ra những phần kiến thức còn hổng, kỹ năng làm bài chưa chắc hoặc thời gian phân bổ chưa hợp lý. Việc trả điểm nhanh chóng sau kỳ thi cũng giúp học sinh biết được mình đang ở đâu, đang thiếu điều gì để điều chỉnh lại cách học.

Về phía giáo viên, đây là cơ sở quan trọng để phân loại học sinh, nhận diện nhóm cần kèm cặp, bồi dưỡng, đặc biệt là những em còn đang yếu hoặc có nguy cơ không đạt yêu cầu. Từ đó, giáo viên có thể thiết kế lại nội dung ôn tập, điều chỉnh phương pháp giảng dạy để sát với thực tiễn và phù hợp với từng đối tượng học sinh.

2023_10_31_07_09_413.jpg
Học sinh Trường THPT Thái Thuận (Bắc Giang). Ảnh: website nhà trường

Đánh giá từ tình hình thực tế, thầy Khương cho hay công tác tổ chức kỳ thi thử diễn ra khá thuận lợi nhờ có sự chuẩn bị từ trước và kinh nghiệm nhiều năm khi là điểm thi chính thức của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang. Theo đó, cơ sở vật chất được đảm bảo tốt, với 33 phòng học đạt chuẩn nhưng nhu cầu sử dụng thực tế của trường chỉ dao động 20-21 phòng.

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên coi thi và hỗ trợ thi của trường đều là những thầy cô có kinh nghiệm, nắm rõ quy trình. Khâu chấm bài được thực hiện bằng hệ thống máy chấm, giúp tiết kiệm thời gian, tăng độ chính xác và khách quan trong việc đánh giá. Nhờ vậy, nhà trường có thể nhanh chóng tổng hợp, phân tích kết quả và triển khai các biện pháp hỗ trợ học sinh phù hợp, kịp thời.

Theo đánh giá của thầy Khương, việc tổ chức kỳ thi thử sẽ không quá khó khăn với các trường khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có những văn bản hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết về việc tổ chức kỳ thi, giúp các đơn vị không rơi vào tình trạng bị động.

Mặc dù năm nay có một số điểm mới trong quy chế nhưng nhà trường đã chủ động cập nhật và thực hiện đúng theo hướng dẫn, vậy nên công tác tổ chức diễn ra suôn sẻ, không gặp khó khăn lớn nào.

Kế hoạch ôn tập trong giai đoạn nước rút

Theo quy định từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 được tổ chức vào các ngày 25, 26, 27, 28/6/2025. Trong đó ngày 25/6 thí sinh làm thủ tục dự thi. Ngày 26, 27/6 tổ chức coi thi và ngày 28/6 dự phòng.

Như vậy, tính từ thời điểm hiện tại thì chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ đến ngày thi chính thức.

Thầy Phạm Long Hổ - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Hữu Trác (Đắk Lắk) cho biết, nhà trường năm nào cũng triển khai tổ chức kỳ thi thử tốt nghiệp Trung học phổ thông cho học sinh lớp 12, thường diễn ra từ một đến hai lần mỗi năm. Theo đó, kỳ thi không chỉ mang tính chất đánh giá năng lực học sinh, mà còn là cơ sở để nhà trường xây dựng chiến lược hỗ trợ, bồi dưỡng phù hợp cho từng đối tượng.

Năm nay, do thời gian sát với kỳ thi giữa kỳ, kế hoạch tổ chức thi thử của trường đã phải điều chỉnh cho hợp lý. Cách đây một tuần, trong cuộc họp liên tịch của nhà trường, phương án thi thử đã được đưa ra bàn bạc. Tuy nhiên sau đó, trong cuộc họp giao ban với Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk, phía Sở có chỉ đạo rằng các trường sẽ tổ chức kỳ thi thử chung vào tuần cuối tháng 4.

Do đó, nhà trường sẽ triển khai kỳ thi thử theo chỉ đạo của Sở trong thời gian đó, và dự kiến sẽ tổ chức thêm một đợt thi thử nữa vào giữa tháng 5 để tiếp tục kiểm tra mức độ tiến bộ của học sinh, đặc biệt là nhóm học sinh còn nhiều hạn chế.

Việc tổ chức thi thử không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra kiến thức, mà nhà trường còn sử dụng kết quả từ kỳ thi này làm cơ sở để phân tích, lọc ra danh sách những học sinh có nguy cơ không đạt yêu cầu trong kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Từ đó, các thầy cô được phân công kèm cặp, hỗ trợ theo nhóm nhỏ hoặc cá nhân, xây dựng kế hoạch ôn tập riêng, có chiến thuật phù hợp để bù đắp kiến thức, cải thiện kỹ năng làm bài, và quan trọng nhất là giúp các em có thêm sự tự tin.

thẩy hỔ.jpg
Thầy Phạm Long Hổ - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Hữu Trác (Đắk Lắk). Ảnh: website nhà trường

Theo chia sẻ của Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Hữu Trác, dù tổ chức kỳ thi thử với quy mô tương đối lớn, nhà trường vẫn cố gắng tạo điều kiện tối đa cho học sinh. Kinh phí tổ chức được trích từ nguồn chi thường xuyên của trường, dùng để hỗ trợ giấy, bút, văn phòng phẩm và các vật dụng cần thiết trong quá trình thi. Giáo viên tham gia coi thi đều là tự nguyện, không phát sinh chi phí lớn và đặc biệt, nhà trường không thu bất kỳ khoản phí nào từ học sinh.

Bên cạnh đó, thầy Hổ cũng đánh giá hiệu quả mà kỳ thi thử tốt nghiệp Trung học phổ thông mang lại cho nhà trường. Cụ thể, với học sinh lớp 12, đây không chỉ là một lần kiểm tra kiến thức đơn thuần, mà thực sự là một “cột mốc” quan trọng để nhìn lại quá trình học tập của mình. Những em có nguy cơ rớt tốt nghiệp, sau khi trải qua kỳ thi thử thường có xu hướng cố gắng hơn, chăm chỉ hơn, chủ động hơn trong việc ôn luyện.

Trong khi đó, những học sinh có lực học khá, giỏi sau khi thấy kết quả thi thử lại càng có động lực để phấn đấu, đặt ra mục tiêu cao hơn và tập trung ôn tập có chiến lược hơn. Kỳ thi thử vì thế không chỉ giúp đánh giá học sinh mà còn khơi gợi tinh thần vươn lên trong các em.

Tuy nhiên, với điều kiện thực tế của nhà trường – nơi phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số thì việc học tập và ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp vẫn còn không ít khó khăn. Theo đó, nhiều em hoàn cảnh gia đình khó dẫn đến điều kiện học tập còn hạn chế. Chính vì vậy, nhà trường luôn nỗ lực hết mức có thể để hỗ trợ các em. Từ việc cung cấp văn phòng phẩm như giấy, bút trong kỳ thi, đến việc bố trí các buổi học phụ đạo, kèm riêng, động viên tinh thần… tất cả đều thể hiện sự đồng hành, sát cánh của thầy cô và nhà trường với học sinh trong giai đoạn then chốt này.

Nhiều năm qua, nhà trường được Sở Giáo dục và Đào tạo tin tưởng giao nhiệm vụ làm điểm thi chính thức của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Nhờ vậy, cơ sở vật chất của nhà trường ngày càng được củng cố và hoàn thiện, đáp ứng tốt các yêu cầu về tổ chức thi theo đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên của trường cũng có năng lực, kinh nghiệm tổ chức kỳ thi và làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Từ công tác coi thi, chấm thi đến việc phân tích kết quả, hỗ trợ học sinh sau thi… tất cả đều được triển khai bài bản, khoa học. Chính sự phối hợp đồng bộ và tinh thần tận tâm ấy đã góp phần tạo nên thành công cho kỳ thi thử tại trường trong suốt nhiều năm qua.

“Chỉ còn khoảng hơn hai tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông chính thức diễn ra. Trước bối cảnh thực hiện Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập từ rất sớm, ngay sau khi kết thúc học kỳ I.

Dù trong quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định liên quan đến quy định mới, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nhà trường đã vận động đội ngũ giáo viên tích cực tham gia, cùng đồng hành vì mục tiêu cuối cùng là giúp học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới.

Theo đó, kế hoạch ôn tập đã được xây dựng cụ thể và thực hiện đồng bộ, đảm bảo 100% học sinh khối 12 được tham gia ôn tập đầy đủ. Buổi sáng, các em học chương trình chính khóa. Buổi chiều, nhà trường tổ chức các tiết ôn tập đúng theo tinh thần của Thông tư 29 – hoàn toàn miễn phí, không thu bất kỳ khoản phí nào từ học sinh.

Việc tổ chức ôn tập được phân bố hợp lý, với tần suất 2 tiết mỗi tuần cho các môn thi tốt nghiệp. Riêng các môn học tự chọn, nhà trường cũng đã phân lớp, bố trí giáo viên phù hợp và hầu hết thầy cô đều rất nhiệt tình, sẵn lòng giảng dạy thêm để hỗ trợ học sinh ôn luyện kiến thức”, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Hữu Trác thông tin.

rồng giêng.jpg
Thầy và trò học sinh Trường THPT Giồng Riềng (Kiên Giang). Ảnh: website nhà trường

Còn theo chia sẻ của thầy Đàm Thanh Lạc, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2025 là kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, nên không chỉ học sinh mà cả phụ huynh, giáo viên và cán bộ quản lý nhà trường đều có những lo lắng, băn khoăn nhất định.

Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã xác định đây là một năm học then chốt, đòi hỏi sự chuẩn bị nghiêm túc và đồng bộ từ nhiều phía. Tất cả đều ý thức rõ tầm quan trọng và tính chất mới mẻ của kỳ thi, nên công tác chỉ đạo, định hướng ôn tập được bắt đầu sớm và triển khai bài bản.

Cụ thể, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tăng cường ôn tập một cách chi tiết, khoa học và bắt đầu triển khai từ đầu tháng 4 để đảm bảo học sinh có đủ thời gian hệ thống hóa kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài thi. Các tiết ôn tập được bố trí hợp lý trong thời khóa biểu, vừa đảm bảo theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa phù hợp với điều kiện thực tế của trường.

Các môn thi bắt buộc và môn học lựa chọn đều có kế hoạch ôn tập riêng, phân lớp cụ thể, giáo viên theo dõi sát sao và hỗ trợ học sinh cả trong giờ chính khóa lẫn ngoài giờ.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như sự hướng dẫn từ Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã sẵn sàng tham gia kỳ thi. Với điều kiện đội ngũ giáo viên là lực lượng cốt cán của Sở, từng tham gia vào khâu ra đề, coi thi, chấm thi ở các kỳ thi trước nên rất vững kinh nghiệm trong công tác tổ chức. Do đó, nhà trường hoàn toàn chủ động về chuyên môn, nhân lực và quy trình.

“Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tinh thần trách nhiệm cao của tập thể giáo viên, sự đồng hành sát sao của phụ huynh và sự nỗ lực không ngừng của các em học sinh, nhà trường tin tưởng rằng kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay dù là kỳ thi đầu tiên theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018 vẫn sẽ diễn ra thành công, an toàn và đạt được kết quả như mong đợi”, thầy Lạc kỳ vọng.

ĐÀO HIỀN