LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Đây là tham luận của ông tại Hội nghị Quốc về One Asia, gồm 600 nhà khoa học đến từ 31 nước Châu Á.
Lịch sử chỉ ra rằng hầu hết các bi kịch xảy ra trong từng gia đình, từng quốc gia và giữa các quốc gia với nhau đều là do thiếu thấu hiểu và thiếu chia sẻ.
Trong Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc khi khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có đoạn:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, suy rộng ra có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:
Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.
Châu Á là châu lục lớn nhất địa cầu, chiếm đến 29,9% diện tích Trái đất và cũng là châu lục có đông dân cư nhất, với khoảng trên 4 tỷ người, chiếm đến 60% dân số thế giới.
Với khoảng 53 quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á có những nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, những nền tảng văn hoá vô cùng đa dạng song vẫn có không ít nét tương đồng.
Châu Á có đường ven biển dài đến 62.800 km, có ngọn núi Everest được coi là nóc nhà thế giới với chiều cao tới 8.848m, có dòng Dương Tử Giang dài đến 6.300km.
Tất cả mọi quốc gia và mọi dân tộc Châu Á đều mong ước tạo lập một Công đồng Châu Á để cùng nhau chung sống trong hoà bình, cùng nhau phát triển và giao lưu kinh tế để không còn đói nghèo.
Cùng phát triển nền văn hoá mang bản sắc Châu Á và cùng vươn lên đón nhận những thành tựu vô cùng mới mẻ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Muốn vậy chỉ có thể xây dựng một triết lý thấu hiểu và chia sẻ, một tinh thần đoàn kết để cùng thắng (win-win).
Nền văn minh nhân loại đã phát triển đến mức có thể thống nhất một khái niệm chung nhất, dù thuộc bất kỳ quốc gia nào, tôn giáo nào, sắc tộc nào. Đó chính là sự thấu hiểu và sự chia sẻ.
Tổ quốc chúng tôi với 54 dân tộc anh em đã chung sống với nhau trong tình yêu thương qua hàng nghìn năm lịch sử.
Các nghiên cứu khảo cổ học cho thấy cách đây từ 4.000 – 5.000 năm văn hoá hậu kỳ đá mới đã phân bố rộng khắp lãnh thổ từ bắc chí nam, từ miền núi đến đồng bằng châu thổ, từ đất liền đến hải đảo.
Cách đây khoảng 4.000 năm Việt Nam đã bước vào cuộc cách mạng luyện kim, tạo nên những trung tâm văn minh và nhà nước đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam.
Đó là văn hoá Đông Sơn với nhà nước Văn Lang-Âu Lạc ở miền Bắc và văn hoá Sa Huỳnh với nhà nước Lâm Ấp (Champa) ở miền Trung và văn hoá Ốc Eo với nhà nước Phù Nam ở miền Nam.
Nhưng dân tộc chúng tôi đã phải chứng kiến biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (19) - Quên hôm qua, sống cho ngày mai |
Hơn nghìn năm đấu tranh chống Bắc thuộc, từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên đến tận thế kỷ thứ 10.
Rồi đến 100 năm đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và sau đó là cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam từ Nam chí Bắc chống sự xâm lược của Mỹ, để giải phóng dân tộc, giành độc lập và thống nhất đất nước (1955-1975).
Biết bao xương máu đã đổ xuống trên mảnh đất này để có được một tổ quốc thống nhất với khoảng 93 triệu con người đang xây dựng cuộc sống mới với phương châm:
“Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.
Bước vào thế kỷ 21, Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế.
Việt Nam tiếp tục tạo môi trường và điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Việt Nam sẽ chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, giữ vững an ninh quốc gia, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.
Muốn tạo lập một Cộng đồng Châu Á trong một tương lai không xa theo đúng với nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân chúng ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á ta cần thiết nêu cao tinh thần Thấu hiểu và Chia sẻ.
Thấu hiểu bao gồm từ thấu hiểu bản thân, thấu hiểu người khác trong gia đình, thấu hiểu cả cộng đồng dân tộc và tiến đến thấu hiểu cư dân của cả các nước khác trong cộng đồng Châu Á.
Nếu mỗi cư đân Châu Á đều cùng nghĩ rằng: cần xây dựng cho mình một nền móng quyền lực, bao gồm thân thể khoẻ mạnh, tinh thần cân bằng, trí tuệ sáng suốt và tâm linh mạnh mẽ thì sức mạnh của toàn châu lục sẽ tăng lên gấp bội.
Không bất kỳ ai, không bất kỳ thế lực nào có thể cấm mỗi chúng ta xây dựng nền móng ấy.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (10): Để có một cuộc sống tuyệt vời |
Mọi người đều bình đẳng trong việc khai thác những nguồn lực vô cùng dồi dào để xây dựng nền móng ấy.
Đấy là nền móng hạnh phúc cho từng cá nhân, từng gia đình và rộng lớn hơn là cho cả dân tộc, cả châu lục.
Chúng ta đều có đủ tài nguyên mà thiên nhiên hào phóng ban tặng đó là: Nước, Ánh sáng mặt trời và Không khí.
Trên mỗi khoảng đất mà chúng ta cư trú chỉ cần có nước và ánh sáng là cây cối sẽ mọc lên, cung cấp lương thực nuôi sống chúng ta và nuôi sống cả đàn gia súc, gia cầm của chúng ta.
Còn không khí, nếu chúng ta đừng làm vấy bẩn nó thì hoàn toàn đủ cung cấp dưỡng khí cho quá trình hô hấp của mọi sinh vật.
Vậy can cớ gì mà không cùng chung tay xây dựng những cuộc sống tươi đẹp trong từng gia đình, từng quốc gia và trong cả châu lục.
Can cớ gì phung phí tiền bạc để đúc vũ khí, đúc chiến xa, làm máy bay, tàu ngầm, nhằm lấn chiếm lãnh thổ của nhau?
Bài học gần đây về bước đầu kiến tạo sự hoà hợp Liên Triều đang làm nức lòng nhân dân không chỉ Châu Á mà trên toàn thế giới.
Một Hiroshima, một Nagasaki đã là một bóng đen ghê sợ với toàn nhân loại vì sự huỷ diệt thảm khốc và kéo dài.
Giờ đây đâu chỉ có bom nguyên tử, còn có bom khinh khí và các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân xuyên lục địa.
Có ai mong muốn chứng kiến lại những thảm cảnh mà có thể lớn lao hơn rất nhiều so với Hiroshima và Nagasaki.
Ngoài chiến tranh, chúng ta còn đương đầu trực tiếp với sự nóng dần lên toàn cầu do biến đổi khí hậu.
Đó là những hiểm nguy đang đe doạ không chỉ một ai mà đang đe doạ toàn nhân loại.
Biến đổi khí hậu Trái Đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm.
Sự biến đổi có thể là thay đổi thời tiết bình quân hay thay đổi sự phân bố các sự kiện thời tiết quanh một mức trung bình.
Sự biến đổi khí hậu có thể giới hạn trong một vùng nhất định hay có thể xuất hiện trên toàn địa cầu.
Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái Đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (12) - Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi |
Không quốc gia nào, dân tộc nào đứng ngoài mối hiểm nguy này và chỉ có cách cùng nhau và bằng mọi cố gắng để hạn chế tác hại của sự biến đổi khí hậu.
Đó là những việc không thể có quốc gia nào đứng ngoài cuộc và phải cùng nhau hợp sức lại để cùng đối phó.
Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài.
Nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.
Với các nước khác ở Châu Á tình hình cũng không mấy khả quan hơn.
Chung tay bảo vệ rừng đầu nguồn, chung tay hạn chế việc ngăn dòng chảy của những con sông lớn chảy qua nhiều quốc gia, chung tay bảo vệ tính đa dạng sinh học, chung tay chia sẻ những kinh nghiệm tốt để ngăn hạn chế hán, lũ lụt, ô nhiễm môi trường sống là những trách nhiệm chung của toàn châu lục chúng ta.
Một lần nữa nguyên lý Thấu hiểu và Chia sẻ được thấy rõ trong trách nhiệm của từng quốc gia và trên toàn châu lục.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hay cuộc Cách mạng 4.0) đang đem lại biết bao cơ hội cùng vô vàn thách thức với tất cả các dân tộc trên toàn châu lục.
Nào là Công nghệ in 3D (3D printing), nào là các robot thế hệ mới (new generation robotech), nào là trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence), nào là Dữ liệu lớn (Big Data), nào là Internet vạn vật kết nối (IoT), nào là Học tập trực tuyến (eLearning), nào là Công nghệ gen, (genetic engineering) nào là Cây trồng biến đổi gen (Genetically Modified Crop-GMC)...
Chúng ta cần chia sẻ với nhau những thành tựu mới mẻ, những công nghệ đang thay đổi về bản chất (ví dụ như In 3D, từ công nghệ cắt gọt chuyển sang công nghệ bồi đắp), về năng suất (các robot công nghiệp), về giáo dục (học tập trực tuyến), về sức khoẻ (nanorobot), về nông nghiệp (GMC), về an toàn giao thông (ô tô tự hành), về an toàn hoả hoạn (robot chữa cháy)…
Chúng ta cũng cần chia sẻ với nhau về việc trao đổi lao động và biến thế hệ trẻ thành những công dân toàn cầu, đáp ứng từng nhu cầu của từng quốc gia khác nhau, nhất là các quốc gia đang trong tình trạng già hoá dân số.
Từ Việt Nam với bình quân GDP/đầu người chỉ có 2.300 USD, nhìn sang quốc đảo Singapore - nơi hầu như hoàn toàn không có ưu đãi gì về tài nguyên thiên nhiên, vậy mà họ đã đạt đến bình quân GDP/đầu người tới 70.000 USD.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (11): Thay đổi cuộc sống |
Chúng ta có thể học tập được rất nhiều kinh nghiệm, chẳng hạn đó là các mô hình SMART như Strategy, Monitoring, Accountability, Rethinking và Trust.
Strategy là coi doanh nghiệp vừa và nhỏ là khu vực chiến lược, cần có tác động mạnh mẽ của chính sách.
Monitoring là cần có bộ chỉ số để định giá, giám sát định kỳ, bài bản các kết quả đạt được và rút ra các bài học kinh nghiệm.
Accountability là coi trọng trách nhiệm giải trình, có cơ quan và con người chịu trách nhiệm về thành bại của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt cách mạng công nghệ 4.0.
Rethinking là đổi thay cách nghĩ, nhìn thấu thực tế, lắng nghe doanh nghiệp và chuyên gia, học hỏi tối đa kinh nghiệm quốc tế.
Và Trust là tạo niềm tin ngày càng sâu sắc của doanh nghiệp với lợi ích của ứng dụng công nghệ và sự đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp.
Việt Nam chúng tôi đang có đội ngũ doanh nghiệp vừa và nhỏ đông đảo, nhiều doanh nhân trẻ có kiến thức tốt và có khát vọng khởi nghiệp.
Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng vị thế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp với các doanh nhân trẻ.
Việt Nam đi sau nhiều nước Châu Á nhưng đang có điều kiện để có được môi trường của nền kinh tế sáng tạo như nhiều nước Châu Á khác.
Trong giai đoạn 1990-1992 với Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty thì người dân đã có thể được kinh doanh những gì pháp luật cho phép.
Đến năm 1999 Luật Doanh nghiệp cho phép kinh doanh những gì đăng ký. Đến năm 2004 Luật Doanh nghiệp cho phép người dân có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm.
Chính phủ đã quyết tâm mạnh mẽ cải cách môi trường kinh doanh và nhận thấy cần học tập kinh nghiệm của các nước đi trước để tạo cơ hội, khuyến khích sáng tạo, khuyến khích sự khác biệt để nền kinh tế mới có thể bước vào kỷ nguyên sáng tạo.
Các bạn trẻ Việt Nam ai cũng biết đến doanh nhân Jack Ma của Trung Quốc.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (8): Bí quyết của Jack Ma |
Ông tự nhận là người có tướng mạo xấu xí, hai lần thi trượt đại học. Từ chỗ mù tịt máy tính mà lại nhanh chóng trở thành một huyền thoại về thương mại điện tử.
Tập đoàn Alibaba đưa ông lên vị trí là một trong 100 nhà lãnh đạo toàn cầu trong tương lai. Phương châm rất hay của Jack Ma là:
“Chúng tôi giúp người khác làm giàu, họ giàu rồi thì chúng tôi mới có thể giàu được”.
Thanh niên Việt Nam cũng khâm phục ngài Kim Woo Choong, nhà sáng lập tập đoàn Daewoo của Hàn Quốc.
Các bạn trẻ rất thích thú với câu nói của ông Kim: “Các bạn không cần phải sợ hãi điều gì cả. Những người không dám khởi sự vì sợ thất bại chẳng khác nào những người không dám làm mắm vì sợ con dòi”.
Rất nhiều thanh niên Việt Nam tìm đường du học nước ngoài, không chỉ bằng ngân sách của Chính phủ mà số lớn hơn lại là từ những đồng tiền tiết kiệm của cha mẹ.
Họ thấy học được rất nhiều không chỉ từ các nước phương Tây mà cả từ các đại học Châu Á ở Nga, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan…
Một trường đại học Nhật Bản đã có mặt tại Hà Nội và nhiều lưu học sinh Châu Á cũng đang theo học tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
Châu Á sẽ là ngôi nhà chung ấm áp với sự giao thoa của nhiều nền văn hoá, trong đó có cả nền văn hoá “dùng đũa” mà không thấy có ở các châu lục nào khác.
Ẩm thực Châu Á cũng khác rất nhiều với ẩm thực của các nước Châu Âu, Châu Phi và Châu Đại Dương.
Đạo Phật cũng là nét phổ biến ở nhiều nước Châu Á.
Theo Hồ Thị Mỹ Hạnh thì sự kết nối giữa các nền văn minh châu Á được thể hiện đặc biệt nhất, xuyên suốt nhất thông qua Con đường tơ lụa.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (20) - Tuổi trẻ không hối tiếc |
Từ thời kỳ trước công nguyên cho đến mãi sau thế kỷ thứ mười, đây là một hệ thống các con đường buôn bán nổi tiếng đã từ hàng nghìn năm nối châu Á với châu Âu.
Con đường tơ lụa là một con đường huyền thoại nối liền Trung Hoa rộng lớn với vùng Tây Á kỳ bí, bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu.
Con đường cũng đi đến cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Dọc theo Con đường tơ lụa có sự hoà trộn và biến hoá trong đức tin tại các địa phương khác nhau đã làm nảy sinh nhiều kiểu đạo Phật khác nhau và có khi không hề giống với đạo Phật nguyên thủy tại Ấn Độ.
Từ kỹ thuật nấu rượu tới Phật giáo và thường được "đổi" bằng hàng hóa, sản vật, người Trung Hoa chuyển đi tơ lụa, thuốc súng, giấy và gốm sứ bằng Con đường tơ lụa.
Không đơn thuần chỉ là huyết mạch thông thương buôn bán của những "thương nhân lạc đà", Con đường tơ lụa còn là một hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng được hòa trộn.
Ngoài Con đường tơ lụa, còn rất nhiều bằng chứng khác cho thấy có sự kết nối giữa các nền văn minh Châu Á.
Đó là những giao lưu về mặt tư tưởng, tôn giáo, sự lan truyền Phật giáo, Hindu giáo và Hồi giáo, hoặc sự giao thương buôn bán, các hiện vật được tìm thấy như đồ đá (nha chương, khuyên tai hai đầu thú), đồ đồng (trống đồng, qua đồng), đồ gốm (gốm Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan), đồ thủy tinh (Ấn Độ), hạt chuỗi…
Riêng bản thân tôi với trách nhiệm là Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam và là người sáng lập ra Bảo tàng giống chuẩn vi sinh vật Việt Nam (VTCC- Vietnam Type Culture Collection) thì đã tạo được mối quan hệ khăng khít với các nhà vi sinh vật học của 23 tổ chức thuộc 13 nước châu Á thông qua Hiệp hội Bảo tồn và sử dụng bền vững vi sinh vật châu Á (ACM- The Asian Consortium for the Conservation and Sustainable Use of Microbial Resources) từ năm 2004.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị Quốc về One Asia, gồm 600 nhà khoa học đến từ 31 nước Châu Á. (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Chúng tôi cũng là thành viên của Hiệp hội Bảo tàng giống Quốc tế (WFCC- World Federation for Culture Collection) từ năm 2008.
Tổ chức ACM mỗi năm họp ở một nước châu Á với sự hỗ trợ hào hiệp của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Công nghệ và Kiểm định Nhật Bản (Viện NITE).
Các nhà vi sinh vật học Châu Á định kỳ thông báo cho nhau các kết quả nghiên cứu về các loài vi sinh vật mới được phát hiện cùng các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng của chuyên ngành Vi sinh vật học.
Việt Nam cũng tự hào vì đã tìm thấy và được công nhận nhiều loài vi sinh vật mới đối với thế giới, cùng với những kết quả ứng dụng vi sinh vật trong việc xây dựng ngành Công nghệ sinh học non trẻ ở Việt Nam.
Hiện VTCC đang bảo quản hơn 7000 chủng vi sinh vật (vi khuẩn, nấm men, xạ khuẩn, nấm sợi, nấm lớn và vi tảo).
Nhờ hoạt động cộng tác với ACM mà nhiều lượt cán bộ của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) được cử đi đào tạo hoặc giao lưu với Nhật Bản và các nước khác, được trao đổi miễn phí các chủng vi sinh vật và được học tập các thành tựu của các nước Châu Á trong việc ứng dụng vi sinh vật phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường và y dược học.
Ước vọng tạo lập Cộng đồng Châu Á theo tôi là một sáng kiến có ý nghĩa rất lớn, mở ra những niềm hy vọng mới cho việc phát triển giáo dục, văn hoá và khoa học của từng nước thành viên.
Lịch sử, văn hoá, tài nguyên thiên nhiên và nhân lực của các nước Châu Á thông qua hoạt động của Quỹ sẽ góp phần thấu hiểu nhau, chia sẻ với nhau để cùng phát triển.